Chúng ta

Đà Nẵng 'khát' nhân lực CNTT

Thứ bảy, 18/2/2017 | 16:25 GMT+7

Đà Nẵng đang cần hàng chục ngàn nhân lực CNTT trong khi hệ thống các trường đào tạo cung cấp hằng năm rất hạn chế. Thực tế này đã dẫn tới cuộc cạnh tranh thu hút nhân lực CNTT không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN). Làm sao để có nguồn nhân lực CNTT đông đảo, nhanh chóng bắt nhịp dòng chảy cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 đang đặt ra nhiều thách thức với cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng.

Tại khu công viên phần mềm Đà Nẵng trên đường Quang Trung, quận Hải Châu hiện có 76 DN đang hoạt động (33 DN FDI), thu hút 24.000 lao động. Trong khi chỉ riêng FPT Softwere ở Hòa Hải - quận Ngũ Hành Sơn hiện có 2.000 kỹ sư làm việc. Ông Nguyễn Tuấn Phương, GĐ FPT Software Đà Nẵng, cho biết, tới năm 2020, đơn vị cần 10.000 kỹ sư. Tuy vậy việc tuyển nhân lực rất khó khăn. Trong quý III/2016, đơn vị tuyển được 500 người thì chỉ có 100 người từ các trường đào tạo khác ngoài ĐH FPT Đà Nẵng nhưng cũng phải đào tạo lại ít nhất một năm mới đáp ứng được công việc.

34-6011-1487388807.jpg

FPT là tiên phong trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao phục vụ nhu cầu doanh nghiệp.

Theo ông Phương, FPT Sofrware đang có khoảng 350 khách hàng trong đó trên 40 khách hàng là các tập đoàn CNTT lớn nhất thế giới, cơ hội để FPT Software phát triển tạm coi là vô tận. Song, điều quan trọng nhất của xuất khẩu phần mềm không phải là thị trường, mà là bài toán nhân lực. Ông Phương đơn cử, năm 2005 chỉ có 10 kỹ sư của FPT vào Đà Nẵng đầu quân, đặt mục tiêu 10 năm sau nâng con số lên 2.000 người, lúc đó nhiều người tỏ ra nghi ngờ, nhưng thực tế bây giờ đã trả lời rất rõ.

“Bản chất của những lập trình viên là những anh nông dân bước ra từ ruộng đồng tham gia vào cuộc chơi toàn cầu và chúng tôi là người tạo ra sân chơi đó. Điều chúng tôi cần là làm sao có thật nhiều những anh nông dân biết bơi có thể nhảy ngay xuống sông hòa vào dòng chảy của cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 này. Bởi, nếu chúng ta cứ đào tạo, trang bị trình tự, cứ ngồi trên giảng đường nghiên cứu, tất nhiên nó không sai, nhưng mà chậm, lúc đó thế giới đã bỏ ta đi rất xa rồi. Chúng ta đã lỡ 3 cuộc cách mạng khoa học, không lẽ lần này lại lỡ, tôi dự cảm nó chỉ diễn ra đâu đó trong 5-7 năm thôi”, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, nói về nhu cầu nhân lực lớn mà DN mình đang cần để bắt nhịp dòng chảy cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra. Và để giải tỏa nhu cầu cấp bách ấy, FPT Software cùng ĐH FPT đã ngồi lại để nghĩ ra một mô hình đào tạo nhân lực CNTT mới, làm sao để trong 3 năm tới, FPT Software sẽ tăng số nhân lực của mình từ 10.000 kỹ sư hiện nay lên 30.000 kỹ sư.

Theo mô hình mới này, những học sinh phổ thông và cả sinh viên đã tốt nghiệp các trường khác nhưng thất nghiệp, được đào tạo trong 16-20 tháng (chi phí dưới 50 triệu đồng) là được cấp chứng chỉ Junior SE, là chuẩn đầu vào để làm việc tại Phần mềm FPT. Chương trình đào tạo này có thể được áp dụng tại các trường đại học, cao đẳng khác, đảm bảo khi vào Phần mềm FPT sẽ không phải đào tạo lại. Điểm mạnh của mô hình này là đảm bảo cung cấp cho sinh viên kiến thức cập nhật, kỹ năng thực tế phù hợp với yêu cầu thực tiễn doanh nghiệp, thu hẹp tối đa khoảng cách giữa giáo dục và nhu cầu xã hội, đảm bảo việc làm cho sinh viên ra trường và môi trường làm việc toàn cầu cho các em. Tóm lại, điểm chính của mô hình này là giảm tối đa việc ngồi nghe một chiều trên giảng đường của sinh viên mà tăng thực hành, trang bị các kỹ năng, đặc biệt là ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, cho biết, năm 2000, doanh thu từ CNTT của Đà Nẵng khoảng 200 tỷ đồng, trong đó thu từ xuất khẩu phần mềm chỉ 1 triệu USD, nhưng năm 2016 doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt 58 triệu USD, tăng gấp 58 lần. Con số đó cho thấy sự tăng trưởng nhanh, đồng nghĩa với nhu cầu nhân lực CNTT rất lớn. Đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ, cho chúng ta một niềm tin, một động lực lớn để phát triển CNTT.

Có thể thấy, trong phát triển Công nghệ cao thì CNTT có cơ hội lớn nhất. “Tôi đã từng tới Infosoft của Ấn Độ, họ cũng xuất phát điểm như ta, nhưng cái duy nhất họ hơn ta là vốn tiếng Anh, do đó bước đi của chúng ta khó hơn họ”, ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, nguồn nhân lực đã được đào tạo từ ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng được đánh giá dồi dào, sử dụng hàng chục năm nữa không hết, nếu có thể tham gia mô hình đào tạo CNTT mới này để chuyển sang lĩnh vực công nghiệp CNTT sẽ giải quyết được nhiều vấn đề tốt. Ông Thanh cũng cho biết, ở Đà Nẵng, do nguồn nhân lực CNTT đáp ứng không đủ dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, từ đó ông đánh giá sáng kiến mô hình đào tạo nhân lực CNTT mới là rất hay.

Để theo kịp cuộc cách mạng trong lĩnh vực CNTT đòi hỏi cách làm mới, phải nhảy xuống dòng nước vừa bơi vừa hoàn thiện kỹ năng nếu không muốn bị bỏ lại. Mô hình đào tạo nhân lực CNTT mới này có thể là giải pháp mở giúp giải cơn khát nhân lực, đưa ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng bắt nhịp được xu thế phát triển hiện nay.

Công an Đà Nẵng

Ý kiến

()