Chúng ta

Công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp Việt muốn 'số hóa' cũng vất vả

Thứ sáu, 21/7/2017 | 15:14 GMT+7

Doanh nghiệp đang sở hữu công nghệ cũ, lạc hậu khi tiếp cận công nghệ 4.0 sẽ rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Tại hội thảo Doanh nghiệp số - Đường tới Cách mạng công nghiệp 4.0 do Bộ Công thương và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đồng tổ chức, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cho biết, Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm…

vov-img-0010-wucm-1932-1500558720.jpg

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), chia sẻ về Công nghiệp 4.0.

Tụt hậu

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…

Mặt khác có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển. Đây là những nhận định hết sức rõ ràng và thực tế về những cơ hội và nguy cơ mà Việt Nam sẽ phải đối mặt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó, khó khăn là điều dễ dàng nhìn thấy.

“Với những thách thức nêu trên, để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía doanh nghiệp, trước hết cần phải hiểu đúng và đầy đủ về cuộc cách mạng này, về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này”, ông Cường nói.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Đức, ông Raimund Klein, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Siemen khu vực Đông Nam Á, cho hay, trên thị trường hiện nay, khả năng tạo ra đột phá mới là nhân tố quyết định thành công. Mức độ tinh vi của sản phẩm ngày càng tăng lên. Khách hàng cũng yêu cầu cao hơn, họ đặt hàng trên mạng nên đòi hỏi thời gian nhanh hơn đã gây ra áp lực của sự thay đổi. Nếu không sáng tạo đột phá, các doanh nghiệp có thể thua cuộc trước các đối thủ cạnh tranh.

“Ở Siemen trước đây, chúng tôi sản xuất điện thoại theo một phương pháp cũ, những chiếc điện thoại to nặng thô sơ thời gian trước nay đã được sản xuất tinh vi nhỏ gọn và đẹp hơn nhờ công nghệ cắt gọt…từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây không chỉ là những công nghệ mang tính chất đột phá mà còn giúp đẩy mạnh quy mô, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả”, ông Raimund Klein chia sẻ.

truong-gia-binh-7046-149965442-5070-9770

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Lợi thế của 'cá nhanh'

Cũng theo ông Raimund Klein, ngành thực phẩm, điện tử, đồ uống hiện nay là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của công nghiệp 4.0 khi người lao động giảm đi. Các nhà máy, doanh nghiệp được mô tả là các doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất… tất cả đều được lập trình, tự động hóa, công nghệ robot… Khi cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ, các lĩnh vực sản xuất này bắt buộc sẽ phải thay đổi.

Nhận định về xu hướng của một nền kinh tế kỹ thuật số mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa đến Việt Nam, ông Trần Hiệp Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương), thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng này nằm ở tiềm lực cơ sở vật chất, máy móc thiết bị của các doanh nghiệp hiện nay.

“Cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại khiến cho các doanh nghiệp Việt nếu muốn “số hóa” công nghệ cũng phải rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Đó là trở ngại của các doanh nghiệp hiện nay”, ông Hòa nêu quan điểm.

Là một trong những DN đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho rằng, đây là cuộc cách mạng mang tính chất đột phá cho các DN Việt, ở đó, không phải là “cá lớn nuốt cá bé” nữa mà phải là "cá nhanh nuốt cá chậm”. Doanh nghiệp nào nhanh thì doanh nghiệp đó sẽ thành công. “Đừng cho rằng chúng ta có nhiều thách thức hơn cơ hội ở cuộc cách mạng này mà thật ra Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Vấn đề là chúng ta có tin vào bản thân hay không, và nếu tin, chúng ta sẽ hành động cụ thể như thế nào”, ông Bình nhấn mạnh.

VOV

Ý kiến

()