Chúng ta

Chủ tịch Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thu hút đầu tư CNTT

Chủ nhật, 9/4/2017 | 10:18 GMT+7

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đánh giá cao vai trò đầu tàu của FPT trong lĩnh vực CNTT và cam kết "cải thiện môi trường đầu tư, đón đầu làn sóng nước ngoài", để tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư. 

"Nhân lực là nền tảng có yếu tố quyết định đến sự phát triển lâu dài của công nghiệp CNTT. Đà Nẵng có ưu điểm là thành phố động lực của miền Trung. Là cực thu hút đáng kể nhân lực CNTT từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là miền Trung về làm việc tại thành phố. Nhưng so với nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghiệp CNTT thì nguồn nhân lực tại thành phố vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng", Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng ngày 6/4.

3-1486462513-660x0_1491555671.jpg

Trong chuyến thăm đầu năm, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ mong muốn FPT sẽ gắn kết lâu dài và đồng hành với sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Hiện nguồn nhân lực CNTT của thành phố ước đạt 20.000 người, chủ yếu được đào tạo ở các cơ sở trên địa bàn như: Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Duy Tân, Đại học FPT, Cao đẳng CNTT… Riêng FPT Software Đà Nẵng có hơn 2.000 nhân sự. Nhu cầu tuyển dụng trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 của FPT Software Đà Nẵng trung bình từ 800 đến 2.000 người mỗi năm. 

"So với nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghiệp CNTT thì nguồn nhân lực tại thành phố vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Sinh viên ra trường chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng về công nghệ, ngoại ngữ, và kỹ năng mềm để hội nhập với môi trường CNTT quốc tế. Hạn chế về nguồn nhân lực dẫn đến nhiều doanh nghiệp đắn đo khi quyết định đầu tư vào Đà Nẵng", ông Thơ thừa nhận.

Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng, ngoài nguồn nhân lực thì việc chậm trong công tác triển khai, hoàn thiện các khu CNTT tập trung cũng là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT. "Ngoại trừ Khu Công viên phần mềm số 1 và FPT Complex, thì các dự án khác của thành phố hiện chưa được triển khai như kế hoạch".

Để giải quyết hai thực trạng trên, tại nghị quyết Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI đã tiếp tục xác định phát triển công nghiệp CNTT, công nghệ cao là "một trong 3 nhóm giải pháp đột phá để phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020"; năm 2014 UBND thành phố ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án Phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng" giai đoạn 2015-2020. 

"Phát triển hạ tầng công nghiệp CNTT và Truyền thông được thành phố xác định là nhiệm vụ gắn liền với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp CNTT và thu hút được nhiều doanh nghiệp CNTT. Do vậy, vấn đề mặt bằng, không gian làm việc dành cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CNTT nói riêng đều là bài toán cần giải quyết ở mọi thời điểm. Để cải thiện môi trường đầu tư, đón đầu làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hoa Kỳ… vào Việt Nam cũng như Đà Nẵng...", ông Thơ khẳng định.

Ông Thơ cũng đánh giá cao Tòa nhà FPT tại Khu Công nghiệp An Đồn, FPT Complex và Công viên Phần mềm Đà Nẵng khi đóng góp lớn cho sự phát triển CNTT của thành phố. Nhưng tái khẳng định chính quyền thành phố cần nhanh chóng hoàn thành xây dựng Khu CNTT Đà Nẵng; Đẩy nhanh thủ tục lựa chọn, giao đất hoặc thuê đất theo đúng quy định để xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2; Mở rộng Công viên phần mềm Đà Nẵng số 1; Triển khai, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 2 của FPT Complex...

11-1487222949-660x0.jpg

Ông Nguyễn Quang Thanh, GĐ Sở Thông tin Truyền thông TP Đà Nẵng, và anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Đại học FUNiX, rót champagne chúc mừng mô hình đào tạo mới giúp sinh viên tiết kiệm thời gian, chi phí và có việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học. Điều này thỏa mãn mong ước của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ là biến "chú bé chăn bò cũng có thể trở thành kỹ sư công nghệ".

Điểm nhấn của mô hình đào tạo là giúp sinh viên "Tập trung học - Sớm đi làm - Tự hoàn thiện", để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao hiện nay. Sinh viên hoàn thành 4 học kỳ sẽ được công nhận trình độ tương đương cấp bậc nhân viên đầu vào - Fresher - FPT Software, và được nhận chứng chỉ "Junior SE" do ĐH FPT Đà Nẵng và FPT Software Đà Nẵng đồng chứng nhận.

Theo báo cáo Vietnam ICT Index 2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Tin học Việt Nam công bố cuối tháng 3, chỉ số ICT Index của Đà Nẵng là 0,8321 điểm, bỏ khá xa vị trí thứ hai của Hà Nội với 0,6705 điểm. Ở vị trí thứ ba là TP HCM với 0,6456 điểm, tụt một hạng so với năm 2015. Vị trí thứ tư và năm thuộc về Quảng Ninh và Thừa Thiên - Huế. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Đà Nẵng đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Đà Nẵng cũng đã “tự phá kỷ lục” 3 năm liên tiếp do chính mình lập nên khi xác lập kỷ lục mới 4 năm liên tiếp đứng ở vị trí quán quân về “Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh/thành” trên cả nước (2013-2016). Đây là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Đà Nẵng hiện có gần 700 doanh nghiệp CNTT đầu tư, phát triển với nhiều dịch vụ khác nhau. Toàn thành phố có 6 khu CNTT tập trung, bao gồm: Khu công viên phần mềm số 1, Tòa nhà FPT Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung số 1, Khu CNTT tập trung số 2, Khu công viên phần mềm số 2, Khu đô thị công nghệ FPT. Doanh thu giữ được tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm từ 25 đến 30%. Riêng năm 2016 đạt 12.035 tỷ đồng, nộp ngân sách 114.8 tỷ đồng. Đà Nẵng trở thành một địa chỉ đầu tư, kinh doanh đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT. Thành phố cũng đang đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao với tổng diện tích 1.129 ha tại Hòa Liên, huyện Hòa Vang, với tổng đầu tư 8.842 tỷ đồng. Đây là khu công nghệ cao thứ ba của cả nước, sau Hà Nội và TP HCM.

Thành tích của Đà Nẵng có đóng góp rất lớn từ FPT. Đơn cử, FPT hiện là công ty CNTT có quy mô lớn nhất Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu phần mềm của toàn thành phố đạt 58 triệu USD, trong đó riêng FPT chiếm tới hơn 55%. FPT đã góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm; giải quyết 2.000 việc làm trong lĩnh vực CNTT năm 2016. Bên cạnh đó, FPT cũng góp phần đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung và Đà Nẵng. Năm 2016, đơn vị đã khánh thành công trình FPT Complex, tọa lạc ở quận Ngũ Hành Sơn, dự án giai đoạn một đáp ứng nơi làm việc cho 3.200 người và hoàn thiện vào năm 2020 với sức chứa 10.000 người. Để đáp ứng mục tiêu 10.000 người và 300 triệu USD doanh thu vào năm 2020, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển trung bình từ 800 đến 2.000 người mỗi năm.

>> Doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng 'khát' trăm bề

ICT Đà Nẵng

Ý kiến

()