Chúng ta

Cáp quang lên ngôi, đẩy ADSL trước nguy cơ gặp khó

Thứ hai, 27/7/2015 | 10:35 GMT+7

Tuy vẫn còn hữu ích và sử dụng được, nhưng ADSL đang dần tỏ ra nhiều yếu thế trước cáp quang và đứng trước nguy cơ “khai tử”, trong một tương lai gần.

Được khai thác và sử dụng ở Việt Nam từ năm 2003, ADSL đã có thời làm mưa, làm gió khi đem lại một nguồn sinh khí mới, thay thế cho kết nối Dial-up chậm chạp, tuy nhiên, thời gian tồn tại của ADSL đã là khá dài, đủ để thay thế bằng một hình thức công nghệ có nhiều ưu điểm hơn, cả nhà mạng và người dùng đều nhận thấy điều đó.

DSC-1646-1-6308-1437962928.jpg

Các nhân viên kỹ thuật của FPT Telecom thu gom cáp trong chiến dịch quang hóa. Ảnh: V.N.

Theo số thống kê mới đây, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2015, VNPT mất đến 37.000 thuê bao Internet cáp đồng (ADSL), trong số này, một số thuê bao chuyển sang mạng khác, một số chuyển từ cáp đồng sang cáp quang (FTTH), số liệu này phần nào cũng thể hiện xu thế dịch chuyển của phương thức kết nối mạng Internet hiện nay. Ông Đỗ Minh Phương, TGĐ Viettel Telecom cho biết, trong thời gian vừa qua, Viettel đã nhanh chóng chuyển cho khách hàng từ dịch vụ ADSL sang dịch vụ cáp quang. Ông Phương khẳng định, cáp quang là xu thế nên Viettel phải nhanh chóng thay thế và đưa dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. 

Là một trong những nhà mạng lớn, cung cấp dịch vụ Internet (ISP), hiện tại NetNam chỉ cung cấp dịch vụ Internet FTTH, ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc công ty Netnam, cho biết: “NetNam xác định mảng khách hàng các hộ gia đình là thị trường của những nhà viễn thông lớn như VNPT, Viettel. Do đó, NetNam chỉ tập trung vào tập khách hàng doanh nghiệp, tổ chức, những nơi mà chất lượng dịch vụ, độ ổn định và các dịch vụ, giải pháp đi kèm là những yếu tố quan trọng hơn giá cả”.

Theo ông Bình, hiện số lượng khách hàng của NetNam khoảng 30.000 thuê bao và tăng trưởng ổn định 20%/năm. Nhìn nhận về tương lai của ADSL trong thời gian tới, ông nói: “Tôi cho rằng sự phát triển công nghệ tạo ra sự thay đổi là tất yếu. Ngày hôm nay là cáp đồng ADSL, ngày hôm sau là cáp quang FTTH, sau nữa có thể có công nghệ khác thay thế (như 4G hay 5G chẳng hạn). Xu hướng các công nghệ cũ bị thay thế bằng các công nghệ mới cũng là chuyện bình thường. Ở Việt Nam, tôi cho rằng ADSL còn tồn tại một thời gian nữa, dựa trên các mạng điện thoại cố định của các nhà mạng điện thoại cố định, và ở những vùng sâu vùng xa, khi cáp quang chưa phủ tới được. Tuy nhiên,chắc chắn xu hướng càng ngày càng giảm, và biến mất như dịch vụ Dial-up mấy năm trước.

Cách đây vài năm, khi "kết liễu" Dial-up, FPT từng so sánh việc, một khi đã đi ô tô rồi chẳng ai còn muốn đi xe đạp nữa. Tuy nhiên, hiện tại chiếc ô tô ngày nào tuy vẫn còn hữu dụng, nhưng đã dần trở nên lỗi thời và đang đứng trước đòi hỏi phải thay thế, để đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Khác với NetNam, đối tượng khách hàng của FPT khá rộng và hiện đang cung cấp cho khách hàng cả hai dịch vụ là ADSL và FTTH, nhà mạng này cho rằng, FPT đã tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ cáp quang đầu tiên tại Việt Nam, từ những năm 2007 - 2008, ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom cho biết: “Hiện nay, FPT Telecom đã cung cấp gần 100% dịch vụ Internet cáp quang cho khách hàng tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương, đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốc độ siêu cao có thể tới 100Mbps và hơn thế”.

Tuy vậy, FPT hiện chưa đưa ra thông tin nào về việc sẽ thay thế hoàn toàn ADSL bằng FTTH hoặc các phương thức kết nối khác, ông Kiên cho hay: “việc triển khai Internet băng thông rộng trên công nghệ nào phụ thuộc nhiều điều kiện thực tế khác nhau. Ví dụ, với một khu chung cư hay tòa nhà cũ đã đi ngầm hạ tầng, việc thay thế hoặc bổ sung thêm dung lượng, công nghệ mới không phải là điều dễ dàng cả về chi phí đầu tư cũng như triển khai thi công. Công nghệ ADSL vẫn đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng Internet có tốc độ vừa phải, độ ổn định cao và chi phí thấp. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, khai thác hiệu quả đồng thời cả 2 hạ tầng công nghệ cáp đồng và cáp quang sẽ là lựa chọn phù hợp, hữu ích và tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội nói chung”.

Thị trường cung cấp Internet băng thông rộng rất màu mỡ, nhưng không phải là dễ nhảy vào, ông Vũ Thế Bình của NetNam trải lòng: Theo tôi được biết thì đã từng có tới 80 giấy phép ISP, khi nhà nướcmở cửa cho mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ này. Hiện nay chỉ vài nhà mạng còn có thể tồn tại, cũng là thể hiện đúng quy luật thị trường. Một ISP chỉ có thể tồn tại được nếu có khách hàng. Với khách hàng hộ gia đình, chỉ các nhà viễn thông lớn, có năng lực đầu tư mạng lưới rộng lớn, mới có thể tồn tại. Với khách hàng doanh nghiệp, tổ chức, chỉ có các ISP có năng lực giải pháp, chăm sóc khách hàng tốt, mới có thể tồn tại được. Khách hàng sẽ là người lựa chọn ISP nào tồn tại, ISP nào biến mất”.

Ông Hoàng Trung Kiên của FPT cũng chia sẻ, khó khăn chung của các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay, đó là chi phí đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi rất dài, trong khi cạnh tranh giảm giá khốc liệt, mặt bằng giá trung bình ngày càng thấp, thời gian gắn bó trung thành của thuê bao ngày càng ngắn, số lượng khách hàng quay vòng chạy theo khuyến mại ngày càng tăng.

>> Thưởng 100 triệu đồng hoàn thành quang hóa của FPT Telecom

ICT News

Ý kiến

()