Chúng ta

Các nhà bán lẻ công nghệ số tìm cơ hội mới

Thứ ba, 21/2/2017 | 11:13 GMT+7

Năm 2017, hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam đưa ra con số tăng trưởng 10-12%. Mức tăng này, với giá trị doanh thu của nhóm hàng thiết bị di động ngày càng lớn, đủ để các nhà bán lẻ tiếp tục quyết đấu “sống mái” với nhau.

Mở chuỗi… vẫn tăng nhiệt

Năm 2017, với các nhà bán lẻ lớn, mức độ cạnh tranh mở chuỗi không còn quyết liệt như trước. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cho biết, hãng sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi Thegioididong.com nhưng số lượng ước chừng 150 cửa hàng mới, chủ yếu đặt ở các tỉnh. Thay vào đó, công ty này tăng nhiệt “dành sức để bành trướng chuỗi Điện Máy Xanh”. Hồi giữa tháng 1/2017, ông Tài tiết lộ, trong năm nay sẽ mở thêm từ 200-400 cửa hàng Điện máy Xanh trên toàn quốc. Đây là con số mà các nhà bán lẻ khác đang kinh doanh ngành hàng điện máy như Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Thiên Hoà… “nghe chẳng hề vui”.

FPT Shop hiện nay có 400 cửa hàng. Theo lời bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, năm 2017, hệ thống này sẽ mở thêm 100 cửa hàng mới. Việc FPT Shop tiếp tục mở chuỗi không nằm ngoài việc tăng giá trị của thương hiệu với các nhà đầu tư mà còn gia tăng doanh thu. Bà Điệp tiết lộ, nếu năm 2016, doanh thu được giao là 10.500 tỷ đồng thì năm 2017, tập đoàn giao doanh thu là 13.500 tỷ đồng.

Theo lời bà Điệp, doanh thu bình quân của các cửa hàng thuộc hệ thống FPT Shop hiện nay được cấu thành từ 70% của smartphone, laptop 15%, phụ kiện 8%, còn lại là những hoạt động khác như thu cước di động, điện, nước…

Năm 2016, Viễn Thông A có thêm 63 siêu thị trên toàn quốc. Còn năm 2017, theo lời bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A, hệ thống bán lẻ này sẽ mở thêm khoảng 80 cửa hàng mới với mục đích là “nâng tầm giá trị thương hiệu Viễn Thông A trong ngành bán lẻ hàng kỹ thuật số”.

Vũ khí bí mật

Ông Huỳnh Phước Cường, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về thị trường di động, đưa ra nhận định: “Thị trường smartphone sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian 2-3 năm tới, vì thu nhập bình quân của người dân Việt Nam vượt ngưỡng 2.000 USD/năm, dân số trẻ với quy mô 93 triệu người và mặt hàng này thay đổi nhanh về công nghệ”. Theo nhận định của ông Cường, điều đó có nghĩa, năm 2017, cuộc chiến bán lẻ hàng kỹ thuật số tại thị trường Việt Nam vẫn gay gắt.

Song song với việc mở rộng chuỗi bán lẻ để gia tăng hình ảnh thương hiệu và doanh thu, các nhà bán lẻ đang tìm những vũ khí riêng trong kinh doanh.

banle-8081-1487643641.jpg

Ông Trần Kinh Doanh, TGĐ Thế Giới Di Động, cho biết, công ty ông đang xây dựng mô hình trải nghiệm mới với những tiêu chí: đẹp và thông minh để thu hút khách hàng bước vào chuỗi Thegioididong.com. Chi tiết của những tiêu chí trên, thời gian thực hiện, địa điểm… không được tiết lộ.

Còn bà Vy cho rằng, “Viễn Thông A tiếp tục đầu tư nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ, từ quản lý cho đến nhân viên bán hàng, đạt tiêu chuẩn đa năng”. Cũng theo lời vị tổng giám đốc này, Viễn Thông A ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc khách hàng thành viên với những giá trị gia tăng, ưu đãi và dịch vụ hậu mãi riêng.

Còn FPT Shop, theo thông tin từ bà Điệp, ngoài việc tiết kiệm chi phí, khuyến mãi để bán hàng…, năm 2017, FPT Shop bắt đầu thực hiện dự án kết nối với các doanh nghiệp có lượng công nhân lớn với sự giúp sức từ các ngân hàng để bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Kiếm thêm… nghìn tỷ

“Chúng tôi sẵn sàng cho Bách hoá Xanh tham gia cuộc chơi lớn từ giữa năm 2018”, ông Tài nói. Ngoài Bách hoá Xanh, đầu năm 2017, Thế Giới Di Động còn chạy “rô-đa” dự án bán hàng trực tuyến tại địa chỉ Vuivui.com. Địa chỉ này bán tất cả các mặt hàng, từ nhóm hàng tiêu dùng nhanh cho đến điện máy, kỹ thuật số, điện gia dụng… Theo ông Doanh, trong quý 4/2017, Vuivui.com sẽ đạt doanh thu 20 tỷ đồng/tháng.

Tháng 10/2016, FPT Shop và Vinamilk liên kết mở chuỗi bán lẻ chuyên kinh doanh các sản phẩm sữa của Vinamilk. “Hết quý 1/2017, hai bên sẽ chuẩn hoá mô hình, hoàn thiện quy trình quản lý, sau đó sẽ có kế hoạch mở chuỗi chi tiết hơn”, bà Điệp cho biết. Không nói chi tiết nhưng theo lời bà Điệp, FPT Shop đang có nhiều dự định mới dựa trên nền tảng bán lẻ.

Những nhà bán lẻ điện máy còn lại vẫn đang “im hơi lặng tiếng”. Bà Vy nói: “Ai làm gì mặc ai. Viễn Thông A cố gắng làm tốt vai trò của một nhà bán lẻ hàng kỹ thuật số đứng ở vị trí thứ 3 với tăng trưởng doanh thu trong năm nay là 30%”.

>> Smartphone mới khuấy động thị trường Việt

 Thế giới Tiếp thị

Ý kiến

()