Chúng ta

Đi chợ thời công nghệ số

Chủ nhật, 4/12/2016 | 14:27 GMT+7

Trong đêm chung kết cuộc thi lập trình ứng dụng di động Mobile Hackathon khu vực miền Trung vào đầu tháng 11 vừa qua, gần 500 khán giả đã ồ lên thích thú khi có hai nhóm “mì chính cánh” cùng trình làng những sản phẩm công nghệ giúp giảm nhẹ gánh nặng chợ búa cho các bà nội trợ.

14925277-1336444749707287-3321-4444-1308

Dự án Go market của sinh viên FPT Polytechnic Đà Nẵng đã mang đến nhiều bất ngờ cho những người yêu công nghệ khu vực miền Trung. So với 18 sản phẩm còn lại, ứng dụng mang đến nhiều triển vọng thực tế cũng như góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống con người trong nhịp sống hiện đại. Chung cuộc, nhóm sinh viên FPT nhận được bình chọn của gần 500 người có mặt trong hội trường để giành chiến thắng ở hạng mục "Cộng đồng yêu thích nhất".

Từ thương vợ đến lập trình ứng dụng

Anh Vũ Ngọc Bằng (SN 1987) là lập trình viên của Công ty Toàn Cầu Xanh (Đà Nẵng). Nhớ lại những ngày tháng vợ chồng mong chờ đứa con đầu lòng, anh bảo: “Lúc đó cô ấy hay thèm ăn nhiều thứ lắm, mà mình thì suốt ngày ngồi trên công ty, không phải lúc nào cũng chạy đi mua ngay được. Cô thương mình bận nên cũng ít “mè nheo”, nhưng mình biết là “cổ” cũng phải hy sinh dữ lắm”. Từ trong nỗi thương vợ bầu bì, ý tưởng về một dịch vụ công nghệ giúp… mua đồ ăn bắt đầu nhen nhóm trong đầu người lập trình viên này.

Tuy vậy, do công việc bộn bề, nên mãi đến khi tham gia vào cuộc thi Mobile Hackathon, anh Bằng cùng các “chiến hữu” mới khai thác ý tưởng này và biến thành một ứng dụng trên điện thoại di động. aiShip ra đời dưới bàn tay của anh Bằng, Nguyễn Đăng Hòa (SN 1992) và Dương Anh Hào (SN 1991), sau hơn 24 giờ sáng tạo và xuất sắc giành giải thưởng “Sản phẩm có triển vọng nhất”.

Cầm chiếc điện thoại trong tay, anh Bằng mở ngay ứng dụng aiShip để “trình diễn” phiên bản chạy thử cho chúng tôi. Vừa làm, anh vừa nói: “Đây nhé, giả sử nhà mình đang tổ chức tiệc thì thiếu nước đá, mình chỉ cần đăng lên ứng dụng số lượng nước đá muốn mua, địa chỉ cần giao hàng. Thông tin này sẽ lập tức hiện lên điện thoại của những ai đăng ký làm người giao hàng cho aiShip. Những người này sẽ liên lạc với “gia chủ” thông qua hệ thống tin nhắn của ứng dụng, thỏa thuận giá cả và thời điểm giao hàng”.

Anh Bằng cho biết, ý tưởng này thật ra không mới. “Nếu nhìn vào các công ty Uber, Grab thì bạn cũng sẽ thấy một mô hình tương tự”. Tuy nhiên, điểm khác là nếu như Uber hay Grab sử dụng phương tiện giao thông là mặt hàng chính, thì aiShip lại nhắm đến mặt hàng thời gian. Sử dụng aiShip, những người bận rộn không có thời gian đi mua sắm có thể kết nối với những người có thời gian và muốn kiếm thêm thu nhập.

Cùng chung ý tưởng

“Tư tưởng lớn gặp nhau”, bốn sinh viên FPT Polytechnic Đà Nẵng là Nguyễn Thành Tâm (SN 1996), Đặng Hoàng Hải Đăng (SN 1992), Hoàng Phi Hùng và Nguyễn Văn Hiếu (cùng SN 1996) cũng mang đến hội thi Mobile Hackathon ứng dụng “Đi chợ thuê” với mục đích tương tự.

Tâm cho biết, vì cả nhóm đều là sinh viên nên rất hiểu bạn bè của mình… dư dả thời gian và… thiếu thốn tiền bạc như thế nào. Trong khi đó, chỉ cần đi ra ngoài đường vào giờ tan tầm, sẽ bắt gặp không ít các chị, các mẹ vừa phải chạy đua với thời gian để đón con về, vừa phải ghé chợ để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Ý tưởng về một ứng dụng di động giúp hai bên “chia sẻ nỗi khổ, nhân đôi niềm vui” đến với nhóm một cách tự nhiên.

Khác với các lập trình viên “dạn dày” của aiShip, “Đi chợ thuê” gồm những sinh viên chưa từng đi làm cho bất kỳ một công ty công nghệ nào. Tâm cho biết, nhóm chỉ có kinh nghiệm là kiến thức học ở trường và các dự án lập trình trong chương trình học. Chính vì vậy, thử thách lớn nhất khi tham gia Mobile Hackathon là phải “trụ” được hơn 24 tiếng làm việc liên tục để “nhào nặn” lý thuyết thành một sản phẩm tốt nhất có thể. Đăng chia sẻ, đêm sau, khi trình bày ý tưởng, cả nhóm thức trắng soạn nội dung ứng dụng ra giấy để sáng hôm sau bắt tay vào lập trình. “Đến chiều thì gặp trục trặc ở phần đăng nhập dành cho khách hàng, sốt ruột cực kỳ”, Đăng bảo.

Tuy vậy, “Đi chợ thuê” vẫn giành được giải thưởng “Sản phẩm được cộng đồng yêu thích nhất”. Đăng cho biết, trải nghiệm đứng trước ban giám khảo và khán giả để thuyết trình về “đứa con” của mình rất đáng quý, bởi từ đó nhóm có thể tiếp nhận những ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

Anh Bằng chia sẻ, đối với những ứng dụng điện thoại cung cấp dịch vụ này, quan trọng nhất là phải tìm ra cách tạo niềm tin giữa khách hàng và người giao hàng, đồng thời cung cấp một phương thức thanh toán hợp lý. Anh kỳ vọng ứng dụng của mình sẽ được hoàn thiện trong vài tháng tới để có thể ra mắt thị trường Đà Nẵng - “vốn rất có nhu cầu mà chưa được đáp ứng đủ”.

Mobile Hackathon là cuộc thi lập trình trong khuôn khổ sự kiện GDG DevFest MienTrung 2016 do Google Developer Group miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 4, 5, 6 tháng 11-2016. Chủ đề năm nay là “Phát triển ứng dụng trên di động”, có sử dụng công nghệ của Google. Các nhóm dự thi (2-4 thành viên/nhóm) tìm cách đưa ra các sản phẩm công nghệ sáng tạo, thiết thực nhất trong thời gian quy định.

Báo Đà Nẵng

Ý kiến

()