Chúng ta

Chủ tịch FPT: 'Công nghiệp 4.0 thời của cá nhanh 'ăn' cá lớn

Thứ sáu, 21/7/2017 | 19:03 GMT+7

Muốn làm cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải có công ty 4.0, tức là doanh nghiệp phải đưa công nghệ vào. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp nào nhanh sẽ thành công.

Tâm điểm là "nhà máy thông minh"

“Luồng gió” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã là xu hướng hiện hữu và được dự báo có tác động sâu rộng, toàn diện trên phạm vi toàn cầu. Cuộc cách mạng này được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới và của Việt Nam trong một tương lai không xa. Tâm điểm của cuộc cách mạng này chính là các "nhà máy thông minh".

da01e0c07c48de35262c131b9752b2-3688-6327

Với cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam đứng trước thách thức robot thay thế trí tuệ con người, sản xuất quay về các nước phát triển.

Mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng sẽ có được lợi ích từ việc tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn và đặc biệt là được cá nhân hoá theo ý muốn. 

Cơ hội là vậy nhưng nếu không bắt kịp được nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn.

Trong hội thảo “Doanh nghiệp số- con đường tới cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra mới đây, ông Trần Việt Hoà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, công nghiệp 4.0 đặt ra những thách thức ở tầm quốc gia nhưng từ trước tới nay, nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào sự đóng góp của doanh nghiệp FDI lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp. 

Nguyên nhân là do xuất phát điểm của doanh nghiệp, tiềm lực cơ sở vật chất của máy móc thiết bị, cho nên nếu chuyển đối sang nhà máy thông minh thì đây là thách thức lớn nhất.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn đứng trước thách thức robot thay thế trí tuệ con người, sản xuất quay về các nước phát triển bởi thời gian qua chúng ta duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tự nhiên, gia công lắp ráp, thâm dụng lao động...

Với phương thức truyền thống là nhà máy chuyển về nơi có chi phí nhân công thấp sẽ không tồn tại. Khi đó, nền sản xuất công nghiệp cơ cấu sẽ thay đổi... nếu không có điều chỉnh phù hợp, đánh giá toàn diện về công nghiệp 4.0 Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh về lao động, thu hẹp xuất khẩu, thậm chí thị trường có thể biến mất. Do vậy, doanh nghiệp phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn về tài chính, công nghệ, ngay cả trong thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp Việt lại chưa đầy đủ. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho thấy, 55% doanh nghiệp cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động rất lớn tới doanh nghiệp song 79% doanh nghiệp chưa làm gì, chưa có sự chuẩn bị gì cho cuộc chuyển đổi này. Số doanh nghiệp còn lại đang tìm hiểu và nghiên cứu.

Không đổi mới, đột phá sẽ thua

Với những thách thức nêu trên, để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, giới chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần tạo ra động lực cho doanh nghiệp, cụ thể là mang đến các điều kiện thuận lợi cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp có thể tự tin tham gia cuộc cách mạng này. 

“Kết nối, trao đổi và chuyển giao công nghệ sẽ là phương pháp tối ưu để doanh nghiệp Việt Nam hướng đến công nghiệp 4.0”, ông Marko Walde Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức phát biểu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho hay, vấn đề quan trọng đầu tiên trong cuộc cách mạng này chính là sự chia sẻ. Muốn làm cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải có công ty 4.0. Nếu các doanh nghiệp làm phần mềm cho cách mạng công nghiệp 4.0 thì tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp có thể đạt 100%, trong khi nếu không làm thì tăng trưởng chỉ khoảng 30%. 

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cá nhanh “ăn” cá lớn trong khi trước đó là cá lớn “nuốt” cá bé. Doanh nghiệp nào nhanh sẽ thành công”, ông Bình nhận định.

Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp Đức, ông Raimund Klein, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận Nhà máy số và công nghiệp quy trình và truyền động Siemens khu vực Đông Nam Á cho biết, doanh nghiệp có thể biến mất nếu không đổi mới sáng tạo. Bởi lẽ, tốc độ đổi mới sáng tạo là nhân tố quyết định sự thành công, giúp chúng ta vượt qua trở ngại của đối thủ cạnh tranh. 

Sản phẩm ngày càng nhỏ hơn, thông minh hơn, phụ thuộc nhiều vào phần mềm, cũng như có sự kết nối, phụ thuộc nhau nhiều hơn. Mức độ tinh vi của sản phẩm ngày càng tăng, sản phẩm phải được cá nhân hoá… nếu doanh nghiệp không làm được những điều đó thì sẽ có người nào đó thay thế vị trí của chúng ta. 

“Điều này gây ra áp lực cho các doanh nghiệp công nghiệp, vì nếu không có đổi mới trên thị trường, không có sự đột phá chúng ta sẽ thua cuộc trước đối thủ cạnh tranh, sẽ “biến khỏi” thị trường”, ông Raimund Klein nói.

>> FPT Under 35 là diễn giả FORCS FinTech Conference

Hải Quan

Ý kiến

()