Chúng ta

Chàng giám đốc ‘học việc’ và khát vọng làm giàu

Thứ hai, 17/8/2015 | 09:23 GMT+7

23 tuổi, chàng trai Phùng Văn Tiến đã đảm nhiệm vị trí Giám đốc một chuỗi siêu thị – nhà hàng - dịch vụ. Dù ở cương vị quản lý tới hơn 300 nhân viên, nhưng Tiến vẫn luôn tâm niệm mình đang trong quá trình “học việc”, và cậu sẽ nỗ lực hết sức để theo đuổi khát vọng làm giàu cho doanh nghiệp mình. 

Ngay từ thời phổ thông và sau đó là lựa chọn theo học ngành Kinh tế tại Đai học FPT, Phùng Văn Tiến đã xác định mục tiêu học tập là để trở về tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Chuỗi siêu thị – nhà hàng do bố mẹ Tiến gây dựng là tài sản lớn nhất cuộc đời họ, và cả hai người đều muốn giao lại cho con trai với điều kiện cậu phải thể hiện được mình hoàn toàn yêu thích và xứng đáng với điều đó.

Những bài học quý của “thiếu gia”

Đam mê kinh doanh từ nhỏ, cộng thêm sự ủng hộ của bố mẹ nên Tiến làm quen với công việc kinh doanh từ rất sớm. “Từ hồi cấp 1 mình đã học bán hàng, và là một nhân viên bán hàng “đắc lực” của bố mẹ. Sở thích kinh doanh, bán hàng đã “ăn” vào máu từ bao giờ”, chàng cựu sinh viên FPT bật mí.

Khi đi học đại học, cậu rất chịu khó theo dõi các ví dụ thực tế mà thầy cô đưa ra, hoặc chủ động nêu lên những vấn đề có thật trong việc kinh doanh của công ty nhờ thầy cô giải đáp. Tiến thường xuyên mang những kiến thức được học ở trường về chia sẻ với bố mẹ, để có thể áp dụng vào việc điều hành, quản lý công ty. Chu đáo hơn, Tiến còn tìm hiểu những khóa học, những chương trình đào tạo để “hai nhà quản lý của gia đình” cùng theo học. “Những gì được học ở trường thực sự hữu ích với mình. Không chỉ kiến thức kinh doanh, những bài học kỹ năng sống, kinh nghiệm, chỉ dẫn mà thầy cô trao truyền cũng khiến mình trưởng thành lên nhiều. Đồng thời, mình cũng nhận được sự khích lệ lớn lao của bố mẹ để tích cực theo đuổi sự nghiệp kinh doanh”, Tiến nói.

Tiến (thứ 3 từ phải sang trái) rạng rỡ trong ngày tốt nghiệp đại học.

Tiến (thứ 3 từ phải sang) rạng rỡ trong ngày tốt nghiệp đại học.

Bên cạnh đó, cậu cũng trải nghiệm việc kinh doanh riêng trong một lĩnh vực hoàn toàn không liên quan gì đến sự nghiệp của gia đình nhằm tích lũy kinh nghiệm và thử thách bản thân. Tuy chưa thành công như mong muốn nhưng thương vụ này đã cho Tiến bài học quý giá, ấy là cần phải học hỏi thật nhiều trước khi “làm thật”.

Bởi thế, năm thứ 3 đại học, khi bước vào kỳ thực tập tại doanh nghiệp, Tiến trực tiếp vào làm tại công ty gia đình và hăm hở học hỏi mọi thứ. Mang tiếng là “thiếu gia”, nhưng ngoài việc được các “sếp” ưu ái cho tham gia nhiều phần việc kinh doanh, trải nghiệm nhiều vị trí, Tiến cũng phải lao động không khác gì những nhân viên thực tập khác, thậm chí còn có phần vất vả hơn. Cậu bắt đầu từ những vị trí thấp nhất trong công ty như nhân viên phục vụ, nhân viên kinh doanh, bán hàng rồi tổ chức sự kiện.

Trong suốt hơn bốn tháng thực tập thì có tới hai tháng Tiến ở vị trí nhân viên bán hàng, cả ngày đứng đến mỏi nhừ chân, mặt lúc nào cũng phải tươi cười rạng rỡ, liên tục nói chuyện, giới thiệu hàng với khách. Hầu như ngày nào trở về nhà sau giờ làm, “cậu chủ trẻ” cũng mệt rã rời và đau họng vì nói quá nhiều. Hai tháng còn lại, Tiến theo chân các đàn anh đi tổ chức sự kiện, giới thiệu sản phẩm. Địa bàn kinh doanh do nhóm cậu phụ trách đợt ấy ở Yên Bái nên Tiến phải di chuyển liên tục và làm việc với cường độ rất cao. Gặp gỡ nhiều “ca khó” với những yêu cầu oái oăm của khách hàng mà vẫn buộc phải nhũn nhặn, ân cần, đôi khi phải chịu cảm giác bị xem nhẹ, coi thường, Tiến đã dần học được những bài học quý giá cho riêng mình.

“Cùng thời điểm ấy, công ty mình cũng có một bạn khác đến thực tập. Trong khi cậu ấy rất ung dung với phần việc tương đối vừa sức thì mình lại “cày như trâu” hết việc nọ đến việc kia. Nghĩ lại giai đoạn đó, mình cũng khâm phục bản thân vì khả năng chịu áp lực và thích ứng với công việc”, Tiến nhớ lại.

Là giám đốc vẫn phải đi “học việc”

Vượt qua những khó khăn ấy, Tiến quay về trường, hoàn thành chương trình đại học rồi bước vào một giai đoạn mới – chứng minh năng lực của mình trước khi được chính thức tiếp nhận vị trí Giám đốc. Cậu thành thật chia sẻ, bản thân cũng phải học, phải làm “trầy vi tróc vảy” mới vượt qua những thử thách, những bài kiểm tra ngặt nghèo mà gia đình đặt ra.

“Giờ đây, tuy đã là giám đốc nhưng mình vẫn tự nhủ còn phải “học việc” dài lâu. Học từ bố mẹ, từ những người đi trước, từ các đồng nghiệp lớn tuổi, từ mỗi nhân viên trong công ty”, Phùng Văn Tiến cho hay.

Phùng Văn Tiến và em gái trong Lễ Tốt nghiệp đợt 2/2015 ngày 9/8 của Trường Đại học FPT.

Phùng Văn Tiến và em gái trong lễ tốt nghiệp đợt 2/2015 của Đại học FPT.

Xác định gia đình mình không thuộc “hạng siêu giàu”, bản thân không có thời gian để uổng phí vào việc vui chơi hay những thử nghiệm kinh doanh thất bại, nên Tiến luôn tự nhủ phải chăm chỉ và chịu khó học hỏi. Cậu tâm niệm, kiến thức không tự nhiên có được, mà phải chịu khó lắng nghe, cân nhắc cùng với sự nhạy bén của bản thân. Phương châm của cậu trong bất kì việc gì cũng là “để người khác nói trước, mình lắng nghe và lên tiếng sau”.

“Là con trai “ông chủ” nên bản thân mình có những áp lực riêng, từ kỳ vọng của gia đình đến những đánh giá của mọi người xung quanh.Vì vậy mình phải cố gắng làm tốt, thể hiện tác phong xứng đáng với vị trí mình đảm nhiệm, và nhất là lèo lái công ty sao cho không uổng sự kỳ vọng của gia đình”, Tiến bộc bạch.

Sau một thời gian ngắn tiếp quản công ty, Tiến đã có một vài thương vụ thành công cùng nhiều quyết định hiệu quả giúp đẩy mạnh công việc kinh doanh. Với anh chàng giám đốc trẻ tuổi này, những thành quả nho nhỏ như thế chính là động lực để Tiến tiếp tục trau dồi, học hỏi, nuôi dưỡng khát vọng bước tới thành công trên chính đôi chân của mình.

Sinh viên Việt Nam

Ý kiến

()