Chúng ta

FPT Retail kỳ vọng chuỗi nhà thuốc Long Châu chiếm 30% thị phần dược phẩm

Thứ hai, 18/3/2019 | 09:40 GMT+7

Năm 2019, FPT Retail dự kiến sẽ nâng số nhà thuốc Long Châu lên 70 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc; chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 - 4 năm tới.

Theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty FPT Retail, mảng bán dược phẩm sẽ được mở rộng. FPT Retail dự kiến nâng số nhà thuốc Long Châu lên 70 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc.

Được biết, ngàn bán lẻ dược phẩm đang chia thành 3 kênh: kênh bệnh viện, kênh phòng khám và kênh nhà thuốc. FPT Retail kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 - 4 năm tới; mảng dược đóng góp khoảng 40% doanh thu của FPT Retail, đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ FPT Retail - bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết, thuốc và dược phẩm là lĩnh vực rất nhạy cảm. Vì thế, muốn phát triển chuỗi trong ngành này, không chỉ đòi hỏi kỹ năng quản trị, vận hành chuỗi, mà còn là kiến thức, sự am hiểu về ngành.

Lý giải về việc đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm, người đứng đầu FPT Retail cho hay, tốc độ tăng trưởng của dược phẩm tăng cao - khoảng 13%/năm và không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình kinh tế chung.

2-min-1-3425-1552872764.jpg

Nhà thuốc Long Châu liên tục mở mới.

So sánh với ngành điện thoại vốn là thế mạnh của FPT Retail, CEO FPT Retail cho biết, quy mô ngành dược phẩm tại Việt Nam là tương đương (khoảng 5 tỷ USD/năm). Tuy nhiên, lợi nhuận ngành dược phẩm lại cao gấp rưỡi, chi phí mở điểm bán, quản lý, vận hành một cửa hàng thuốc, dược phẩm lại ít tốn kém hơn.

"Trung bình để mở một cửa hàng FPT Shop, chúng tôi cần tìm những mặt bằng lớn với giá thuê đắt đỏ. Nhưng với một cửa hàng thuốc, diện tích chỉ cần 50 - 100m2, và cũng không cần đặt ở những ngã tư, ngã ba quá sầm uất, tiết kiệm được rất nhiều chi phí", bà Điệp dẫn chứng.

Nói về chiến lược mở chuỗi nhà thuốc Long Châu, bà Điệp cho hay, sau khi đã có những am hiểu nhất định về ngành dược phẩm, FPT Retail sẽ đẩy mạnh 2 yếu tố: kỹ năng quản trị và đa dạng ngành hàng.

Bà Điệp phân tích, sở dĩ ở Việt Nam chưa xuất hiện các chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn, do đây là ngành rất phức tạp. Muốn tham gia vào thị trường này, doanh nghiệp cần có kĩ năng quản trị tốt, cũng như ứng dụng được những công nghệ vào việc mở điểm, vận hành chuỗi.

Ngoài ra, yếu tố đa dạng ngành hàng cũng rất quan trọng. Bà Điệp cho biết, số lượng chủng loại thuốc ở Long Châu có thể nhiều hơn gấp 6 lần các nhà thuốc bình thường. Như vậy, sẽ thu hút người tiêu dùng hơn. Đó là chưa kể, doanh thu của Long Châu không chỉ đến từ dược phẩm, mà còn là các loại thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế... Mảng này thậm chí còn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn cả thuốc.

Báo cáo của BMI Research về ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam cho thấy, thị trường dược phẩm năm 2017 đạt 5,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 14% so với năm trước. BMI cũng dự báo khả quan về mức tăng trưởng của ngành này trong vòng hai năm tới là trên 10%.

Còn theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bán lẻ dược phẩm có nhiều điểm khác biệt so với điện thoại, phải làm việc với số lượng lớn các nhà cung cấp, cùng với thực tế là người dân vẫn chưa quen với mô hình chuỗi và có mức độ trung thành cao đối với các hiệu thuốc quen thuộc.

>> HĐQT FPT: 'Chuyển đổi số tạo bước đột phá'

VietQ

Ý kiến

()