Chúng ta

Hành khách tự in vé đi tàu hỏa

Thứ hai, 31/8/2015 | 12:17 GMT+7

Đây là khẳng định của ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc VNR, khi trao đổi với Báo Giao thông về hệ thống bán vé tàu điện tử và hóa đơn điện tử sẽ được áp dụng cuối tháng 8 này.

12-0437-4704-1440638516.jpg

Bán vé tại ga Sài Gòn.

Khó nhất là hoàn thiện thủ tục pháp lý

- Hành khách đang rất mong mỏi một hệ thống vé tàu điện tử tiện ích, cho phép hành khách tự in vé tàu sớm được vận hành. Vậy, hiện tại, hệ thống này đã triển khai đến đâu, thưa ông?

- Theo kế hoạch, đến tháng 9 hệ thống vé tàu điện tử tự động sẽ cho phép hành khách tự in vé ở bất cứ đâu và hành khách chỉ cần mang vé này là có thể lên tàu. Nhưng trước nhu cầu cấp thiết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ lên ngày 21/8 vận hành. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không hoàn thành kịp tiến độ đề ra vì nhiều lý do, trong đó có việc hoàn thành thủ tục pháp lý về hóa đơn điện tử.

Vì vậy, VNR đã quyết định lùi thời điểm triển khai hệ thống vé tàu điện tử, hóa đơn điện tử đến cuối tháng 8 để có thêm thời gian kiểm tra, hoàn thiện hệ thống vé tàu điện tử và hóa đơn điện tử trước khi sử dụng. Việc này nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, chính xác về tài chính, không gây phiền hà đối với người dân khi mua vé tàu.

- Theo ông, đâu là những khó khăn khi triển khai hệ thống bán vé tàu điện tử tự động?

- Khó nhất là hoàn thiện thủ tục pháp lý về hóa đơn điện tử. Trước đây, mỗi tấm vé tàu là một hóa đơn được Bộ Tài chính công nhận. Nhưng nay khi chuyển sang vé tàu điện tử, phải cần một hóa đơn điện tử đúng quy định pháp luật. Để giải quyết việc này, cuối tháng 7 vừa qua, các công ty vận tải đường sắt trực thuộc VNR đã lựa chọn Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (Vinaphone) làm đối tác trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử cho VNR.

Thế nhưng, do thời gian ngắn, chưa đánh giá hết những khó khăn về nghiệp vụ nên về mặt kỹ thuật hai hệ thống bán vé điện tử, hóa đơn điện tử đã gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp nhằm đảm bảo tính an toàn, chính xác và kịp thời về dữ liệu để phục vụ người dân.

Hành khách có thể tự in thẻ cấp chỗ đi tàu

- Khi vận hành, hành khách đi tàu sẽ được những tiện ích gì từ hệ thống này?

- Trước đây, việc bán vé mới đã tạo điều kiện cho khách hàng có thể “mua vé mọi lúc, mọi nơi ”. Nhưng hành khách vẫn phải đến các cửa vé tại ga lấy vé để hoàn tất thủ tục đi tàu (vé tàu kiêm hóa đơn). Còn với hệ thống vé điện tử, hóa đơn điện tử, sau khi đặt chỗ và thanh toán xong, hành khách có thể tự in thẻ cấp chỗ đi tàu và hóa đơn điện tử tại nhà hoặc bất cứ nơi nào có máy in, máy tính kết nối internet. Sau đó, chỉ cần mang thẻ này ra ga là có thể lên tàu.

Tại bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào căn cứ vào mã số thẻ đi tàu, khách hàng có thể truy cập vào website hóa đơn điện tử để tra cứu cũng như in hóa đơn hợp lệ theo đúng quy định của pháp luật.

- Vậy có nghĩa là đến nay hệ thống này đã được triển khai tại tất cả các ga của đường sắt?

- Hệ thống này không những giúp người dân có thể đặt mua vé tàu thuận tiện, mà còn tích hợp công khai thông tin về các chỗ còn trống trên tàu, đổi mới cơ chế kiểm soát vé đi tàu, phòng chống tiêu cực, đầu cơ… Lưu ý rằng vé tàu truyền thống được thay bằng thẻ lên tàu hỏa điện tử và hóa đơn điện tử, khách hàng nào muốn lấy hóa đơn thì có thể tự in hóa đơn điện tử tại bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào thông qua địa chỉ: http://hoadon.vantaiduongsathanoi.vn hoặc http://hoadon.duongsatsaigon.vn ghi trên thẻ lên tàu hỏa”.

Chính xác hơn là hiện nay hệ thống đã được triển khai tại tất cả các điểm bán vé của đường sắt. Trước khi đưa vận hành chính thức vào cuối tháng 8, chúng tôi phải chạy thử hệ thống tại các cửa vé trong một tuần để kiểm tra sự ổn định của hệ thống, đối soát kỹ càng. Tuy nhiên, cũng chưa thể nói hệ thống hoàn thiện 100% và không có sự cố phát sinh. Chúng tôi đã thành lập hai tổ thường trực tại Hà Nội và TP HCM để giải quyết kịp thời các sự cố, từ đó hoàn thiện hệ thống.

Dự kiến, đến tháng 11, Liên danh nhà thầu FPT sẽ hoàn thành hệ thống bán vé điện tử hoàn chỉnh gồm 164 tính năng với 20 nhóm chức năng. Hệ thống hoàn chỉnh sẽ bao gồm phần mềm quản lý trung tâm, quản lý ga và bán vé tại ga, website, tin nhắn, điện thoại thông minh, máy tự động, qua đại lý, đối tác vận chuyển; hệ thống soát vé trên thiết bị cầm tay, hệ thống thông tin khách hàng; đối tác vận chuyển; quản lý đại lý; hệ thống báo cáo và phân tích; hệ thống thanh toán trực tuyến; hệ thống thông tin qua mạng xã hội, tin nhắn, bảng điện tử...

Hiện chúng tôi tích cực truyền thông để hành khách hiểu về hệ thống, bên cạnh đó còn có bộ phận hỗ trợ khách hàng 24/24h. Nếu hành khách có bất cứ thắc mắc nào có thể liên hệ theo đường dây nóng tại Hà Nội: 04.39423949; TP HCM: 08.38436528; Tổng đài vé điện tử: 1900 6469.

- Ông có lời khuyên gì đối với hành khách khi mua vé tàu điện tử tự động?

- Hành khách cần điền đầy đủ thông tin, kiểm tra kỹ trước khi đặt chỗ nhất là thông tin về mã số thuế để đảm bảo nhận được hóa đơn điện tử. Trong trường hợp hành khách không cung cấp đầy đủ các thông tin như: Tên khách hàng, địa chỉ, mã số thuế,… sẽ không nhận được hóa đơn điện tử.

Đối với thẻ lên tàu, chúng tôi mong hành khách cung cấp tên và số CMND để đảm bảo quyền lợi. Bởi nếu không cung cấp tên và số CMND sẽ không trả lại được vé. Và khi gặp những sự cố không đáng có (nhiều người cầm cùng thẻ lên tàu, …), các thẻ lên tàu trên đều không hợp lệ do không xác định được ai là chủ của thẻ lên tàu.

Trong trường hợp hành khách mua nhiều vé và muốn lấy nhiều hóa đơn điện tử (tại nhà ga) đề nghị thông báo rõ với thư ký bán vé để thư ký hỗ trợ hành khách trong việc tách hóa đơn.

Thẻ lên tàu hỏa do hành khách tự in trên giấy A4 có mẫu khác với thẻ lên tàu hỏa in tại các cửa bán vé bằng giấy in nhiệt, quan trọng nhất là mã QR trên thẻ phải rõ để máy soát vé có thể nhận dạng.

Giao thông

Ý kiến

()