Chúng ta

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng học 14-16 tiếng mỗi ngày

Thứ hai, 6/7/2015 | 07:53 GMT+7

Chia sẻ với 113 học viên đợt 2 chương trình “10.000 kỹ sư cầu nối”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết: “Bản thân tôi ngày xưa khi học tiếng Nga để vào đại học, mỗi ngày tôi học 150 từ mới. Thời gian học của tôi khoảng 14-16 tiếng/ngày. Tôi hy vọng các bạn cũng nỗ lực như thế”.

FPT vừa tổ chức lễ khai giảng cho 113 học viên chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối” (BrSE), đợt 2 tại Tokyo với sự tham dự của gần 200 người. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao Mekong đã đến dự sự kiện.

Chia sẻ tại lễ khai giảng, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình bày tỏ sự háo hức khi mường tượng các học viên tại đây trở thành BrSE, làm việc tại Nhật Bản. Theo ông Bình, FPT với hàng trăm khách hàng, đối tác lớn tại Nhật Bản chính là cơ hội để các học viên BrSE mở cánh cửa trở thành công dân công nghệ toàn cầu.

11720422-10205907199632386-126-7881-2839

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu tại lễ khai giảng khóa đạo tạo đợt 2 chương trình "10.000 kỹ sư cầu nối". (Ảnh FPT cung cấp)

“Điều vĩ đại nhất khi tham gia chương trình này, đó là các bạn không chỉ thay đổi cuộc đời của mình mà còn có thể giúp thay đổi cả thế giới. Các bạn có thể biến nền nông nghiệp thành nông nghiệp số, biến các hãng hàng không thế giới thành hàng không số... và rất nhiều điều tương tự như vậy. Việt Nam đang muốn hàng triệu người tham gia vào CNTT, Nhật Bản đang cần hàng nghìn kỹ sư trẻ có khát vọng công nghệ, khát vọng thay đổi thế giới... Chúng tôi đặt hy vọng đó vào các bạn”, ông Bình nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Trương Gia Bình cũng hy vọng, các học viên tham gia chương trình đào tạo sẽ chăm chỉ học tập: “Bản thân tôi ngày xưa khi học tiếng Nga để vào đại học, mỗi ngày tôi học 150 từ mới. Thời gian học của tôi khoảng 14-16 tiếng/ngày. Tôi cũng hy vọng các bạn hãy nỗ lực như thế”.

Cũng tại lễ khai giảng, Giám đốc FPT Japan Trần Xuân Khôi, người đưa ra ý tưởng cho chương trình đào tạo “10.000 kỹ sư cầu nối” nhắn nhủ các học viên: “Con đường phía trước đang chờ đón các bạn không phải đầy màu hồng, nhưng cũng không phải là quá nhiều chông gai để đến nỗi ta chùn bước, đó là thử thách. Bạn vừa học vừa làm, vừa thích nghi vào môi trường mới sẽ chiếm hết thời gian của các bạn. Nhưng tôi chỉ muốn nhắn nhủ ngắn gọn rằng đừng mải mê lo làm thêm mà quên đi mục đích chính của mình khi sang Nhật, đó là học tập”.

Đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối (BrSE) là một trong 2 chương trình chiến lược của FPT cho thị trường Nhật Bản, đã được Tập đoàn chính thức công bố triển khai từ trung tuần tháng 11/2014.  Theo đó, từ năm 2015 đến 2018, FPT đặt mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối cho thị trường Nhật Bản nhằm giúp FPT nói riêng và các công ty CNTT của Việt Nam nói chung đủ khả năng tiếp nhận lượng công việc ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) từ Nhật Bản, đồng thời giúp các công ty Nhật Bản có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ. 

Trong số 10.000 kỹ sư cầu nối đào tạo cho thị trường Nhật của FPT, sẽ có 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật và số còn lại được đào tạo tại Việt Nam. Với chương trình đào tạo tại Việt Nam, cùng với các khóa đào tạo nội bộ, FPT Software cũng liên kết, hợp tác với các trường đại học trên toàn quốc để tăng thêm nguồn lực cho chương trình.

9-1435975592-660x0-5663-1436082666.jpg

Tính đến nay, FPT đã đưa 156 học viên sang Nhật du học theo chương trình đào tạo "10.000 kỹ sư cầu nối" (Ảnh FPT cung cấp)

Còn với chương trình đào tạo 5.000 kỹ sư cầu nối tại Nhật, trong năm 2015, FPT Software sẽ đưa khoảng 500 học viên sang Nhật Bản du học vào 3 thời điểm là tháng 4, tháng 7 và tháng 10. Với việc khai giảng khóa đào tạo đợt 2 cho 113 học viên chương trình “10.000 kỹ sư cầu nối” diễn ra ngày 3/7/2015, đến nay FPT đã đưa 156 học viên sang Nhật du học theo chương trình đào tạo này.

Riêng với các học viên được đào tạo tại Nhật, FPT Software cam kết bảo lãnh tài chính và tạo điều kiện tốt nhất về việc làm tại Nhật với mức lương tối thiểu 2.000 USD/tháng. Học viên không cần chứng minh tài chính khi đi du học. Toàn bộ thủ tục liên quan đến tài chính của học viên sẽ được FPT Software bảo lãnh với Sở Nhập cảnh Nhật Bản và ngân hàng. FPT Software cũng sẽ bảo lãnh với ngân hàng để học viên có thể vay tối đa 300 triệu đồng (toàn bộ chi phí du học bao gồm học phí và sinh hoạt phí tại Nhật trong vòng 12 tháng). Đồng thời, FPT Software phối hợp với Học viện Ngôn ngữ Meros - một trong những học viện đào tạo tiếng Nhật nổi tiếng tại Nhật Bản soạn thảo chương trình đào tạo riêng cho các học viên.

Trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT Software, Nhật Bản luôn được xem là thị trường quan trọng số một, mang lại sự tăng trưởng ổn định và bền vững cho doanh nghiệp. Hiện FPT Japan có 3 văn phòng với số lượng nhân viên sẽ đạt 500 người vào cuối năm 2015. Mục tiêu tăng trưởng doanh thu của FPT Japan là 40% so với năm trước. 

ICT News

Ý kiến

()