Chúng ta

Cuộc chơi không dành cho người ít tiền

Thứ hai, 9/1/2017 | 08:25 GMT+7

Ngành thương mại điện tử Việt Nam vừa trải qua một năm với nhiều tín hiệu lạc quan và bi quan xen lẫn. Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, hoạt động kinh doanh trực tuyến là một “cuộc chơi” mang tính lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp.

Thị trường thương mại điện tử trong nước thời gian qua khá biến động. Một số doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chuyển đổi chủ sở hữu. Đây là một trong nhiều rủi ro mà các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt vào thời hội nhập.

Mảnh đất dành cho các doanh nghiệp trường vốn

Gần đây, báo điện tử Trí Thức Trẻ (ttvn.vn) đã trích dẫn bản báo cáo tài chính của Công ty VNG, trong đó có đề cập đến việc Công ty cổ phần Tiki, chủ sở hữu sàn thương mại điện tử Tiki.vn, đã lỗ 157 tỷ đồng trong vòng tám tháng. Khoản lỗ này được ghi nhận sau khi Tiki tiếp nhận phần vốn đầu tư 18 triệu đôla Mỹ (khoảng 384 tỷ đồng) từ VNG vào tháng 2 năm nay. Chỉ tính riêng trong quý 3/2016, Tiki đã có khoản lỗ lên tới 78 tỷ đồng.

Trước đó, VNG định giá sàn thương mại điện tử này có giá trị lên tới 1.000 tỷ đồng, vì thế, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư một khoản tiền lớn vào Tiki.vn. Dù đã từ bỏ mảng kinh doanh trực tuyến khi sang nhượng lại sàn giao dịch 123mua.vn cho Sendo (một thành viên của Tập đoàn FPT) nhưng VNG vẫn đang có một số hoạt động trong ngành này qua việc cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, thương mại di động…

Theo nhận định từ một số doanh nghiệp trong ngành, đây là khoản lỗ cần thiết cho quá trình đầu tư dài hạn cho hoạt động thương mại điện tử, doanh nghiệp phải bỏ kinh phí đầu tư cho kho bãi, công tác hậu cần, dịch vụ giao nhận… Những khoản đầu tư lâu dài này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thêm nhiều đơn hàng, tăng thêm niềm tin của khách hàng.

Theo sự nhận định của giới chuyên gia trong ngành, hoạt động kinh doanh trực tuyến là một “cuộc chơi” mang tính lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp.

Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, hoạt động kinh doanh trực tuyến là một “cuộc chơi” mang tính lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp.

Khi trả lời báo Trí Thức Trẻ, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Giám đốc điều hành của Tiki, cho biết công ty sử dụng nguồn vốn tập trung đầu tư mạnh vào ba mục tiêu. Thứ nhất là mở rộng quy mô của sàn thương mại điện tử này. Về mặt doanh số, lượng đơn hàng Tiki chuyển thành công tới tay khách đặt mua tăng 3-4 lần trong vòng một năm trở lại đây. Về mặt danh mục sản phẩm, thay vì định vị là bán sách trực tuyến như trước, Tiki đã mở rộng ra bán tới 100.000 sản phẩm và nay là 300.000. Thứ hai, chất lượng dịch vụ đã được cải thiện, tốc độ giao hàng tăng lên. Thứ ba, Tiki đã giữ được sự trung thành của khách hàng.

Về chất lượng dịch vụ, Tiki.vn cho biết, tỷ lệ đổi trả sau khi khách nhận hàng chỉ chiếm 1%, một con số “mơ ước” đối với bất cứ công ty bán lẻ nào, dù là trực tuyến hay trực tiếp.

Theo các chuyên gia trong ngành, khoản lỗ của Tiki.vn thực ra không lớn cũng không nhỏ. Nó tương đương với số tiền Lingo.vn đã thua lỗ và phải chấp nhận việc đóng cửa. Tuy nhiên, trường hợp của Tiki khác với Lingo ở chỗ, tiềm lực tài chính của công ty khởi nghiệp (start-up) này mạnh mẽ hơn, nhất là sau khi được VNG rót vốn.

Trên thực tế, để vận hành một sàn thương mại điện tử có quy mô và tiềm lực như kiểu Lazada.vn, Adayroi.com, Lotte.vn… theo một chuyên gia, doanh nghiệp chủ sở hữu sàn phải chuẩn bị trước một bản kế hoạch đầu tư dài hạn với khoản tiền 5-7 triệu USD mỗi năm. Có như vậy thì sàn giao dịch đó mới có đủ năng lực để cạnh tranh và tìm thị phần. Ví dụ, Lazada khi mới vào Việt Nam đã có kế hoạch đầu tư lâu dài cho mảng thương mại điện tử với khoản đầu tư ban đầu lên đến 70 triệu đô la.

Nguyễn Phan Anh, một chuyên gia về tiếp thị trực tuyến, nói với Thời báo Vi tính Sài Gòn rằng thương mại điện tử là một cuộc chơi dài hạn về tài chính. Nếu chủ đầu tư có ngân sách dưới 1 triệu USD cho dự án thương mại điện tử, sẽ không dễ dàng để triển khai dự án theo mô hình sàn trực tuyến B2C (Business-to-Customer), từ doanh nghiệp đến khách hàng.

Bên cạnh đó, ngành thương mại điện tử trong nước sẽ cần đến những mô hình kinh doanh mang tính đột phá, không chỉ đơn thuần là bỏ tiền để chạy các chương trình quảng cáo hay khuyến mãi “giá sốc” để thu hút khách hàng trong ngắn hạn.

Người ít tiền phải làm kiểu khác

Các doanh nghiệp thương mại điện tử quy mô nhỏ hoặc không có nguồn ngân sách lớn sẽ phải chọn cách làm khác, không thể lao vào cuộc đua “đốt tiền” như các đối thủ trường vốn. Họ phải bán hàng trực tuyến theo kiểu chậm mà chắc, túc tắc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị phần dần dần hoặc chọn ngách hẹp trên thị trường để hoạt động.

Theo ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT, đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến Bizweb, việc khởi nghiệp trong mảng thương mại điện tử sẽ giúp các chủ cửa hàng, các hộ kinh doanh nhỏ tiếp cận khách hàng, quảng cáo và rao bán sản phẩm một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển lâu dài, người bán hàng phải cân nhắc lĩnh vực kinh doanh và hướng đi phù hợp với thế mạnh của mình.

Ví dụ, cuộc thống kê mà Bizweb thực hiện với các chủ cửa hàng trực tuyến trong năm ngoái cho thấy nhóm mặt hàng thời trang-phụ kiện được kinh doanh nhiều nhất, chiếm tới hơn 10% trong tổng số 10.000 trang bán hàng trực tuyến trên nền tảng này. Kế đến là nhóm mặt hàng mỹ phẩm, nước hoa, trang sức, nhóm dịch vụ du lịch-khách sạn, nhóm mặt hàng thực phẩm rồi đến nhóm sản phẩm nội thất gia đình, văn phòng…

Sở dĩ các sản phẩm thời trang được kinh doanh nhiều bởi vì đây là mặt hàng dễ bán, có nguồn hàng dồi dào, mẫu mã đa dạng… đồng thời, để khởi sự kinh doanh, người bán hàng chỉ cần một số vốn nhỏ, thậm chí có thể bán hàng thuê cho các nhà phân phối nên không cần vốn ban đầu.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Shop, cho biết sau khi so sánh doanh thu bán hàng trực tuyến và trực tiếp, công ty sẽ quyết định mức đầu tư thích hợp cho kênh trực tuyến.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Shop, cho biết sau khi so sánh doanh thu bán hàng trực tuyến và trực tiếp, công ty sẽ quyết định mức đầu tư thích hợp cho kênh trực tuyến.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc mảng tài chính và vận hành của sàn Shopee Việt Nam, nói rằng công ty của ông chọn cách đầu tư cho công nghệ trên nền tảng di động thay vì đầu tư cho hoạt động khuyến mãi. “Shopee được vận hành theo tiêu chí là nơi bán hàng bảo đảm, khách hàng có thể an tâm là tiền mua hàng chỉ được giao cho người bán khi người mua đã nhận được và hài lòng với món hàng”.

Chuỗi bán lẻ FPT Shop dù muốn phát triển mảng kinh doanh trực tuyến (online) song song với hoạt động bán hàng trực tiếp (offline) nhưng đã phải cân nhắc về mặt doanh thu và vốn đầu tư. Hiện tại, doanh thu bán hàng trực tuyến của FPT Shop chiếm khoảng 10% tổng số doanh thu trên toàn hệ thống trong năm nay (hơn 10.000 tỷ đồng).

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Shop, cho biết sau khi so sánh doanh thu bán hàng trực tuyến và trực tiếp, công ty sẽ quyết định mức đầu tư thích hợp cho kênh trực tuyến. Ví dụ, khi doanh thu trực tuyến đạt mức 100 tỉ đồng, bằng doanh thu của 3-4 cửa hàng bán lẻ của FPT Shop thì mức đầu tư cho hệ thống bán hàng trực tuyến sẽ bằng 50% hệ thống các cửa hàng bán lẻ.

Trên thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ thường dè dặt trong việc đầu tư cho kênh trực tuyến và mặt trận chủ lực của họ vẫn là bán hàng theo kiểu truyền thống. Việc đầu tư cho thương mại điện tử chỉ nhằm mục đích kéo khách tới chuỗi cửa hàng bán lẻ, nên đôi khi chỉ tập trung ở khâu tăng cường truyền thông về thương hiệu hay sản phẩm trên trang web, trên mạng xã hội. Chỉ có doanh nghiệp mở sàn thương mại điện tử, trang web bán hàng mới “sống chết” đầu tư cho mảng kinh doanh trực tuyến.

Dù gì đi nữa, đã chấp nhận dấn thân vào thương mại điện tử thì phải chuẩn bị nhiều phương án và dành sự tập trung, chú ý cho lĩnh vực mang tính xu hướng thời đại này. Các doanh nghiệp ít vốn sẽ phải chọn cách thức phát triển linh hoạt, nhằm giảm thiểu sự cạnh tranh mang tính trực tiếp với các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn.

Tính an toàn sẽ quyết định niềm tin của khách hàng

Theo cuộc thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương, hiện có khoảng 7% giao dịch trên thị trường được thanh toán trực tuyến. Chính vì vậy, yếu tố an toàn trong giao dịch sẽ quyết định niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ thương mại điện tử.

Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, đã đưa ra thông tin này tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2016 được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua ở Hà Nội. Nếu như trước đây, tính năng thanh toán là sự cản trở lớn đối với lĩnh vực thanh toán điện tử ở Việt Nam thì trong vòng hai năm gần đây yếu tố này đã được cải thiện. Hạ tầng thanh toán phát triển nhanh với 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán gia nhập thị trường. “Vấn đề còn lại nằm ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa và lòng tin của người tiêu dùng”, bà Việt Anh nói.

Cũng theo bà Việt Anh, để gia tăng con số giao dịch được thanh toán trực tuyến, hiện có khoảng 7%, bên cạnh các chính sách ưu đãi dành cho người tiêu dùng khi họ thực hiện việc thanh toán điện tử thì yếu tố an toàn trong giao dịch cũng góp phần quyết định mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ.

Có cùng quan điểm với bà Việt Anh, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nói rằng việc thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm tạo sự thuận tiện và giảm chi phí trong lĩnh vực thanh toán. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan đã ký kết nhiều bản thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán không sử dụng tiền mặt, ví dụ, chương trình thúc đẩy thanh toán điện tử trong ngành bán lẻ, triển khai dịch vụ khai thuế điện tử, thanh toán điện tử trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến..., nhằm hướng tới mục tiêu mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Kim Anh cũng khẳng định, việc đi theo trào lưu công nghệ mới cũng kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn với cả ngân hàng lẫn khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ... Do đó, việc tăng cường tính an ninh trong việc thanh toán không sử dụng tiền mặt nói riêng, thanh toán điện tử nói chung là một yêu cầu mang tính tất yếu.

Các chuyên gia ngành thương mại điện tử cũng cho rằng chính áp lực cạnh tranh về giá đã khiến nhiều trang thương mại điện tử sử dụng nhiều chiêu trò gây nhầm lẫn cho khách hàng, nhằm tạo ấn tượng về quy mô cũng như giá bán. Trong cuộc đua, dường như nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã quên mất thực chất ưu điểm của mô hình này là tính thuận tiện, đơn giản, an toàn chứ không phải chỉ là giá cả. Chiến thắng bằng việc giảm giá sẽ có rủi ro lớn hơn rất nhiều so với chiến thắng bằng việc cung cấp những giá trị vượt trội, và mang ít yếu tố trung thành nhất trong hoạt động mua sắm trực tuyến.

>> Gần Tết, sức mua điện thoại di động 'nóng' từng ngày

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Ý kiến

()