Chúng ta

Công nghiệp phần mềm tăng tốc

Thứ năm, 22/2/2018 | 14:42 GMT+7

Công nghiệp phần mềm đóng vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng. Năm 2017 đánh dấu những phát triển đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu phần mềm, tạo đà tăng tốc cho năm 2018.

Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2017, kim ngạch xuất khẩu phần mềm là 67 triệu USD, đạt 111% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2016.

Ông Đặng Ngọc Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) phần mềm Đà Nẵng, cho biết, nhiều DN phần mềm lớn như FPT Software, Axon Active, Asian Tech… hoạt động trên địa bàn thành phố, cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho các thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, tạo việc làm thu nhập cao cho hàng nghìn lao động. “Nhật Bản và Mỹ hiện vẫn là 2 thị trường xuất khẩu chính. Song, trong năm 2017, các DN CNTT Đà Nẵng đã mở rộng sang cả châu Âu và một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan”, ông Hải nói.

images1429062-Pham-mem-tang-to-9883-8985

Không chỉ phát triển về doanh thu, số lượng DN CNTT hoạt động trong lĩnh vực phần mềm - nội dung số cũng phát triển. Bà Nguyễn Thị Huyền Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng CNTT Đà Nẵng cho biết, hiện tại, tỷ lệ lấp đầy của Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm (số 2 và số 15 Quang Trung, quận Hải Châu) đạt 100%, với 76 DN đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu phần mềm và nội dung số. Công viên Phần mềm thu hút nhiều sự đầu tư từ các DN Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Theo đánh giá tại hội thảo cấp cao về xây dựng thành phố thông minh và xúc tiến đầu tư lĩnh vực CNTT do Bộ TT&TT phối hợp với UBND thành phố tổ chức vào cuối năm 2017, đây là một trong những khu CNTT hoạt động hiệu quả nhất của cả nước.

Song, ngành công nghiệp phần mềm tại Đà Nẵng vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Ngọc Thạch nhìn nhận, thành phố vẫn đang thiếu nguồn nhân lực CNTT có chuyên môn và kỹ năng ngoại ngữ. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc phần lớn các DN CNTT chủ yếu làm dịch vụ gia công cho khách hàng nước ngoài, thay vì tự thiết kế, tự chế tạo các sản phẩm với thương hiệu riêng. Sở TT&TT đang tham mưu ban hành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Đà Nẵng; theo đó, số lượng lao động ngành CNTT sẽ tăng từ 24.500 người lên 39.100 người vào năm 2020, với khoảng 17.000 lao động làm việc trong ngành sản xuất, gia công phần mềm.

Bên cạnh đó, việc tìm địa điểm, mở rộng không gian hoạt động của các DN cũng là một thử thách. Ngoài Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng đã được lấp đầy, các dự án khu công viên phần mềm khác vẫn chưa hoàn thiện. Anh Sử Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech) cho biết, trước đây, Unitech thuê mặt bằng tại Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm với giá ưu đãi dành cho các DN CNTT. Tuy nhiên, mức giá này vừa được điều chỉnh tăng 10%, phần nào gây khó khăn cho việc quản lý DN. “Chúng tôi mong thành phố có biện pháp hỗ trợ DN, đồng thời sớm hoàn tất các khu mặt bằng mới, bởi nhiều DN CNTT ở Đà Nẵng đang có nhu cầu mở rộng nơi làm việc”, anh Huy nói.

Được biết hiện nay, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đã hoàn thành 80% khối lượng về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ xác lập các bước tiếp theo như xúc tiến gọi vốn đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật chuyên dụng, dự kiến có thể bắt đầu cấp giấy phép đầu tư cho các DN vào cuối năm 2018.

Năm 2018, dự kiến Khu CNTT tập trung Đà Nẵng sẽ được đẩy nhanh tiến độ triển khai và sẵn sàng cho nhà đầu tư. Ngoài ra, trong năm 2017, UBND thành phố và Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu khả thi dự án xây dựng Khu Công viên Phần mềm số 2 tại khu đô thị Đa Phước, đang thực hiện các thủ tục để bắt đầu xây dựng trong năm 2018. Theo nhận định của lãnh đạo Sở TT&TT, năm 2018, Đà Nẵng sẵn sàng đất sạch để các nhà đầu tư CNTT xây dựng tòa nhà làm việc nhưng về văn phòng, mặt bằng có sẵn thì đến năm 2019 hoặc 2020 mới đáp ứng đủ.

Báo Đà Nẵng

Ý kiến

()