Chúng ta

FPT chung sức hiện đại hóa các nước đang phát triển bằng công nghệ

Thứ tư, 20/9/2017 | 14:56 GMT+7

Hàng năm, Muhammad Shafiqur Rahman - Giám đốc nghiên cứu Mạng lưới chăm sóc sức khỏe Quốc gia của Bangladesh, cũng như bao người dân khác của nước này vẫn phải mất cả ngày, thậm chí nhiều ngày đến Hội chợ thuế tại thủ đô Dhaka chỉ để nộp thuế. Tuy nhiên, từ mùa hội chợ thuế mới này, anh và nhiều người dân Bangladesh sẽ chỉ cần vài phút để đăng ký kê khai qua mạng và nộp lại chứng từ thông qua máy tính có kết nối Internet.

FPT-Bangladesh.jpg

Hệ thống IVAS do FPT triển khai giúp Chính phủ Bangladesh quản lý thuế của hơn 500.000 đối tượng nộp thuế VAT (bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức và các hộ kinh doanh có doanh số trên 3 triệu Taka/năm - tương đương 38.000 USD) và phục vụ hoạt động nghiệp vụ của 320 cơ quan thuế địa phương của Bangladesh.

Bước đột phá này với ngành thuế Bangladesh là một trong những minh chứng điển hình cho những lợi ích, hiệu quả kinh tế xã hội mà một công ty công nghệ của Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai, lan tỏa, mang những giải pháp công nghệ mới của mình để giải quyết các bài toán ở các quốc gia đang phát triển khác như Campuchia, Myanmar và sẽ còn nhiều quốc gia khác nữa. Từ kinh nghiệm xây dựng và triển khai các hệ thống CNTT xương sống cho nền kinh tế Việt Nam, đơn vị này đã xuất khẩu thành công các giải pháp công nghệ góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa nhiều quốc gia đang phát triển.

Giải quyết “bài toán” nộp thuế tại Bangladesh

Tại Bangladesh, theo quy trình, mỗi người dân sẽ phải đến các cơ quan thuế để nhờ cán bộ tính toán số tiền thuế cần nộp. Sau đó, họ phải mang chứng từ ra ngân hàng nộp tiền và cuối cùng là quay về cơ quan thuế để nộp tờ khai và các chứng từ liên quan. Trung bình mỗi người dân mất ít nhất khoảng 2 ngày cho các thủ tục kê khai và nộp thuế.

Để đăng ký kê khai thuế thu nhập, mỗi năm trung bình một người Bangladesh cần khai khoảng 20 tờ giấy. Hiện Bangladesh có khoảng 3 triệu người thuộc diện phải nộp loại thuế này. Như vậy hằng năm, Bangladesh tốn đến 60 triệu tờ, tương đương vài tấn giấy chỉ để khai thuế. Ngoài thuế thu nhập tích hợp, người dân Bangladesh còn phải nộp nhiều loại thuế khác nhau như VAT… với tổng số tờ khai lên tới hàng trăm triệu bản.

Từ những ám ảnh về sự vất vả mất thời gian nộp thuế mỗi mùa hội, Muhammad Shafiqur Rahman đã tưởng tượng đến việc chỉ với một chiếc máy tính có kết nối internet mình có thể tự tính toán và nộp thuế ngay tại nhà. “Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức mà không còn mất phí dịch vụ tư vấn nữa. Chỉ cần nhập thông tin, hệ thống sẽ tự động tính toán cho người sử dụng”, Muhammad Shafiqur Rahman chia sẻ ước mơ của mình.

Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT: “Với tốc độ tăng trưởng kinh tế dao động từ 5-7%, các doanh nghiệp địa phương khá nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu là những công ty Ấn Độ, trong khi đó bài toán CNTT cần giải quyết tại Nam Á rất nhiều nên nếu doanh nghiệp nào có đủ năng lực, kinh nghiệm, có giải pháp, dịch vụ phù hợp, có khát vọng sẽ có nhiều cơ hội tại các thị trường này”.

Giấc mơ đó của Rahman và hàng triệu người nộp thuế đang được thực hiện bởi một nhóm kỹ sư công nghệ của tập đoàn FPT làm việc và sinh sống trong một khu chung cư nhỏ ở thủ đô Dhaka. Anh Hy Thanh Tùng - Trưởng nhóm kỹ sư của FPT tại Bangladesh - cho biết, công việc chủ yếu của nhóm là xây dựng và hỗ trợ vận hành hệ thống CNTT cho ngành thuế và một số công ty trong lĩnh vực năng lượng của Bangladesh.

Những vấn đề của ngành thuế Bangladesh cũng giống như tình trạng của Việt Nam trước đây khi một doanh nghiệp mất đến khoảng 1.050 giờ/năm kê khai và làm các thủ tục về thuế, thuộc nhóm lạc hậu nhất trong khu vực. Tuy nhiên, điều này đã được cải thiện nhờ công nghệ. Đến hết ngày 17/3, 99,83% doanh nghiệp đang hoạt động đã kê khai thuế qua mạng và thời gian thực hiện các thủ tục về thuế chỉ còn 117 giờ/năm.

Ông Abdullah H. Kafi, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Điện toán châu Á- châu Đại Dương (ASOCIO), từng nhắc tới Việt Nam như là một ví dụ điển hình về việc ứng dụng thành công CNTT, góp phần quan trọng đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế xã hội đất nước và cho rằng Bangladesh cần phải học hỏi nhiều từ thành công này.

“Với hơn 20 năm triển khai nhiều hệ thống CNTT quan trọng cho ngành thuế Việt Nam, FPT đã được Chính phủ Bangladesh và Ngân hàng phát triển ADB tin tưởng lựa chọn triển khai Hệ thống thuế thu nhập tích hợp và Hệ thống quản lý thuế VAT (do World Bank tài trợ)”, Phó TGĐ FPT Đỗ Cao Bảo xác nhận. Chỉ trong vòng 3 năm khai phá thị trường Bangladesh, đến nay FPT đã có 4 hợp đồng CNTT với tổng giá trị lên tới 60 triệu USD, bằng 1/10 tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Bangladesh.

fpt-IVAS-7833-1490847323-9245-1505881003

Cuối tháng 3, FPT đã chính thức vận hành hệ thống ứng dụng quản lý thuế cho Cơ quan thuế Bangladesh. Đây là dự án có giá trị lớn nhất của FPT ở nước ngoài, trị giá 33,6 triệu USD. 

Sử dụng nguồn vốn của World Bank, Hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT (IVAS) cho Cơ quan thuế Bangladesh là một dự án công nghệ phức tạp, đòi hỏi đơn vị triển khai phải có trình độ công nghệ cao cũng như kinh nghiệm lâu năm trong việc triển khai hệ thống công nghệ cho ngành tài chính.

Một mùa hội chợ thuế mới của Bangladesh chuẩn bị bắt đầu. Hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp đã được FPT triển khai xong trong năm 2016 và đã bước đầu được người dân và cơ quan thuế sử dụng. Tính đến hết tháng 8/2017, đã có hơn 900.000 giao dịch được thực hiện qua mạng. Với hệ thống mới, người dân Bangladesh sẽ đăng ký kê khai qua mạng và nộp chứng từ qua internet. Tháng 3/2017, FPT cũng đã đưa vào vận hành phân hệ đăng ký thuế VAT cho Bangladesh. Thay vì phải xếp hàng hàng giờ tại cơ quan thuế để chờ xin cấp mã, người nộp thuế có thể thực hiện trong 10 phút trên máy tính.

Còn với cơ quan thuế Bangladesh, việc đưa hệ thống CNTT vào hoạt động không chỉ giúp cắt giảm giấy tờ mà còn nâng cao tính minh bạch trong quản lý và đối chiếu số liệu, các bộ - ban – ngành hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu đối với ngành thuế để tổng hợp và kết xuất gấp trong ngày những báo cáo mà trước đây họ cần hàng tuần để tổng hợp số liệu. Đến nay đã có khoảng 53.000 tài khoản đăng ký online qua hệ thống VAT.

Tạo ra đột phá tại Campuchia, Myanmar

Không chỉ giải quyết bài toán tồn tại của ngành thuế Bangladesh, các kỹ sư của Việt Nam vẫn đang miệt mài lan tỏa các giải pháp công nghệ mới của mình để thay đổi, hiện đại hóa hệ thống kho bạc ở Campuchia hay ngân hàng ở Myanmar.

Nhớ về những ngày đầu xây dựng Hệ thống quản lý thông tin kho bạc và tài chính quốc gia Campuchia (FMIS) vào năm 2014 - dự án đầu tiên mà FPT làm tổng thầu tại nước ngoài, Lê Na, một cán bộ triển khai dự án, nhớ lại: “Chúng tôi đã thấy một kho bạc tỉnh quản lý 9 quận, 65 xã nhưng chỉ có 3 chiếc máy tính và 1 máy in. Những chiếc máy tính cũ kỹ, nhiều đống hồ sơ cao như núi, đường truyền internet không ổn định, công văn khẩn được gửi bằng đường taxi từ tỉnh đến trung ương…”. 

Bangladesh: Hệ thống thuế thu nhập tích hợp phục vụ hơn 3 triệu người nộp thuế và 700 cơ quan thuế. Hệ thống thuế VAT phục vụ hơn 500.000 đối tượng nộp thuế và 320 cơ quan thuế

Myanmar: Hệ thống chuyển mạch tài chính khi đi vào hoạt động sẽ giúp 55 triệu dân Myanmar có thể rút tiền tiền ở bất kỳ điểm ATM nào.

Dự án khởi đầu vô vàn áp lực khó khăn, nhưng với kinh nghiệm triển khai thành công Hệ thống quản lý Kho bạc Nhà nước tại Việt Nam và sự quyết tâm góp phần hiện đại hóa ngành tài chính Campuchia bằng công nghệ, các kỹ sư của FPT đã đưa dự án vào vận hành đúng hạn.

Trong lễ vận hành hệ thống, ông Aun Pornmoniroth, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia phấn khởi thừa nhận: “Hệ thống mang lại những thay đổi lớn trong công cuộc hiện đại hóa cho Bộ Tài chính và Kinh tế Campuchia, Kho bạc Nhà nước, các đơn vị Kho bạc cấp tỉnh cũng như các đơn vị khác thuộc Chính phủ Campuchia”.

Nhờ công nghệ mà công tác quản lý thông tin của kho bạc Campuchia đã được chuẩn hóa, việc quản lý tác nghiệp và thống kê báo cáo đã có thể được thực hiện tức thì thay vì phải mất từ 1-2 tuần để thu thập dữ liệu…

Cũng bằng công nghệ mới mà hệ thống ngân hàng ở Myanmar sẽ có bước thay đổi đột phá trong thời gian tới khi được liên thông với nhau, các máy POS được đặt nhiều hơn và người dân có thể rút tiền ở bất kỳ điểm ATM nào. Các du khách sẽ không phải ngỡ ngàng khi ngay giữa một trung tâm thương mại lớn tại Yangon mà không thể dùng thẻ Visa. Cũng sẽ không còn cảnh người dân vác những bao tải tiền mặt lớn, thậm chí là cả xe tiền đến giao dịch tại ngân hàng hay đi mua xe, mua nhà nữa. Người dân Myanmar cũng sẽ không phải đợi đến ngày hôm sau nếu như không may hết giờ giao dịch trước khi đến lượt, trong khi các ngân hàng ở đây chỉ mở cửa giao dịch từ 9h sáng đến 2h chiều… Tất cả những tồn tại này sẽ được khắc phục khi sắp tới hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia Myanmar do 2 công ty Việt Nam là FPT phối hợp với NAPAS triển khai đi vào hoạt động.

Vượt lên rào cản về khác biệt văn hóa, về khoảng cách địa lý xa xôi… những kỹ sư công nghệ Việt Nam vẫn đang đặt niềm tin vào sự thành công của các dự án chiến lược hiện đại hóa của các quốc gia đang phát triển. Với niềm tin và khát vọng đó, sẽ có nhiều hơn nữa những quốc gia như Bangladesh, Myanmar, Campuchia… thay đổi nhờ công nghệ, được triển khai bởi chính những công ty công nghệ Việt.

>> Khối Công nghệ là quán quân lợi nhuận nhà F

VnEconomy

Ý kiến

()