Chúng ta

CEO FPT Software: 'Khi nào nước đến chân, chuyển đổi số Việt Nam mới nhảy'

Thứ tư, 6/2/2019 | 16:32 GMT+7

Anh Phạm Minh Tuấn dẫn ví dụ với các hãng taxi lớn của Việt Nam như Mai Linh hay Vinasun, họ biết mình sẽ phải thay đổi và cũng có kế hoạch làm nhưng chỉ khi có yếu tố cạnh tranh bên ngoài đủ lớn, quá trình này mới diễn ra nhanh hơn rất nhiều.

Theo dự báo của IDC (Worldwide Digital Transfor-mation 2018 Predictions), năm 2019, chi tiêu cho chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ đạt 1.700 tỷ USD, trong đó 35% các nhà sản xuất lớn trên thế giới sẽ ứng dụng các giải pháp phần mềm cho sản xuất thông minh để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

banner-6161-1549445266.jpg

CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn.

Phóng viên đã có buổi trò chuyện với anh Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc (CEO) FPT Software để làm rõ hơn quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam cũng như trên thế giới, khi mà 10 năm tới, FPT đặt mục tiêu sẽ là một tên tuổi lớn về chuyển đổi số.

- Từ 1 đơn vị làm dịch vụ uỷ thác phần mềm, bắt đầu khi nào FPT Software quyết định phải thay đổi để thoát xác gia công chuyển sang tư vấn, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, thưa anh?

- Chính xác hơn phải dùng từ lột xác bởi vì bản chất chúng tôi phát triển cân bằng hơn, sẽ chuyển dịch từ vai trò thụ động sang chủ động trong sân chơi CNTT.

Cách đây 10 năm, FPT Software đã nói chuyện “move up value change”, làm những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị phần mềm như tư vấn, thiết kế, phân tích giải pháp thay vì chỉ làm những công đoạn đơn giản như lập trình, kiểm thử, bảo trì. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra khá chậm vì nhiều lý do khác nhau.

Từ giữa năm 2018, chúng tôi quyết định phải thay đổi mạnh mẽ, nhanh hơn nữa bằng việc thành lập các đơn vị có năng lực chuyên sâu theo từng lĩnh vực như Manufacturing (Sản xuất), Healthcare (Sức khỏe), Finance (Tài chính), Logistic (Giao vận), Energy (Năng lượng). Cần có những nhân tố mới với những mã gen mới để giúp công ty phát triển theo chiều sâu. Và M&A đang là một trong những con đường nhanh nhất để chúng tôi bổ sung những nhân tố này. Đây cũng là lộ trình để thay đổi FPT Software từ nhà cung cấp các dịch vụ đại trà sang cung cấp các dịch vụ chuyên sâu, trong đó chuyển đổi số là một mũi nhọn quan trọng.

CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn kể lại về mối tình "sét đánh " với Intellinet:

- Thưa anh, nếu không lột xác, vẫn chỉ là một đơn vị gia công phần mềm, số phận FPT Software sẽ như thế nào trong 3-5 năm tới hay xa hơn?

- Từ gia công không mô tả chính xác lắm bản chất hoạt động kinh doanh của FPT Software vì chúng tôi vẫn có rất nhiều đất để sáng tạo trong từng dự án. Tuy nhiên chuỗi giá trị phần mềm có nhiều công đoạn, từ thấp đến cao, nếu chỉ làm ở những công đoạn thấp như lập trình, kiểm thử, công đoạn mà rất nhiều công ty làm được hay trong tương lai máy móc có thể thay thế được thì khó có thể tồn tại. Hiện nay có nhiều công đoạn thấp đã có sự tham gia của các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Myanmar với chi phí rất cạnh tranh.

x1-2407-1549445266.png
 

Thêm vào đó, với mặt bằng lương CNTT của Việt Nam tăng rất nhanh theo từng năm, nếu chỉ đảm nhiệm những công việc đơn giản của chuỗi giá trị phần mềm, sẽ không thể duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty. Theo tính toán, nếu tiếp tục duy trì tỷ lệ 80% số lượng dự án là các dự án nhỏ hoặc làm những công việc đơn giản thì trong khoảng 3 năm nữa công ty sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Vì vậy, FPT Software buộc phải chuyển đổi, làm những công việc cao cấp hơn, chuyên sâu hơn. Điều này đòi hỏi phải có “nghề”, có số “giờ bay” nhất định mới thực hiện được. Tương lai, FPT Software sẽ tăng tỷ lệ nhận các dự án trọn gói, trở thành “tổng thầu” của các dự án lớn cho khách hàng của mình. Thay vì như trước, FPT Software luôn tự hào việc gì mình cũng làm được, thì giờ chúng tôi sẽ tập trung vào những việc mà mình có thể làm giỏi nhất hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi năng suất lao động trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa FPT Software sẽ không làm các dự án nhỏ, các công việc cơ bản. Bời vì, các dự án nhỏ sẽ là cơ hội để lấp khoảng trống nhân sự giữa các dự án lớn cũng như để đào tạo cho những nhân sự mới.  FPT Software sẽ duy trì tỷ lệ 80-20, trong đó 80% là các dự án chuyên sâu, các dự án lớn, các dự án ưu tiên theo định hướng phát triển lâu dài của công ty, 20% là các dự án nhỏ lẻ.

- Được biết, trong năm nay, FPT Software đã có sự tái cơ cấu để thích nghi với việc chuyển đổi. Vậy bộ máy của FPT Software đã có những sự thay đổi nào đáng chú ý, để tăng tính chuyên nghiệp của mình?

- FPT Software đang có những sự chuyển dịch lớn, đầu tiên là về nhận thức, từ việc đi bán dựa trên man month (công sức lao động) sang bán dựa trên giá trị mình đem lại cho khách hàng.

Tiếp theo, trước kia, FPT Software thường làm các công đoạn thấp của chuỗi giá trị phần mềm nên làm gì cũng phải phụ thuộc các đơn vị tư vấn, giải pháp. Bây giờ, chúng tôi đã có các dự án trọn gói, chủ động đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng. Chúng tôi đã có những dự án phần mềm có quy mô hàng chục triệu USD, thậm chí là trên 100 triệu USD trong năm vừa qua.

x6-9111-1549445266.jpg

Buổi ký kết diễn ra ngày 4/10/2018, tại trụ sở chính của Shinhan ở Seoul. Theo đó, hai bên sẽ cùng phát triển và triển khai các giải pháp CNTT trong ngành tài chính như ngân hàng số, Fin-tech…

Cuối cùng, FPT Software chuyển từ một đơn vị “cái gì cũng làm” sang chuyên môn hóa, chỉ tập trung làm cái gì mình giỏi nhất. Để làm được điều này, FPT Software đang thay đổi bộ máy để thực hiện nhiệm vụ này. Thay vì trước kia chỉ lập các bộ phận theo thị trường thì hiện nay đã có những những đơn vị theo lĩnh vực chuyên ngành như sản xuất, tài chính, chăm sóc sức khỏe, giao vận, hàng không, năng lượng… hay một kĩ năng đặc biệt nào đó để thực sự khác biệt trên thị trường như tư vấn chuyển đổi số, phần mềm nhúng, phần mềm cho các thiết bị thông minh, phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây, kiểm thử độc lập,…

- Được biết, các hợp đồng cung cấp giải pháp chuyển đổi số của FPT Software với các công ty lớn trên thế giới liên tục được kí kết trong năm 2018. Nhưng quá trình lột xác này đã bắt đầu từ vài năm trước, vậy trong quãng thời gian đó, FPT Software đã gặp những khó khăn nào để nhận được cái gật đầu của đối tác?

- Thị trường thế giới cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự xuất hiện của những công ty Internet, những công ty kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới như Uber, Grab, Alibaba, Amazon… Cán cân quyền lực thay đổi rất nhanh. Điều này đòi hỏi các tập đoàn lớn từng rất thành công trong quá khứ cần phải chuyển mình với tốc độ gấp gáp hơn bao giờ hết. Các công ty này rất cần đến những đối tác như FPT Software để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm tránh bị hụt hơi trong vài năm tới. Thách thức lớn nhất để nhận được các dự án lớn là hiểu biết nghiệp vụ kinh doanh, hiểu biết bài toán, những khó khăn thực tế mà khách hàng kỳ vọng quá trình chuyển đổi số có thể giúp họ giải quyết được triệt để.

Với quy mô nguồn lực hàng chục nghìn người hiện diện trên nhiều quốc gia, kinh nghiệm chuyển đổi số cho gần 100 công ty Fortune 500 trên thế giới trong khoảng 3 năm vừa qua, vị thế của FPT Software đang ngày càng tốt hơn nhiều trong việc cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho các tập đoàn lớn trên toàn thế giới. Năm 2018 FPT Software tăng trưởng hơn 100% doanh thu đến từ dịch vụ chuyển đổi số.

FPT cũng như FPT Software sẽ làm gương đi đầu trong việc chuyển đổi số để doanh nghiệp khác có sự thay đổi. Quyết tâm của lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số

- Từ kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài chuyển đổi số, anh đánh giá như thế nào về tiến trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại Việt Nam?

- Việt Nam có rất nhiều tham vọng trong việc chuyển đổi số, nhưng quá trình diễn ra tương đối chậm. Tại Việt Nam việc chia sẻ và khai thác dữ liệu vẫn còn nhiều thách thức. Vì thế, Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thừa dữ liệu nhưng thiếu thông tin”.

x7-8657-1549445266.jpg
 

Khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp Việt chưa có niềm tin tuyệt đối hoặc chưa bị dồn vào chân tường để có những hành động quyết liệt trong việc chuyển đổi số. Các đơn vị này vẫn trong trạng thái vừa làm vừa quan sát xem các công ty khác làm như thế nào. Họ trông đợi có thể nhìn thấy được các ví dụ thành công trên thị trường.

- Hiện đã có doanh nghiệp nào ở Việt Nam nào khiến ông ấn tượng về quá trình chuyển đổi số hay chưa? Vì sao?

- Tôi ấn tượng với những công ty mới kinh doanh trên nền tảng Internet như Grab, Uber, DeliveryNow... Còn doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi số thì chưa thực sự ấn tượng.

Hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam mới chỉ làm thử chuyển đổi số một khâu nào đó trong cả quy trình vận hành của mình, chưa làm đến phần lõi trong hoạt động của mình. Tôi đánh giá cao một số dịch vụ đã có sự chuyển đổi tốt như việc mua vé tàu qua mạng, dịch vụ công trực tuyến, khám bệnh từ xa…, đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi đáng kể.

- Nhiều ý kiến cho rằng, nếu số hoá nhưng người vận hành nó chưa phát huy được tối đa các tiện ích và ứng dụng thì chưa thể gọi là chuyển đổi số. Điều này tương tự như việc dù chúng ta sở hữu smartphone nhưng lại không dùng hết được chức năng của nó. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

Tôi đồng ý với ý kiến này, việc chuyển đổi số phải đến từ nhận thức, thay đổi tư duy của con người. Nó luôn luôn phải đi trước, vì công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ. Số hóa chỉ là bước khởi đầu của hoạt động chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải gắn liền với việc khai thác dữ liệu lớn, liên tục, gần như tức thời dựa trên nền tảng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn…

Ở Việt Nam, tôi thấy nhiều cơ quan nhà nước có đủ điều kiện để thực hiện chuyển đổi số khi họ đang sở hữu rất nhiều dữ liệu có giá trị, nếu chuyển đổi thành công thì hiệu quả hoạt động tăng lên gấp nhiều lần như y tế, bảo hiểm, thuế, hải quan, đất đai… Chuyển đổi số sẽ vừa giúp giải quyết được việc nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời nhanh chóng phát hiện các sai phạm trục lợi, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

- Với việc Việt Nam kí kết rất nhiều hiệp định thương mại và sự bùng nổ của các công ty công nghệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì để không bị sụp đổ, thưa anh?

- Câu chuyện vẫn là “sẽ bị”, nghĩa là còn ở thời tương lai, chứ không bị tác động đủ lớn ngay vào thời điểm hiện tại nên nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ còn nhiều thời gian. Họ biết chuyển đổi số là có lợi cho mình, nhưng ngại đi đầu, tâm lý chờ đợi doanh nghiệp khác thành công rồi đi theo học hỏi

Tôi cho rằng, đúng là các công ty truyền thống sẽ không sụp đổ ngay ngày mai nhưng cũng không cần chờ đến các tập đoàn lớn của nước ngoài, mà chính các công ty Internet mới thành lập sẽ đánh bại họ. Điều này sẽ đến ngay cả với những ngành lâu đời như Ngân hàng, Vận tải…

Một ví dụ với các hãng taxi lớn của Việt Nam như Mai Linh hay Vinasun, không phải các đơn vị này phải chờ đến lúc có Grab, Uber mới bắt đầu có sự đầu tư lớn để làm ứng dụng, làm taxi công nghệ. Họ biết mình sẽ phải thay đổi và cũng có kế hoạch làm nhưng chỉ khi có yếu tố cạnh tranh bên ngoài đủ lớn, quá trình này mới diễn ra nhanh hơn rất nhiều.

Nếu nghĩ còn 5-10 năm tới mới phải chuyển đổi thì các doanh nghiệp Việt Nam cứ từ từ thực hiện, chỉ khi nào “nước đến chân”, để “ngập” thêm là chết thì mới bắt đầu “nhẩy”. Thói quen này ăn sâu vào suy nghĩ và rất khó thay đổi.

Vì thế, bên cạnh lý do đảm bảo sự trường tồn, các doanh nghiệp công nghệ lớn với hàng nghìn nhân sự như FPT, Viettel phải làm gương, đi đầu trong việc chuyển đổi số để doanh nghiệp khác có sự thay đổi.

Chúng tôi ra nước ngoài và học được rất nhiều câu chuyện thật của rất nhiều doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số và gặp những khó khăn như thế nào trong quá trình đó. Tôi cho rằng, công nghệ mới chỉ là một phần của quá trình chuyển đổi số, quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của lãnh đạo, của việc tổ chức bộ máy, nhân sự, vận hành ra làm sao để phù hợp với quá tình thay đổi. Những kinh nghiệm khi chuyển đổi số của chính FPT Software cũng chính là bài học để chúng tôi tư vấn, triển khai cho các khách hàng trong tương lai.

>> Chủ tịch FPT Software: 'Chúng tôi làm những việc cả thế giới còn đang lúng túng'

ICT News

Ý kiến

()