Chúng ta

Đam mê cùng 'Cuộc đua số'

Thứ hai, 14/5/2018 | 14:12 GMT+7

Nhóm 4 bạn sinh viên (SV) khoa Việt - Pháp, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đang dốc sức để hoàn thiện hơn nữa dự án Xe tự hành, chuẩn bị cho vòng chung kết “Cuộc đua số” dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5 này.

Nhóm SV cùng có chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực điện tử số, gồm: Phan Duy Hùng, Trần Gia Khang (cùng SV ngành Công nghệ phần mềm), Trần Quang Huy (SV ngành Tin học Công nghiệp) và Trần Thị Thanh Hòa (SV ngành Sản xuất tự động), Khoa Việt - Pháp, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Phan Duy Hùng, trưởng nhóm, cho biết, các bạn trong nhóm đều rất thích nghiên cứu khoa học nên khi Tập đoàn FPT tổ chức buổi giới thiệu về cuộc thi “Cuộc đua số” tại trường thì cả nhóm rủ nhau đến dự rồi quyết định tham gia ngay sau khi kết thúc buổi giới thiệu.

Các bạn lên kế hoạch, đưa ra các giải pháp để bàn thảo và phân công nhiệm vụ, tiến hành cài đặt. Đều học các ngành liên quan đến điện tử số nên cả 4 bạn đều rất hào hứng với nhiệm vụ của mình. Duy Hùng nhớ lại: “Nhóm phân công nhiệm vụ rất cụ thể".

BDN-8857-1526206459.jpg

Cả nhóm cùng nỗ lực cho vòng chung kết “Cuộc đua số”.

Tuy nhiên ban đầu nhóm cũng gặp không ít khó khăn, từ tiếp cận ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong máy tính, thực hiện công thức trong phần mềm máy tính, cũng như so sánh, khắc phục các hạn chế của các phương pháp…

Để làm được điều này, phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng. Có nhiều công đoạn phải làm đi làm lại nhiều lần mới thích ứng”. Mất khoảng hơn 2 tháng miệt mài làm việc, mỗi bạn đảm đương một công đoạn khác nhau trong đề tài để nghiên cứu chuyên sâu, sau đó cùng họp bàn và quyết định phương án tối ưu nhất để hoàn thiện được chiếc xe tự hành theo đúng lập trình. “Khó khăn lớn nhất của nhóm là giúp xe nhận biết được làn đường và vật cản, định hướng cho xe đi, tốc độ, cua bánh lái...

Làm sao để người lái xe không cần can thiệp vào mà xe sẽ tự xử lý bằng phần mềm. Để hoàn chỉnh được phần này, nhóm phải giành nhiều thời gian bàn bạc, nghiên cứu. Ngay cả camera gắn trên thân xe cũng phải bảo đảm kích thước chuẩn, không bị cao quá, hay thấp quá khiến cho xe nhận diện mặt đường sai dẫn đến đường chạy bị lệch”, Gia Khang cho biết thêm.

Cấu trúc hoàn thiện của mô hình xe tự hành được nhóm thiết kế hoạt động theo 3 nhiệm vụ. Đó là dò đường theo camera để định hướng bánh lái và chạy theo làn; phát hiện biển báo và chạy theo chỉ dẫn của biển báo nhờ công thức phần mềm đã lập trình sẵn (Machine Learning); đồng thời phát hiện vật cản trên đường và né tránh vật cản nhờ camera.

Hùng kể, để hoàn thiện được sản phẩm đến với cuộc thi, ngoài những vật liệu như thân xe được Ban tổ chức cuộc thi cấp, thiết bị được nhà trường hỗ trợ trong nghiên cứu khoa học, các bạn phải dành dụm tiền sinh hoạt của riêng mình để mua thêm một số trang thiết bị phụ trợ như USB Wifi để kết nối máy tính với xe, sơn làn đường cho xe nhận biết đường chạy.

Về phần mềm thì nhóm phải tự tay viết lập trình và thử nghiệm. Với những vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhóm thường xuyên trao đổi với giảng viên chuyên ngành để lắng nghe những góp ý bổ ích cho đề tài của mình.

Vinh dự có mặt tại vòng chung kết, Hùng cho biết, qua tìm hiểu, nhóm nhận thấy ở cuộc thi các năm trước thì các đội chỉ phải thực hiện các bài toán xử lý ảnh đơn giản như xác định làn và tâm đường dựa trên vạch trắng cho trước. Còn năm nay đề bài của cuộc thi yêu cầu cao hơn.

Vòng chung kết, các thí sinh sẽ phải lập trình để xe có thể chạy được với điều kiện mô phỏng ánh sáng ngoài trời, nhận diện biển báo giao thông, rẽ trái, rẽ phải... Đây là những thao tác lập trình khá khó, đòi hỏi độ chính xác cao. Hiện nhóm đang tiếp tục điều chỉnh phần mềm nhằm tăng tốc độ của xe lên mức cao hơn, chính xác hơn để hoàn thiện sản phẩm và có thể cạnh tranh với các nhóm khác.

Một ưu điểm khác trong quá trình tham gia sân chơi “Cuộc đua số”, theo nhóm trưởng Phan Duy Hùng, là có nhiều cơ hội được gặp gỡ các anh chị, các bạn sinh viên và cùng làm việc với họ.

“Em nghĩ, với những hoạt động mang tính nghiên cứu như thế này là cơ hội tốt để em và các bạn được sáng tạo, trải nghiệm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tự hành. Đồng thời chuẩn bị được các nền tảng cần thiết, trở thành lực lượng xung kích trong cuộc cách mạng 4.0 trong nước. Riêng với sản phẩm xe tự hành thì ngoài việc tham gia cuộc thi, nhóm còn mong muốn hướng đến một môi trường làm việc bằng công nghệ xe tự lái hiện đại trong tương lai”, Hùng bộc bạch.

“Cuộc đua số” là cuộc thi công nghệ thường niên được Tập đoàn FPT tổ chức, bắt đầu từ năm 2016. Đây là sân chơi để sinh viên ngành Công nghệ thông tin có điều kiện thể hiện vốn kiến thức công nghệ, khả năng lập trình và xử lý hình ảnh được trau dồi trên giảng đường đại học và kỹ năng công nghệ thực tiễn.

Theo đó, Cuộc đua số 2017-2018 được bổ sung nhiều điểm thay đổi nổi bật nhằm khuyến khích sinh viên công nghệ tham dự như mở rộng quy mô tổ chức ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam; đẩy mạnh đào tạo cho sinh viên qua các hoạt động giao lưu kết nối với doanh nghiệp, đào tạo qua tài liệu, hướng dẫn trực tuyến, các khóa học bổng học tập.

Báo Đà Nẵng

Ý kiến

()