Chúng ta

FPT trở về cốt lõi

Thứ năm, 28/12/2017 | 15:16 GMT+7

Nhiều năm đặt doanh thu chính vào mảng bán lẻ, song thực tế lợi nhuận không cao. Chiến lược trở về cốt lõi của Tập đoàn FPT về dài hạn được đánh giá cao.

Theo kế hoạch Đại hội cổ đông đặt ra, năm 2017, FPT đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 13,1%, tương đương lần lượt 46.619 tỷ đồng và 3.408 tỷ đồng.

FPT-copy-JPG-6537-1514434522.jpg

Số thuê bao băng rộng cố định năm 2016 của FPT Telecom.

Kỳ vọng khoản thu bán vốn

Tại báo cáo về công bố thông tin tóm tắt tình hình hoạt động kinh doanh 11 tháng năm 2017, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của FPT đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 2 chữ số. Doanh thu hợp nhất đạt 39.319 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.990 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.521 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. FPT đang rất gần đích lợi nhuận với các triển vọng tăng trưởng như con số thể hiện, chưa bao gồm việc ghi nhận các khoản bán vốn mà công ty vừa thực hiện mới đây.

Nhà đầu tư trên thị trường hiện đã đón sóng ghi nhận lợi nhuận tương lai từ các đợt bán vốn của FPT một cách mạnh mẽ. Báo cáo phân tích FPT của CTCK Maybank Kim Eng Việt Nam tháng 11/2017 cho thấy, hoàn tất bán vốn FPT Retail và FPT Trading có thể mang về cho “cựu” Tập đoàn mẹ FPT khoản lợi nhuận tới 1.200 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu FPT trong 6 tháng trở lại đây đã có mức tăng hơn 22% xét về thị giá và 1,21 lần xét về khối lượng so với trung bình 6 tháng. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng cùng kỳ 1 năm về trước, bước giá vọt tới 60,46% chốt đến phiên giao dịch 25/12/2017 mới cho thấy độ chênh lệch và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với FPT từ cơ hội thoái vốn bất thường cũng như cơ hội chung của một thị trường chứng khoán “leo thang” đột biến.

Định hướng toàn cầu hóa

Nếu như lợi nhuận bất thường sau bán vốn được ghi nhận vào niên độ 2017, cổ đông FPT sẽ có một mùa bội thu. Tuy nhiên, sự hụt hẫng của một khoản doanh thu trong mấy năm gần đây luôn chiếm tỷ trọng lớn/ tổng doanh thu của FPT khiến không ít nhà đầu tư quan ngại ông lớn công nghệ đã “vội vã” rời bỏ “gà đẻ trứng vàng”.

Thực tế, chiến lược trở về cốt lõi của FPT đang đi đúng hướng, với những mảng quan trọng trong kế hoạch mà Đại hội cổ đông xác định sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng của tập đoàn đã đạt kết quả hết sức khả quan.

Theo mục tiêu, Công nghệ - Viễn thông 2017 dự kiến đóng góp hơn 85% vào tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn, với lần lượt 1.359 tỷ đồng và 1.210 tỷ đồng, chiếm lần lượt 40%, và 35,5% tổng lợi nhuận Cty. Trong đó, lần đầu tiên khối Công nghệ dự kiến sẽ dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong toàn Tập đoàn.

Tại báo cáo kỳ tháng 11, FPT không nêu cụ thể số liệu, tuy nhiên tính đến 10 tháng, tăng trưởng lợi nhuận đã được đóng góp chủ yếu bởi 2 trụ cột công nghệ - viễn thông, đúng như những gì vạch ra.
Cụ thể, công nghệ- viễn thông tiếp tục đóng góp lợi nhuận tới 72% tổng lợi nhuận, mức tăng lần lượt đạt 12% và 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong chiến lược dài hạn, FPT cũng xác định định hướng toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng của FPT trong tương lai, với mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến 30% trong năm 2017. Trong năm 2016, lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận mức tăng trưởng 40%, đóng góp 1/3 vào tổng lợi nhuận hợp nhất và cao hơn so với tăng trưởng lợi nhuận thị trường trong nước.

Trong 10 tháng 2017, thị trường nước ngoài của FPT cũng đang vô cùng khả quan. Với doanh thu 5.473 tỷ đồng, tăng 16%, lợi nhuận trước thuế đạt 850 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, nguồn thị trường nước ngoài đang mang về đúng 1/3 cho các chỉ tiêu kế hoạch của doanh nghiệp.

Chia sẻ về định hướng toàn cầu hóa, một lãnh đạo của FPT mới đây cho biết Nhật Bản đã và đang là một trong những thị trường trọng điểm của FPT, nơi mà việc đặt trung tâm (nearshore, offshore) sử dụng nguồn lực trong nước và nước ngoài cũng sẽ là FPT phát triển R&D với các công nghệ tiên tiến để tiến ra thị trường khác.

6-1511941590-660x0-5190-1514434522.jpg

Một góc văn phòng FPT tại Tokyo, Nhật Bản.

Ông Trần Đăng Hòa, Giám đốc FPT Japan (FPT Nhật Bản) cho biết, bên cạnh việc đem lại giá trị kinh tế, “trong 1 đồng ngoại tệ thu về còn kèm theo 5 đồng trí thức, đó là kinh nghiệm quản trị, kiến thức về mô hình kinh doanh, công nghệ…”, đây là những lĩnh vực Việt Nam đang rất cần. FPT hiện đang có 5 cơ sở tại Nhật Bản là Tokyo, Osaka, Nagoya, Fukuoka và Okinawa. Tập đoàn đặt mục tiêu thị trường Nhật Bản sẽ đem về doanh thu 600 triệu USD vào năm 2020. Cùng với đó, FPT sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ/giải pháp trên nền công nghệ điện toán đám mây hàng đầu tại Nhật Bản.

Như vậy, lõi công nghệ - viễn thông của FPT sẽ là 2 trụ cột chính và thị trường mang lại các kỳ vọng tăng trưởng từ lõi này sẽ không dừng ở Việt Nam mà còn vươn tới toàn cầu. Định hướng này cần FPT phải cắt bớt “râu ria” để tập trung nguồn lực và nhân sự tôn bồi cho năng lực và tầm vóc của doanh nghiệp.

Một chuyên gia đánh giá, đây là con đường “khôn ngoan” hơn nhiều so với việc giữ lại phân phối và bán lẻ đồ công nghệ- lĩnh vực tuy hấp dẫn và có kỳ vọng doanh thu cả trăm tỷ USD, song thị phần chia năm xẻ bảy và FPT Retail - Traiding thực tế vẫn đang phải đi sau rượt đuổi những người dẫn đầu.

>> PTGĐ FPT Telecom giục nhân viên 'giật tiền triệu'

Hướng tới mục tiêu dài hạn

Ngay sau khi ban hành Nghị quyết thoái vốn tại Cty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading), Tập đoàn FPT đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International Corporation (Synnex). Theo đó, Synnex sẽ sở hữu 47% vốn điều lệ tại FPT Trading.

FPT định giá 80 triệu USD cho FPT Trading và trong thương vụ này, số tiền mà FPT nhận được là 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading.
Hội đồng quản trị CTCP FPT cũng đã thông qua nghị quyết về việc bán tối đa 5% vốn điều lệ của C ty cho cán bộ nhân viên có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của FPT Trading trong thời gian tới.

Trước đó, trong tháng 8 vừa qua, FPT đã hoàn tất việc bán 30% cổ phần tại FPT Retail cho hai quỹ Dragon Capital và VinaCapital và dự kiến tiếp tục chào bán 10% cổ phần FPT Retail cho các nhà đầu tư cá nhân. Với kế hoạch này, FPT chỉ còn sở hữu dưới 50% cổ phần tại FPT Retail.

Năm 2017 là năm cuối cùng FPT có ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ phân phối - bán lẻ. Việc “thoát” khỏi hai doanh nghiệp con này cũng đồng nghĩa FPT sẽ trở về định dạng “Tập đoàn công nghệ” như mục tiêu sơ khởi và dài hạn của chính FPT.

Diễn đàn Doanh nghiệp

Ý kiến

()