Chúng ta

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mách nước chọn tướng để toàn cầu hóa

Thứ ba, 16/8/2016 | 10:46 GMT+7

Theo Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, để tấn công ra nước ngoài thì phải bắt đầu từ những con người trung kiên. Ngoài ra, tướng lĩnh phải mở chiến trường bởi vì nếu tướng lĩnh không mở thì sẽ không có chiến trường.

Tại sự kiện gặp gỡ Hiệp hội Internet Việt Nam với chủ đề “Tổ chức kinh doanh bắt kịp xu thế toàn cầu hóa” vào ngày 11/8, ông Bình đã kể lại cách chọn chiến tướng để toàn cầu hóa của FPT. Theo ông Bình, ngày đó FPT không có bất kỳ kinh nghiệm nào cả và qua học hỏi thì kinh nghiệm sẽ lớn dần lên. "Tướng lĩnh phải mở chiến trường bởi vì nếu tướng lĩnh không mở thì sẽ không có chiến trường", ông Bình nói.  

Ngoài ra, ông Bình cho rằng, làm lãnh đạo thì bao giờ cũng phải có nhân vật mình tin tưởng và đặt niềm tin. “ Ở FPT, chúng tôi có hai nhân vật, một là anh Nguyễn Thành Nam, một con người mơ mộng và rất thích cái mới. Người thứ hai là anh Hùng "Râu", người mà giao việc gì cũng làm được", ông Bình dẫn chứng.  

f1-8603-1471311495.jpg

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, làm lãnh đạo thì phải luôn có người mình tin tưởng và đặt niềm tin để toàn cầu hóa. Khi đó ở FPT có 2 người là anh Nguyễn Thành Nam và anh Hùng "Râu" (Lê Thế Hùng).

Trước đó, tại buổi bootcamp “Đối thoại CEO - Về những thách thức của CEO tại Việt Nam trên con đường hội nhập”, cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam cũng đã bật mí những trải nghiệm của chính ông khi cùng FPT bước chân ra biển lớn. Đội quân tiên phong ngày ấy, theo ông Nam, gồm toàn người trẻ và nhiệt huyết, là những người hướng ngoại, ham học hỏi, không ngại rủi ro. Năm cán bộ kinh doanh được tuyển chọn với những tiêu chuẩn cao cả về trí tuệ, kiến thức phần mềm, tố chất kinh doanh cũng như tiếng Anh. Song cái khó của người tiên phong là một loạt những dấu chấm hỏi chưa có câu trả lời. FPT đặt mục xuất khẩu phần mềm nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho mục tiêu này thì FPT hầu như chẳng có gì. FPT "đi ra biển lớn" với hành trang gần như là con số 0: thương hiệu không, nguồn lực yếu, mối quan hệ hạn hẹp, kinh nghiệm quốc tế ít ỏi… Vì thế, thật không quá khó hiểu khi kết quả không như FPT mong đợi. Hai văn phòng ở Ấn Độ (thành lập tháng 11/1999) và Mỹ (tháng 1/2000) đã “tan” sau gần một năm hoạt động.

Tuy nhiên, sau thất bại đó, theo ông Nam, FPT đã quyết tâm “phục thù” với làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai được chuẩn bị kỹ càng hơn vào năm 2006. Làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai của FPT mặc dù vẫn đi theo hướng tấn công với mũi nhọn vẫn là xuất khẩu phần mềm nhưng đã hướng về khu vực gần gũi hơn: Nhật Bản. Kế đó, FPT tiếp tục thành lập công ty ở Singapore, Pháp, Malaysia, Mỹ… Để giờ đây, trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm FPT đã có quyền tự hào về những con số đáng mơ ước với bất cứ doanh nghiệp CNTT Việt Nam: Hơn 135 triệu USD doanh số xuất khẩu phần mềm/năm; hơn 7.000 chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm; hàng trăm khách hàng từ Mỹ, châu Âu, châu Phi, Trung Đông đến Nhật Bản, Singapore, Myanmar, Campuchia, Lào... 

Kế thừa sự thành công của làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai, ông Nam cho biết, FPT đã chính thức phát động làn sóng toàn cầu hóa thứ ba tại Hội nghị Chiến lược FPT 2013 - “Global 1 Billion Challenge”. Trong hai làn sóng toàn cầu hóa trước, hướng đi mũi nhọn của FPT là xuất khẩu phần mềm thì ở làn sóng lần thứ 3 này, chiến lược của FPT đã khác. FPT sẽ bước ra sân chơi toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh mà công ty đang hoạt động từ công nghệ, viễn thông đến phân phối, bán lẻ và giáo dục.

FPT chính thức toàn cầu hóa vào năm 1999, với sự dịch chuyển trọng tâm sang xuất khẩu phần mềm. Sau 17 năm toàn cầu hóa, FPT hiện đang có mặt tại 19 quốc gia với gần 27.000 CBNV, trong đó có 1.134 CBNV người nước ngoài. 

Trong giai đoạn 2011-2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm.Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu toàn cầu hóa của FPT tiếp tục tăng trưởng cao với con số 34%, đạt 2.713 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 31%, đạt 377 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp lớn nhất là từ lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm với doanh thu tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Vào năm 2020, tập đoàn kỳ vọng doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 30%; Mức tăng trưởng doanh thu từ các dịch vụ số hóa cho khách hàng bình quân trên 70% mỗi năm.

ICT News

Ý kiến

()