Chúng ta

Chủ tịch ĐH FPT: 'Trách nhiệm của ngành giáo dục không phải là làm tăng nặng hình phạt'

Thứ hai, 25/4/2016 | 18:21 GMT+7

Bình luận về quy định cấm sinh viên đăng tải, chia sẻ bài viết có nội dung, hình ảnh bạo lực, đồi trụy trên mạng Internet, TS.Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho rằng, trách nhiệm lớn nhất của ngành giáo dục là tham gia giáo dục pháp luật cho học sinh sinh viên, chứ không phải là làm tăng nặng hoặc bổ sung các hình phạt.

f1-5957-1461550866.jpg

Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT Lê Trường Tùng cho biết, ĐH FPT không ban hành quy định riêng liên quan đến việc sinh viên tham gia và thể hiện quan điểm của mình trên môi trường mạng Internet, diễn đàn, mạng xã hội. Bởi các quy định pháp lý hiện nay đã quá rõ ràng và với tư cách là một công dân, sinh viên cần hiểu biết về các quy định pháp lý để cư xử cho đúng.

Như ICTnews đã đưa tin, đầu tháng 4/2016, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã ký Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy.

Có hiệu lực từ hiệu lực từ ngày 23/5/2016, Thông tư này áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học (bao gồm cả các trường đại học, khoa thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng) trong hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy (gọi chung là cơ sở giáo dục đại học) và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Quy chế mới về công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy của Bộ GD&ĐT quy định rõ những hành vi sinh viên không được làm. Trong đó, đáng chú ý là nội dung quy định sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng ban hành kèm theo Thông tư số 10 danh sách một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật sinh viên. Theo đó, đối với hành vi vi phạm về đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet, tùy theo mức độ, sẽ áp dụng hình thức xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, sẽ giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

f2-9896-1461550867.jpg

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT.

Liên quan đến quy định nêu trên tại Quy chế mới về công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, ICTnews đã có cuộc trao đổi với TS.Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH FPT.

Theo ông việc Bộ GD&ĐT quy định cấm sinh viên đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy… liệu có quá chặt không?

Quy định của Bộ GD&ĐT hình như là nới lỏng hơn chứ không phải quá chặt. Là một công dân, sinh viên sẽ phải tuân thủ những điều cấm trong Nghị định số 72/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Trong Nghị định 72, ngoài những hành vi Bộ GD&ĐT đã nhắc tới trong Thông tư số 10, sinh viên còn bị cấm không được đưa lên mạng các thông tin mê tín dị đoan, thông tin sai lệch; không được quảng cáo mua bán hàng hóa dịch vụ cấm. Thông tư mới của Bộ bỏ qua các điều cấm này, tôi cũng không hiểu tại sao.  

Tuy nhiên, theo tôi quy định của Bộ lại làm chặt hơn rất nhiều khi quy định thêm các hình phạt bổ sung, yêu cầu các trường đại học phải kỷ luật sinh viên từ mức khiển trách đến đuổi học khi có vi phạm. Điều này là không ổn trên nhiều khía cạnh.

Thứ nhất là, cùng một hành vi (như vi phạm luật lệ giao thông), sinh viên đã bị xử lý theo quy định pháp luật lại bị xử lý lần hai từ phía trường cho chính hành vi đó. Việc xử lý phạt hai lần cho một hành vi đi ngược lại các quy định lành mạnh hiện nay đã được ghi rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác.

Thứ hai là, để làm việc này trường đại học cần phải có hội đồng kỷ luật xem xét những hành vi vi phạm pháp luật - kể cả khi những vi phạm đó không liên quan đến hoạt động dạy và học trong nhà trường. Điều này biến trường đại học thành một cơ quan tư pháp tổng hợp, vừa điều tra, vừa xét xử, lại liên quan đến các lĩnh vực vi phạm hành chính, dân sự ,hình sự, đặc có hành vi thứ 10 quy định trường phải xử lý khi sinh viên “tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật khác”.

Thứ ba là, với quy định như vậy, nếu trường lạm quyền khi thực thi như một cơ quan pháp luật thì sinh viên sẽ “lên bờ xuống ruộng”.

Và thứ tư là việc quy định trường đuổi học sinh viên khi sinh viên bị án treo - tức là khi pháp luật đã công nhận không cần cách ly sinh viên khỏi môi trường xã hội - là thiếu tính nhân văn. Tôi nghĩ rằng Bộ GD&ĐT quy định là thế nhưng chẳng trường nào đủ nguồn lực để thực hiện quy định nghiêm túc và nghiêm trọng này.    

Là một trường có thế mạnh về CNTT, ĐH FPT có quy định gì về việc sinh viên tham gia và thể hiện quan điểm của mình trên môi trường mạng Internet, diễn đàn, mạng xã hội hay không, thưa ông?

Chúng tôi không ban hành quy định riêng, vì các quy định pháp lý hiện nay đã quá rõ ràng và với tư cách là một công dân, sinh viên cần hiểu biết về các quy định pháp lý để cư xử cho đúng. Trách nhiệm của trường là tham gia phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cho sinh viên "sống theo pháp luật".  

Trường ĐH FPT có thể “hiến kế” với Bộ GD&ĐT về cách thức để hướng dẫn học sinh, sinh viên có ứng xử phù hợp trên môi trường mạng?

Giáo dục cách thức ứng xử phù hợp cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm chung của cả gia đình, xã hội, không chỉ là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và các trường. Trong việc này trách nhiệm lớn nhất của ngành giáo dục là tham gia giáo dục pháp luật của học sinh sinh viên, chứ không phải là làm tăng nặng hoặc bổ sung các hình phạt.

Xin cảm ơn ông!

>> Nhân dân cần gì?

ICTNews

Ý kiến

()