Chúng ta

Chủ tịch FPT: 'Mỗi công dân là một doanh nghiệp số'

Thứ ba, 3/5/2016 | 16:48 GMT+7

"FPT đang đặt mình vào vị trí cùng tiên phong với các tập đoàn công nghệ nền. Hiện FPT là đối tác của tất cả các nhà tạo công nghệ nền cho kinh tế số và chúng tôi có mối liên hệ với 3 trên 4 nhà ứng dụng tiên phong của nước Mỹ đi vào kinh tế số. Muốn có kinh tế số thì phải có nền tảng công nghệ kinh tế số, anh Trương Gia Bình nói.

Trao đổi với Báo DĐDN, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT - cho rằng: Trong kinh tế số, mỗi công dân có thể sẽ là một doanh nghiệp số và sẽ không còn biên giới kinh doanh giữa các quốc gia.

Theo ông Bình, có rất nhiều thuật ngữ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, ngoài kinh tế số còn có cách mạng số. Cách đây không lâu, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 tại Davos-Klosters của Thụy Sĩ xuất hiện thêm một thuật ngữ mới là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” với dự báo có thể làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế thế giới.

– Nên hiểu khái niệm “kinh tế số” như thế nào, thưa ông?

- Về cơ bản những thuật ngữ mới này đều hướng chung tới một nhận định sẽ có cuộc biến đổi “long trời lở đất” thay đổi toàn diện diện mạo của thế giới: thay đổi cách thức chúng ta sống, làm việc và giao tiếp. Người ta dự báo rằng, thế giới thực và thế giới ảo sẽ là một. Mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức, sẽ trở thành doanh nghiệp số, tổ chức số, mọi nhà lãnh đạo trở thành nhà lãnh đạo số. Minh chứng là ông Lý Hiển Long ngoài chức Thủ tướng của Singapore hiện còn kiêm nhiệm thêm vai trò “Người đứng đầu khoa học dữ liệu” (Chief Data Scientist) của quốc gia này.

Thậm chí, khi phát triển ở tầm cao mọi ngân sách sẽ là ngân sách số, mỗi một công dân có thể trở thành một doanh nghiệp số. Ranh giới quốc gia, môi trường kinh doanh sẽ bị xoá nhoà. Tương lai, cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại sẽ diễn ra khi máy móc có thể hỗ trợ tư duy của con người và nó sẽ diễn biến với tốc độ nhanh không tưởng. Dự kiến vào 2017, một số nước yêu cầu ô tô sẽ phải có chức năng tự động phanh, 2025 sẽ có những thành phố không có đèn giao thông,

Nói cách khác, trước đây, công nghệ thông tin chỉ là phương tiện để sử dụng trong các hoạt động của con người nay công nghệ thông tin trực tiếp trở thành phương thức kinh doanh mới. Một mô hình kinh doanh chưa từng có với những công ty tiêu biểu như Uber – Nó khiến cho một công ty không có chiếc taxi nào trở thành nhà vận tải lớn nhất thế giới. Hay Airbnb, một công ty cung ứng dịch vụ khách sạn lớn nhất thế giới nhưng không có 1m2 khách sạn nào.

3-4% là đóng góp của kinh tế số cho GDP các nước phát triển và tỉ lệ này đang tăng nhanh.

ky-su-cong-nghe-thong-tin-nhat-9160-4397

Hoạt động gia công phần mềm tại FPT Software

 – Tại Việt Nam, mô hình này được triển khai như thế nào?

- Có một đặc tính cơ bản là khi nói đến kinh tế số người ta không nói đến biên giới, không nói đến những rào cản giữa các quốc gia bởi muốn hay không muốn ngay tại thời điểm này chúng ta vẫn tìm kiếm thông tin trên Google, giao tiếp trên Facebook, đặt ô tô bằng Uber, thuê nhà qua Airbnb… Vì vậy có thể nói, tại Việt Nam những gã khổng lồ về kinh tế số đều đã hiện diện.

 – Vậy ông đánh giá như thế nào về khả năng tham gia và thành công của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bên cạnh các gã khổng lồ?

- Tôi cho rằng đây là một cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam để thay đổi vị thế của kinh tế đất nước cũng như vị thế của ngành công nghiệp. Bởi kinh tế số sẽ giúp các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và vươn ra thị trường quốc tế.

Cụ thể, đầu tiên phải nói đến các nhóm Startup Việt Nam. Điển hình như hãng đồng hồ Fossil Group đã đồng ý mua lại công ty chuyên sản xuất vòng đeo thể thao Misfit (công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất thiết bị đeo thông minh do người Việt sáng tạo) với khoản hợp đồng trị giá 260 triệu USD. Điểm đáng chú ý là khác với các công ty công nghệ khác, Misfit hiện đang đặt bộ phận Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam với khoảng 200 kỹ sư.

Cơ hội rộng mở với mọi người nhưng để tham gia có hiệu quả vào kinh tế số, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) sẽ phải tích cực đóng góp để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo và có nhiều chương trình để hiện thực hoá muc tiêu này.

 – Là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xin ông cho biết vai trò của FPT trong việc thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam nói riêng và vài trò dẫn dắt của các doanh nghiệp tư nhân nói chung?

- Ở các nước phát triển hiển nhiên các doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt cuộc cách mạng này. Có ba loại dẫn dắt, loại dẫn dắt nền tảng của nền kinh tế số hay còn gọi là nhóm công nghệ hạ tầng như: Microsoft, IBM, GE… Nhóm thứ hai rất nổi trội đó là các startup, họ mọc lên như nấm, trong tất cả các lĩnh vực; Thứ ba là các doanh nghiệp phải tự biến đổi mình để giữ được trong cuộc cách mạng số chuyển đổi.

FPT đang đặt mình vào vị trí cùng tiên phong với các tập đoàn công nghệ nền. Hiện FPT là đối tác của tất cả các nhà tạo công nghệ nền cho kinh tế số và chúng tôi có mối liên hệ với 3 trên 4 nhà ứng dụng tiên phong của nước Mỹ đi vào kinh tế số. Muốn có kinh tế số thì phải có nền tảng công nghệ kinh tế số.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, trong Đại hội VINASA IV, các công ty Việt Nam đã tập hợp lại và quyết tâm thúc đẩy kinh tế số, sớm áp dụng internet vạn vật vào Việt Nam.

 – Ngoài nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về hành lang pháp lý, vai trò kiến tạo của chính phủ cũng như các chính sách thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam thưa ông?

- Cuộc cách mạng kinh tế số đang bùng nổ sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Nếu không theo được làn sóng này Việt Nam sẽ rơi vào tụt hậu và bị các nước bỏ xa trên bản đồ kinh tế.

Để có thể tiếp cận nhanh chóng với kinh tế số, thứ nhất phải tiếp tục đổi mới chính sách, môi trường kinh doanh, đặc biệt môi trường kinh doanh cho sáng tạo, khởi nghiệp. Thúc đẩy chính sách tạo ra những “vườn ươm công nghệ”.

anh-truong-gia-binh-2848-1462268258.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Thứ hai, phải thay đổi toàn diện và căn bản giáo dục và đào tạo để Việt nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và có dũng khí chấp nhận mạo hiểm, tham dự dẫn dắt cuộc cách mạng này mà Nguyễn Hà Đông là một ví dụ điển hình.

Thứ ba, ứng dụng nhanh chóng nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng kinh tế số tạo ra để nâng cao đột suất, đột biến cho nền kinh tế như nông nhiệp số, du lịch số, giáo dục số, giao thông số, y tế số…

Thư tư, phải hỗ trợ, liên kết tạo cấu trúc cho ngành công nghiệp để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Thứ năm, phải mạnh mẽ đi vào công nghệ và công nghệ hiện đại.

 – Kinh tế số cần có nhân lực số, thưa ông?

- Trong một bài diễn văn trước các học sinh, giáo viên, doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận để tiến hành những bước đi mới và quan trọng nhằm hỗ trợ việc giảng dạy môn khoa học máy tính trong các trường học tại Mỹ, Tổng thống Obama từng nói rằng: nếu chúng ta muốn nước Mỹ dẫn đầu trong mọi lĩnh vực chúng ta cần những người trẻ phải cực kỳ giỏi sử dụng các công cụ và công nghệ, thứ sẽ thay đổi cách chúng ta làm mọi thứ.”

Làm thế nào để thanh niên Việt Nam trở thành thế hệ mới phù hợp với thế giới số? Chúng ta chưa thể đáp ứng được nhiều về thế hệ “sẵn sàng số” nhưng có thể nói rằng tương lai đây phải là những người am hiểu công nghệ, sẵn sàng nắm vững công nghệ thông tin, các công nghệ mới nhất như S.M.A.C , IoT… , phải có năng lực sáng tạo và có bản sắc của mình. Những người trung bình sẽ khó có công việc trong tương lai, chỉ có những người khác biệt mới có cơ hội.

 – Cần nhiều yếu tố để kinh tế số bứt phá như: nguồn vốn, cơ chế chính sách, nhân lực… theo ông đâu là yếu tố quyết định?

- Nếu bỏ mọi điều kiện, chỉ giữ lại một điều kiện duy nhất thì đấy là con người, rộng ra là giáo dục.

 – Vậy thông điệp ông gửi đến thế hệ trẻ là gì, đặc biệt là các thanh niên sinh viên đang có ý định khởi nghiệp?

- Thế hệ trẻ Việt Nam hãy “sẵn sàng số” để bước vào nền kinh tế số.

>> Muốn nhận lương hậu hĩnh, hãy đầu quân vào công ty công nghệ

Diễn đàn Doanh nghiệp

Ý kiến

()