Chúng ta

CEO FPT: 'Vietcombank và FPT triển khai chính phủ số, ngân hàng số cho người dân Quảng Ninh'

Thứ ba, 30/10/2018 | 20:02 GMT+7

Ngày 29/10, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT và Ngân hàng Vietcombank về việc Cung cấp dịch vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

2-dt0011-YHJI-4035-1540888341.jpg

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết, Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất có hệ thống Chính quyền điện tử kết nối xuyên suốt 3 cấp tỉnh, quận/huyện, xã/phường.

Theo thỏa thuận hợp tác, FPT sẽ chịu trách nhiệm kết nối, tích hợp hệ thống thanh toán của Vietcombank với hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh; Đảm bảo chất lượng kết nối ổn định cũng như bảo mật cho các cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính và thanh toán điện tử tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Việc tích hợp hệ thống thanh toán sẽ giúp Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT nhấn mạnh: “Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất có hệ thống Chính quyền điện tử kết nối xuyên suốt 3 cấp tỉnh, quận/huyện, xã/phường. Vietcombank là ngân hàng đứng đầu Việt Nam về nhiều tiêu chí, đã cùng đồng hành với FPT qua hơn 20 năm trong việc đưa ứng dụng CNTT vào lĩnh vực ngân hàng. Việc hợp tác giữa Quảng Ninh - Vietcombank - FPT là sự hợp lực giữa ba đơn vị có thương hiệu, uy tín để cùng hướng tới mục tiêu chung là đẩy mạnh quá trình xây dựng và triển khai chính phủ số, mang các tiện ích của ngân hàng số tới công dân, doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh cũng như các địa phương khác trên cả nước”. 

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Đề án Chính quyền điện tử Quảng Ninh đã triển khai thành công giai đoạn 1 và đang chuẩn bị bước sang giai đoạn 2. Toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm hành chính công cấp Tỉnh, 14 trung tâm hành chính công cấp huyện, 186 điểm nhận trả kết quả cấp xã phường, quá trình giao dịch các dịch vụ hành chính công liên quan tới vấn đề phí, lệ phí nhưng hoạt động này vẫn phải thực hiện theo phương thức truyền thống là nộp tiền mặt, chưa thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

“Thông qua sự đề xuất của FPT và Vietcombank, Quảng Ninh quyết định đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên theo mô hình: tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo tất cả đơn vị tham gia chương trình thanh toán điện tử, FPT chịu trách nhiệm tích hợp và đảm bảo kết nối hệ thống Chính quyền điện tử với hệ thống thanh toán, Vietcombank cung ứng dịch vụ thanh toán cho các bên có nhu cầu. Việc hợp tác với các đơn vị lớn, được chọn lọc theo mô hình này sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn như kinh nghiệm đã triển khai đề án Chính quyền điện tử, Quảng Ninh chỉ lựa chọn FPT là nhà thầu duy nhất và vẫn đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian dài”, ông Hậu nhấn mạnh.

Đề án Chính quyền điện tử được tỉnh Quảng Ninh xây dựng từ năm 2013 và FPT là đơn vị triển khai. Đến nay, Quảng Ninh đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Năm 2017, Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index. Hiện đã có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử; trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng (3 năm); tiết kiệm 1 năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản 1 năm gần 15 tỷ đồng. Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600 ngàn hồ sơ được giải quyết/năm, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình 1 năm trên 70 tỷ đồng.

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại tối thiểu 01 lần/giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

>> FPT IS giúp Đường sắt quản trị vận tải qua mạng

ICT News

Ý kiến

()