Chúng ta

Kết nối xây dựng chuẩn bị 'đầu ra' cho sinh viên

Thứ hai, 6/3/2017 | 10:04 GMT+7

Tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường cao là yêu cầu bắt buộc, sống còn của các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay trong xu hướng cạnh tranh bình đẳng về tuyển sinh. Chất lượng đào tạo của nhà trường cũng được phản ánh trung thực thông qua thông số này. 

Để gắn kết quá trình đào tạo và sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục ĐH đã chủ động hợp tác, kết nối với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đảm nhận vai trò vừa là nhà sử dụng nhưng đồng thời là nhà tham gia đào tạo.

ojt-5179-1488510338.jpg
 

Nguyên tắc “win – win”

Hợp tác toàn diện với doanh nghiệp theo nguyên tắc “win – win” (hai bên cùng có lợi) đang là xu hướng được nhiều cơ sở giáo dục ĐH tiếp cận. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - cho biết: “Chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp thành lập các trung tâm đào tạo trong trường. Nhiều công ty lớn tài trợ xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, tặng thiết bị, máy móc thực hành với giá trị nhiều triệu đô la với các dự án tài trợ của Toyota TTEP, Mercedes, General Electric, Rockwell, Siemens, Bosch, Omron, National Instruments, Textronix... theo nguyên tắc 2 bên cùng có lợi (win - win): Thiết bị đào tạo được miễn thuế, công ty có thể sử dụng để huấn luyện cho nhân viên và đại lý. Thời gian còn lại, SV của trường được thực hành trên các hệ thống thiết bị công nghiệp mới nhất nên rất tự tin khi ra làm ở các công ty”.

Nhờ chú trọng quan hệ với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Intel, Texas Instrument, Bosch Việt Nam, Viettel, eSilicon, FPT… mà hai chương trình tiên tiến ngành Điện tử - Viễn thông và Hệ thống nhúng của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, học bổng, các cuộc thi SV nghiên cứu khoa học cũng như cơ hội thực tập, làm đồ án tốt nghiệp và cơ hội việc làm cho SV tại các doanh nghiệp tập đoàn đầu ngành này.

Từ nhiều năm nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã thành lập Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp để tư vấn cho nhà trường trong nhiều hoạt động như: Thiết kế, đánh giá và góp ý hiệu chỉnh chương trình đào tạo, phối hợp tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, cung cấp nơi thực tập cho SV, định hướng ngành mới.

Thời gian tham gia Học kỳ doanh nghiệp có thể kéo dài suốt cả một học kỳ chứ không chỉ khoảng 2 – 3 tuần như trong một đợt thực tập. Đồ án tốt nghiệp theo mô hình Capstone Project cũng được các cơ sở giáo dục ĐH triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Một xu hướng tuyển dụng mới đối với các doanh nghiệp, tập đoàn có chiến lược về nhân sự, theo như TS Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Công tác SV, Trường ĐH Bách khoa, cho biết, là hình thức quản trị viên tập sự. Theo đó, quá trình tiếp nhận SV thực tập cũng đồng thời là quá trình đơn vị bồi dưỡng nghiệp vụ, sàng lọc ứng viên để tuyển dụng nhân lực.

Mỗi năm, các tập đoàn, công ty đối tác truyền thống của nhà trường tiếp nhận khoảng từ 40 - 60 SV của ĐH Bách khoa Đà Nẵng đến công ty để thực tập hoặc kiến tập. Ngoài việc được thực tập trong môi trường chuyên nghiệp và tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, những SV này còn được công ty giao và hướng dẫn thực hiện các đề tài thực tập và sẽ là đề tài tốt nghiệp, được hưởng trợ cấp theo thời gian thực tập, được ưu tiên tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp…

Trang bị cho người học khả năng thích ứng

Trong một chuyên đề báo cáo khoa học tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, GS Trần Văn Thọ - Trường ĐH Waseda (Tokyo – Nhật Bản), nêu quan điểm: “Có nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là do đào tạo tràn lan. Thế nhưng, suy cho cùng, tình trạng thất nghiệp là do năng lực và sự thích ứng của nguồn nhân lực với công nghệ”.

Có cùng quan điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ: “Trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, trường ĐH cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới các hình thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng cá nhân học tập theo kế hoạch riêng, đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp, tạo môi trường để người học phát triển năng lực bản thân và phát triển cái “khác biệt” của họ. Nếu không thì kết quả đào tạo cũng sẽ như cũ, người học sẽ mất nhiều cơ hội”.

Nếu như kỷ nguyên số hỗ trợ được học trực tuyến, thì người học sẽ có thời gian với doanh nghiệp. Tố chất của người học là rất sáng tạo, cần tạo ra môi trường để họ phát huy sáng kiến và hỗ trợ tạo ra những nhân tố khởi nghiệp, những nhân tố tự tạo ra việc làm cho mình và cho người khác. Có như vậy mới giảm được tình trạng thất nghiệp của người học. 

Đây cũng là cách mà Trường ĐH FPT tại Đà Nẵng thiết kế chương trình đào tạo đặc thù Fasttrack đào tạo kỹ sư phần mềm và cử nhân CNTT theo yêu cầu và cam kết tuyển dụng của FPT Software gồm 4 học kỳ. Sau 4 học kỳ, với sự tham gia đào tạo của phía FPT Software, SV có thể lựa chọn vừa đi làm vừa học theo chương trình của ĐH trực tuyến FUNiX hoặc quay về trường học theo chương trình chính quy của ĐH FPT hoặc để lấy bằng kỹ sư CNTT.

Chưa nói đến cơ hội để SV sớm được cọ xát, tiếp cận với công nghệ, chính việc mở rộng cửa cho SV được tới kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp đã tạo động lực cho SV trong quá trình học tập.


Giáo dục & Thời đại

Ý kiến

()