Chúng ta

Hiệu quả từ đề án nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ hai, 13/11/2017 | 14:38 GMT+7

Nhận định giáo dục là nền tảng cho sự phát triển bền vững của địa phương, quận Ngũ Hành Sơn đã phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục quận Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo. Sau một năm triển khai thực hiện, đề án đã mang lại những tín hiệu vui, hiệu quả tích cực.

Chắp cánh ước mơ đến trường

Theo ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ngũ Hành Sơn, với Đề án này, việc nâng cao chất lượng giáo dục càng được chú trọng hơn. Bên cạnh việc dạy phụ đạo cho học sinh yếu, quận còn hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh con hộ nghèo, con mồ côi để các em yên tâm đến trường. Các em học sinh thuộc diện gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có công cách mạng, con thương binh-liệt sĩ đều được hỗ trợ học phí…

6-1510373705-660x0-5044-1510543197.jpg

Cán bộ, giảng viên và sinh viên nước ngoài tại Đại học FPT.

Với những học sinh không đỗ vào lớp 10 trường công lập, quận và các địa phương tổ chức gặp mặt động viên, định hướng vận động các em vào học tại các trường tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc học nghề. Đồng thời, thường xuyên thống kê, nắm tình hình, lập danh sách học sinh hay vi phạm nội quy, có nguy cơ bỏ học gửi về UBND các phường để địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, sát cánh với nhà trường vận động các em ra lớp.

Những giải pháp căn cơ và thiết thực như vậy đã góp phần giúp học sinh yếu vươn lên học tốt, các em con gia đình có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường, nhiều gia đình có học sinh được bảo trợ cơ bản thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu nhất phải kể đến trường hợp vượt khó vươn lên của hai chị em Phan Thị Ngọc Hân và Phan Ngọc Quý. Cha qua đời khi Hân vừa lên 8, còn Quý chỉ mới 2 tuổi, mọi gánh lo toan trong nhà đổ dồn về quầy hàng thực phẩm nơi chợ xép của người mẹ. Tất tả mưu sinh để chăm lo cho con, sức khỏe của chị Võ Thị Ngọc Thương ngày càng yếu, không thể cáng đáng việc nặng, phải chuyển sang bán xôi. Vượt qua những khó khăn chất chồng về điều kiện kinh tế, hai chị em Hân, Quý vẫn kiên trì theo đuổi việc học.

Hiện Hân là sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Quý là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. “Chúng em được tiếp tục đến trường làm bạn với sách vở là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của cộng đồng dành cho gia đình. Những ân tình lớn lao đó rất khó để kể hết. Em luôn biết ơn về điều này và luôn cố gắng học tập thật tốt”, Hân chia sẻ.

Đến nay, chất lượng giáo dục ở quận Ngũ Hành Sơn dần nâng cao, tỷ lệ học sinh giỏi tăng lên hằng năm, mặt bằng chất lượng cũng từng bước được thu hẹp giữa các trường và các địa phương trong quận. Năm học 2016-2017, số lượng học sinh tham gia và đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố đều tăng. Tổng cộng, có 212 học sinh dự thi, đoạt 156 giải (năm 2015 có 155 học sinh dự thi, đoạt 113 giải); trong đó, có 9 giải nhất, 36 giải nhì, 50 giải ba, 61 giải khuyến khích.

Những tín hiệu vui

Sau một năm triển khai, không chỉ bảo đảm không có học sinh bỏ học giữa chừng vì điều kiện kinh tế khó khăn, Đề án còn đạt được những tín hiệu vui, hiệu quả tích cực khác. Đối với mỗi cấp học, Đề án đặt ra những mục tiêu riêng, phù hợp với từng lứa tuổi. Cấp giáo dục mầm non chú trọng nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, đã giảm đáng kể tỷ lệ trẻ thừa cân, suy dinh dưỡng, thấp còi; tổ chức tốt các hoạt động phát triển vận động để tăng cường thể chất và tinh thần cho trẻ. Cấp giáo dục tiểu học đã tổ chức chuyên đề đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Cấp giáo dục trung học cơ sở tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý cho học sinh.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục quận không ngừng đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với sử dụng đồ dùng học tập và ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin; đề cao vai trò giáo viên chủ nhiệm trong quản lý, giáo dục học sinh; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhà trường nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh...

Quận Ngũ Hành Sơn còn chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Anh nhằm trang bị hành trang cho học sinh. Ông Nguyễn Lâm cho hay, Phòng GD&ĐT quận không chỉ tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên theo chuẩn của Đề án mà còn hợp tác với trường Đại học FPT đưa sinh viên nước ngoài vào giảng dạy và giao lưu với học sinh các trường để các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng ngôn ngữ khác. Trong năm học 2016-2017, có 43 sinh viên FPT đến giao lưu tiếng Anh thường xuyên tại 2 trường tiểu học và 2 trường trung học cơ sở, mỗi tuần 1 lần/lớp. Phòng GD&ĐT cũng tổ chức sinh hoạt CLB Nói tiếng Anh cho giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học và trung học cơ sở; triển khai chuyên đề vui học Toán bằng tiếng Anh cho học sinh tiểu học…

>> Chủ tịch FPT tin tưởng Đà Nẵng sẽ là thành phố nói tiếng Anh

Báo Đà Nẵng

Ý kiến

()