Chúng ta

FPT lọt Top 10 doanh nghiệp làm tốt báo cáo phát triển bền vững

Thứ năm, 2/7/2015 | 14:37 GMT+7

Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững trong khuôn khổ cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm 2015 đã được trao cho 5 doanh nghiệp: PVD đạt giải thưởng báo cáo tốt nhất; giải Nhì thuộc về Sữa Việt Nam (VNM); ba giải khuyến khích thuộc về Tập đoàn Bảo Việt (BVH) ở hạng mục Tính đầy đủ, Dược phẩm Imexpharm hạng mục Độ tin cậy và FPT hạng mục Trình bày.

Sau 3 năm duy trì giải thưởng báo cáo phát triển bền vững, tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn đến vấn đề phát triển bền vững và đầu tư hơn cho quá trình lập báo cáo phát triển bền vững. Trong số 121 báo cáo thường niên vào vòng chung khảo, có 96 báo cáo có nội dung phát triển bền vững và 87 báo cáo lọt vào chấm chung khảo.

1-QNET-3485-1435737508.jpg

Báo cáo của FPT có tính sáng tạo và phù hợp với tính chất “kỹ thuật cao” của doanh nghiệp.

Mặc dù con số trên còn khiêm tốn so với tổng số lượng doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn nhưng lại là con số vượt trội so với những năm trước. Đặc biệt, bên cạnh những doanh nghiệp hàng đầu, có kinh nghiệm, kỹ năng lập báo cáo vẫn duy trì tốt phong độ, thì giải thưởng báo cáo phát triển bền vững đã lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp khác, bằng chứng là có nhiều doanh nghiệp chủ động hơn với việc lập báo cáo phát triển bền vững, xuất hiện nhiều “nhân tố mới” đạt được số điểm cao trong bảng xếp hạng, thậm chí, có doanh nghiệp đã ghi tên mình vào Top 10 báo cáo có số điểm cao nhất.

Theo Hội đồng bình chọn, gồm ông Tô Vĩ Hùng, Trưởng phòng tài chính và giám sát Rosneft - Hội viên ACCA; bà Nguyễn Lâm Hoàng Ái, Giám đốc cấp cao Công ty JIA HSIN và ông Tôn Thất Hạc Minh, Chuyên viên phát triển bền vững IKEA Đông Nam Á - Hội viên ACCA, điểm nổi bật năm nay là sự gia tăng đáng kể số lượng công ty tham khảo và áp dụng các hướng dẫn của IFC, đặc biệt là chuẩn G4 của GRI. Các báo cáo này thường đầy đủ hơn, cấu trúc chặt chẽ hơn và độ tin cậy cũng cao hơn, nên được đánh giá cao trong thang điểm xếp hạng.

Trong Top 5 báo cáo có số điểm cao nhất thì có tới 2 gương mặt mới và nổi bật nhất là báo cáo của PVD và FPT. Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, PVD có một quy trình thực hiện báo cáo rất hiệu quả và chuyên nghiệp.

Việc một số dữ liệu quan trọng có sự kiểm chứng, đảm bảo của bên thứ ba đã làm độ tin cậy của báo cáo được nâng cao rõ rệt và cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của PVD lần này.

Cùng với cách trình bày khá chân phương, phù hợp với đặc thù hoạt động, báo cáo sử dụng một cách hợp lý các công cụ, tài nguyên truyền thông đã giúp PVD thành công trong việc truyền tải tới cổ đông, khách hàng và các bên liên quan “một bức tranh tổng quan, rõ ràng và minh bạch về chiến lược hoạt động của PVD” như thông điệp về phát triển bền vững của Tổng giám đốc PVD.

1-tnlu-3612-1435737508.jpg

Một trong những điểm nổi bật trong BCTN của BVH là sử dụng giấy tái chế.

Như mọi năm, báo cáo của VNM luôn là “đối thủ nặng ký” đối với bất kỳ báo cáo phát triển bền vững nào lọt vào vòng chung khảo. Với nguồn lực dồi dào, giàu kinh nghiệm, trình độ quản lý cao, VNM vẫn duy trì được thế mạnh của mình trong việc thể hiện chiến lược phát triển bền vững một cách cụ thể trên 3 khía cạnh chính: Môi trường - Năng lượng - Kinh tế và xã hội trong bối cảnh chung về xã hội và môi trường - nơi VNM có 13 nhà máy và 5 trang trại đang hoạt động.

VNM được Hội đồng đánh giá cao ở việc đưa vào báo cáo các chỉ số hoạt động cụ thể về kinh tế, xã hội liên tiếp trong 3 năm hoạt động cùng với việc tô đậm bức tranh về hoạt động sử dụng “Năng lượng hiệu quả” một cách bài bản, đã làm báo cáo có độ tin cậy rất cao.

Đối với Tập đoàn Bảo Việt (BVH), báo cáo tuân thủ đầy đủ chuẩn mực GRI G4, trình bày rõ cách thức tham vấn các bên liên quan và các mối quan tâm của từng nhóm, lấy đó làm cơ sở xác định các vấn đề trọng yếu.

Về mặt hình thức, báo cáo có điểm nổi bật là sử dụng giấy tái chế và đưa báo cáo thành ứng dụng trên hệ điều hành iOS và Android, nhằm tạo thêm nhiều kênh tiếp cận cho các bên liên quan. Tuy nhiên, Hội đồng chấm điểm cho rằng, báo cáo của BVH chưa thể hiện mối liên kết giữa các đề tài mà các bên liên quan quan tâm hay các vấn đề trọng yếu với nội dung của báo cáo, cụ thể là các chỉ số.

Các chỉ số cũng chưa được phân tích cụ thể, nhằm phản ánh đầy đủ thành tích và việc thực hiện các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn.

Đạt giải ở hạng mục Độ Tin cậy, báo cáo của IMP được Hội đồng bình chọn ví như một “bông hoa lạ” trong cuộc thi năm nay không chỉ vì hình thức “gọn nhẹ” của báo cáo, mà còn do tính tin cậy cao và sự toàn diện, thiết thực trong cách thể hiện chiến lược và mục tiêu phát triển bền vững của mình.

IMP có một quy trình thực hiện báo cáo hiệu quả cùng với việc thực hiện tham vấn các bên liên quan một cách chặt chẽ, dựa trên nhiều dữ liệu thực tế đã làm báo cáo có độ tin cậy khá cao. Theo Hội đồng, nếu IMP làm tốt hơn việc cân đối trong sử dụng các bảng, biểu và các chỉ tiêu thực nghiệm khác, cũng như chăm chút hơn về hình thức, bản báo cáo còn có khả năng đạt thứ hạng cao hơn nữa.

Cũng là gương mặt mới trong Top 5 và đạt giải ở hạng mục Trình bày, báo cáo của FPT được trình bày ngắn gọn, súc tích, số liệu được phản ánh nổi bật, sử dụng bảng biểu để diễn đạt thông tin rõ ràng, trình bày thu hút, không nhàm chán, có tính sáng tạo và phù hợp với tính chất “kỹ thuật cao” của doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nêu được các chính sách phát triển bền vững mà Công ty đang thực hiện, các phương pháp quản lý PTBV mà Công ty đang áp dụng và cách thức quản lý các rủi ro về môi trường. Tuy nhiên, để nâng cao tính tin cậy, Hội đồng cho rằng, báo cáo FPT cần xác định được các phương pháp đo lường thành tích, dẫn chiếu đến các thông tin bên ngoài nhằm cung cấp thêm thông tin bổ trợ cho báo cáo.

Nằm trong Top 10 báo cáo có điểm cao nhất, báo cáo của HSC (thực hiện theo chuẩn mực GRI G4) có điểm nổi bật nhất là làm tốt công tác xác định các bên liên quan, mối quan tâm của họ, các vấn đề trọng yếu để làm cơ sở xác định nội dung của báo cáo. Đây là điều mà các báo cáo khác chưa làm tốt.

Báo cáo cũng phân tích cụ thể các tác động qua lại giữa phát triển bền vững và hoạt động của doanh nghiệp, các rủi ro và cách thức kiểm soát. Phần trình bày ngắn gọn, súc tích.

Báo cáo cũng có một số điểm cần cải thiện, chẳng hạn chưa nêu các mục tiêu chỉ tiêu ngắn hạn, chưa nêu được các phương pháp đo lường thành tích và phương pháp quản lý mà công ty áp dụng…

Đối với SSI, SSI vẫn giữ được phong độ của một tổ chức tài chính hàng đầu, uy tín tại thị trường Việt Nam trong việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững

Theo đánh giá của Hội đồng, SSI khá thành công trong việc mô tả một cách thiết thực chiến lược phát triển của mình, bao gồm thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Việc chọn chiến lược tham vấn và lựa chọn các bên liên quan một cách hợp lý làm báo cáo có độ tin cậy khá cao. Nếu báo cáo có cấu trúc rõ ràng hơn, giúp dòng chảy của các thông tin về hoạt động bền vững được kết nối một cách tự nhiên, mạch lạc hơn, báo cáo sẽ đạt thứ hạng cao hơn nữa.

Đáng chú ý, năm đầu tiên lập báo cáo phát triển bền vững tách biệt báo cáo thường niên, báo cáo của Vicostone (VCS) là báo cáo duy nhất trên HNX lọt vào Top 10 báo cáo phát triển bền vững có điểm cao nhất, cũng là báo cáo duy nhất trên HNX có báo cáo phát triển bền vững tách biệt.

Báo cáo đạt điểm đầy đủ cao bao gồm những chi tiết cụ thể như phạm vi báo cáo, đối tượng sử dụng, kỳ báo cáo… do được lập trên cơ sở tài liệu Hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững do UBCK kết hợp với IFC phát hành.

Báo cáo cũng đã phần nào nêu lên được sự gắn kết của phát triển bền vững trong chiến lược chung của doanh nghiệp, cam kết của ban quản lý với phát triển bền vững. Mặc dù vẫn còn những điểm hạn chế, nhưng với thứ hạng năm nay của VCS cho thấy sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp trong việc lập báo cáo phát triển bền vững.

Tiếp tục thông điệp xuyên suốt “Con đường sức khỏe xanh” của năm trước, báo cáo của Traphaco được trình bày đẹp, bắt mắt. Hội đồng bình chọn đánh giá, mặc dù đây là năm đầu tiên DN có báo cáo phát triển bền vững, nhưng đã áp dụng hướng dẫn của IFC và có mức độ đầy đủ tương đối cao, bao gồm những chi tiết cơ bản như phạm vi báo cáo, người liên hệ, kỳ báo cáo… Báo cáo cũng nêu lên các chỉ tiêu khác nhau về tác động xã hội và môi trường, đặc biệt là chất lượng sản phẩm…

Tựu trung lại, chất lượng các báo cáo được đánh giá cao trong năm trước, nội dung được báo cáo đầy đủ hơn, hình thức trình bày đẹp mắt hơn, thể hiện sự đầu tư về thời gian và công sức.

Với sự tiến bộ không ngừng trong chất lượng báo cáo phát triển bền vữngcủa các công ty Việt Nam trong các năm qua, Hội đồng bình chọn cho rằng, các báo cáo trong nhóm dẫn đầu không thua kém so với các báo cáo phát triển bền vững trong khu vực.

>> FPT giành hai giải báo cáo thường niên 2015

Đầu tư

Ý kiến

()