Chúng ta

Kết nối các doanh nghiệp CNTT Việt Nam - Nhật Bản

Thứ tư, 7/6/2017 | 11:06 GMT+7

Sáng 6/6, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, tọa đàm với đại diện 60 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản.

Trao đổi với các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “Các bạn là các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, hiệu quả cao, là đối tác tin cậy, lâu dài, những người bạn chân tình của Doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam”. Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển con người, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi diện mạo thế giới, thay đổi phương thức chúng ta sống, làm việc và phát triển. Trong xu thế mới, Việt Nam đang chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của người đồng cấp Nhật Shinzo Abe diễn ra từ ngày 4 đến 8/6. Mục đích chuyến thăm nhằm khẳng định sự coi trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trên mọi lĩnh vực.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của người đồng cấp Nhật Shinzo Abe diễn ra từ ngày 4 đến 8/6. Mục đích chuyến thăm nhằm khẳng định sự coi trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trên mọi lĩnh vực.

Cụ thể, CNTT ở Việt Nam đang phát triển bùng nổ và từng bước thông minh hóa nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Năm 2015, Việt Nam đã nằm trong TOP 10 khu vực châu Á- Thái Bình Dương, và TOP 30 thế giới về gia công phần mềm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy tính, máy vi tính, máy ảnh và các loại linh kiện của Việt Nam đã đạt hơn 55 tỷ USD.

Không chỉ dừng lại ở đó, Việt Nam đang đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di dộng trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới và khoảng 52% dân số sử dụng Internet. Việt Nam phấn đấu đến 2020 nằm trong top đầu thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về phía Nhật Bản, đại diện Công ty Japan Post cho biết, tháng 3 năm nay, Công ty đã ký bản ghi nhớ liên quan đến nâng cao chất lượng dịch vụ bưu điện ở Việt Nam, thông qua hoạt động này, để rút ngắn thời gian chuyển phát bưu chính ở Việt Nam.

Đại diện Công ty IHI bày tỏ muốn “cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam qua việc đào tạo nguồn nhân lực”. Thời gian tới, IHI sẽ tập trung vào các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và đề xuất Việt Nam hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về PPP.

Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng cho rằng, những điều mà doanh nghiệp đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam là điều đáng mừng. “Với việc cải thiện môi trường đầu tư và cách nhìn nhận của Chính phủ hai nước, rất mong các bạn quan tâm, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực nông nghiệp, một số dịch vụ mà các bạn có thế mạnh”.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có "bữa sáng ngoại giao" và làm việc với gần 40 Doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản. Các doanh nghiệp này có tổng doanh thu hơn 1.100 tỷ USD.

Phát biểu trước các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiềm lực và những thành công của doanh nghiệp Nhật Bản trong đầu tư vào Việt Nam, với việc Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư và đứng thứ 3 về lượng khách du lịch tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam muốn tập trung đầu tư phát triển vào hai lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ Thông tin; và mong muốn nhận đầu tư từ Nhật Bản, nhất là các dự án về môi trường, công nghệ cao và phát triển nguồn nhân lực.

Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã giới thiệu về hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và đề xuất nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề thuế suất và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Là công ty CNTT nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản, FPT Nhật Bản đã tham gia và tích cực kết nối Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp tại quốc gia này. Trong số 40 DN Nhật Bản tham gia buổi làm việc và ăn sáng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hơn 1/3 DN (với tổng doanh thu 482 tỷ USD) đang hợp tác với FPT như: Yamato, Hitachi, Fujitsu...

Hiện, FPT là công ty CNTT nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản với 760 nhân sự làm việc trực tiếp tại Nhật Bản và gần 5.000 nhân sự tại Việt Nam làm việc trong các dự án với khách hàng Nhật Bản.

FPT vừa ghi nhận hợp đồng với một đối tác hàng đầu trong lĩnh vực ERP tại Nhật Bản có giá trị lên tới 35 triệu USD, kéo dài trong vòng 3 năm. Đây là hợp đồng có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực ERP cho đến nay của FPT tại thị trường này. 

Công Thương

Ý kiến

()