Chúng ta

Chủ tịch Trương Gia Bình mong sớm có những chiếc xe Tesla của Việt Nam

Thứ năm, 11/5/2017 | 10:40 GMT+7

Chia sẻ với 8 đội thi xuất sắc dự vòng chung kết “Cuộc đua số”, Chủ tịch FPT bày tỏ mong muốn trong số những sinh viên này, một ngày nào đó không xa sẽ có những Elon Musk chế ra những chiếc xe Tesla của Việt Nam.

chu-tich-fpt-truong-gia-binh-7703-149446

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ với các sinh viên dự vòng chung kết cuộc thi công nghệ điều khiển xe không người lái đầu tiên tại Việt Nam - "Cuộc đua số".

Vòng chung kết “Cuộc đua số” năm 2016-2017, cuộc thi công nghệ điều khiển xe không người lái đầu tiên tại Việt Nam vừa được FPT tổ chức tối qua (10/5), tại nhà thi đấu Cầu Giấy, Hà Nội, với sự tham gia đua tài của 8 nhóm sinh viên đến từ các trường đại học lớn trên cả nước gồm: ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH CNTT - ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Lạc Hồng và ĐH FPT.

Với việc tổ chức cuộc thi công nghệ thường niên “Cuộc đua số” bắt đầu từ năm 2016-2017, FPT hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn lực công nghệ mới cho Việt Nam; đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tiếp cận, thực hành, nghiên cứu công nghệ mới của thế giới như Autonomous, Robotics, AI, IoT… thông qua việc giải quyết các bài toán với độ khó ngày càng cao hơn của cuộc thi; đồng thời xây dựng năng lực công nghệ cho Việt Nam để sau khoảng 5 năm sẽ có thiết bị tự hành “Made in Vietnam” chạy trong môi trường thật.

Theo đại diện FPT, tự vận hành là một trong 9 công nghệ trụ cột của cuộc cách mạng 4.0. Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như robot giao hàng, máy bay và ô tô không người lái, các ứng dụng hỗ trợ người lái trong xe ô tô, trợ lý ảo (Siri, Cortana, Google Now..)… Các ứng dụng này ngày càng thông minh hơn và có khả năng tự động xử lý tình huống thay cho người sử dụng. Dự báo của Gartner cho hay, lĩnh vực này sẽ có nhiều tiến bộ hơn nữa trong thời gian tới. Theo Mc Kinsey, xe ô tô có kết nối và ứng dụng thông minh sẽ tăng trưởng trung bình 30% trong các năm tới và sẽ chiếm 25% tổng số lượng xe trên toàn thế giới vào năm 2020.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận định: “Việt Nam đang được coi là nguồn cung nhân lực công nghệ trẻ cho cuộc cách mạng 4.0. Các bạn có một sứ mệnh to lớn - những người tiên phong đưa Việt Nam bắt kịp thế giới và không bỏ lỡ cuộc cách mạng chưa từng có này. Tôi tin tưởng rằng bằng kinh nghiệm và những kiến thức mà các bạn tích lũy được từ ngày hôm nay, bằng ý chí, sự đam mê và quyết tâm, các bạn là lực lượng nòng cốt, tiên phong tham gia chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Trong chia sẻ với 8 đội tuyển sinh viên xuất sắc tranh tài trong vòng thi chung kết “Cuộc đua số”, Chủ tịch Trương Gia Bình nói: “Tôi biết trong những ngày gần đây, đặc biệt là hai ngày vừa qua, các bạn đã làm việc không kể ngày đêm để trau chuốt cho chiếc xe của mình như một “đứa con” của đội, sẵn sàng thi đấu trong ngày hôm nay. Có thể không phải ai trong các bạn cũng ra về với giải thưởng nhưng tôi luôn cầu chúc cho các bạn dành chiến thắng”.

Người đứng đầu FPT nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng các bạn đã chiến thắng hiểu theo nghĩa là các bạn đã bước vào một thế giới của ô tô không người lái, thế giới mà các kỹ sư xuất sắc của những hãng lớn như Google, Tesla, Uber… cũng đang như các bạn, đang mày mò xử lý các bài toán xe tự hành, tất nhiên ở mức độ khó hơn. Chúng tôi ước mơ trong số các bạn một ngày nào đó sẽ có những Elon Musk, sẽ chế ra những chiếc xe Tesla của Việt Nam, là niềm tự hào của đất nước. Chúng tôi cũng hy vọng các bạn sẽ tham gia vào đội quân - lúc này còn rất nhỏ bé, rất quý hiếm, là những kỹ sư, nguồn nhân lực số tham dự vào cuộc chuyển đổi thế giới. Trong đó, công nghệ ô tô không phải là đỉnh cao của cơ khí nữa mà là đỉnh cao của trí tuệ nhân tạo”.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, với vai trò của cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tham mưu cơ chế chính sách để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0), Bộ KH&CN hoan nghênh việc FPT đã khởi xướng tổ chức cuộc thi “Cuộc đua số”.

“Đây là sáng kiến trong giai đoạn chúng ta đang nói về Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đang rất quan tâm, làm sao để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế đất nước. Vai trò của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp. Vai trò của sinh viên là tham gia sân chơi này thế nào”, Thứ trưởng Phạm Đại Dương đánh giá.

topciuoi-1494427623-660x0-3221-149446664

Sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự đoạt giải Nhất “Cuộc đua số” năm 2016 - 2017.

Đáng chú ý, theo đại diện FPT, với mong muốn tạo cơ hội và môi trường giúp các bạn sinh viên tiếp tục theo đuổi đam mê công nghệ xe tự hành, FPT Software - đơn vị thành viên của FPT cam kết sẽ tuyển dụng trực tiếp thành viên của các đội đạt giải cao cuộc thi “Cuộc đua số”. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về mặt công nghệ, kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia... giúp sinh viên có kỹ năng lập trình có thể cộng tác và thực tập với FPT Software phát triển các giải pháp liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và công nghệ ô tô nói chung. 

Cũng tại vòng thi chung kết “Cuộc đua số” năm 2016-2017, thử thách của “Cuộc đua số” năm 2017-2018 đã được FPT công bố. Theo đó, trong năm thứ hai tổ chức cuộc thi lập trình phần mềm cho xe tự hành, các sinh viên sẽ tham gia giải quyết các bài toán với độ khó hơn về điều kiện môi trường (tránh chướng ngại vật cố định; xe chạy ngoài trời, ban ngày); về thử thách trên đường đi (xe chạy trên đường không làn; qua ngã ba đi theo biển chỉ dẫn); khả năng nhận diện các biển báo cơ bản (các biển rẽ trái, rẽ phải, cấm rẽ; biển stop; biển hạn chế tốc độ; biển một chiều).

thach-thuc-1-8202-1494466647.jpg
 
thach-thuc-2-4782-1494466647.jpg
 
thach-thuc-3-4837-1494466647.jpg

Những thử thách trong "Cuộc  đua số" năm 2017-2018 vừa được FPT chính thức công bố tại đêm thi chung kết và trao giải cuộc thi "Cuộc đua số" năm 2016-2017.

Hiện nay, FPT có khoảng 1.600 người làm việc trong lĩnh vực giải pháp công nghệ ô tô. Trong thời gian từ nay đến hết năm 2017, FPT cần tuyển thêm khoảng 800 kỹ sư CNTT, chuyên gia công nghệ trong lĩnh vực này. Tùy thuộc vị trí, mức thu nhập có thể lên đến 2.000 USD và cơ hội làm việc ngắn hạn và dài hạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ.

Trong năm đầu tiên được tổ chức, cuộc thi “ Cuộc đua số” được phát động vào đầu tháng 11/2016 và có chủ đề “Xe không người lái”. “Cuộc đua số” năm 2016-2017 diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017, thu hút hơn 500 thí sinh từ 26 trường đại học trên cả nước tham dự. Sau 8 trận thi đấu vòng loại tại các trường đại học trên toàn quốc (diễn ra từ ngày 9 đến 18/1/2017), 8 đội thi xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung kết. Trải qua 2 vòng thi gay cấn trong vòng chung kết “Cuộc đua số” vào tối ngày 10/5 tại nhà thi đấu Cầu Giấy (Hà Nội), đội MTA Racer của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã giành được giải Nhất trị giá 450 triệu đồng (gồm một chuyến trải nghiệm 7 ngày tại Mỹ cho các thành viên đội thi và 3 laptop). Giải Nhì trị giá 30 triệu đồng đã thuộc về đội CDIO đến từ ĐH Bách khoa TP HCM. Hai giải Ba trị giá mỗi giải 20 triệu đồng đã được trao cho 2 đội Alpha One của ĐH FPT và LHU Racer 304 của ĐH Lạc Hồng.

>> Số hóa sản xuất từ cách mạng công nghiệp 4.0

ICT News

Ý kiến

()