Chúng ta

Bi hài chuyện đặt trước smartphone bom tấn ở Việt Nam

Thứ tư, 12/4/2017 | 10:56 GMT+7

Các con số đặt hàng từ nhà bán lẻ đôi lúc hoành tráng đến nghi ngại, có lúc ít ỏi đến thảm thương.

Sáng 11/4, thông tin "FPT Shop vượt xa Thế Giới Di Động về lượng đặt hàng Galaxy S8 dù có quy mô chỉ bằng 1/3 đối thủ" xuất hiện và lan truyền trên mạng xã hội. Kết quả này không khiến những ai quan tâm tò mò, đặt câu hỏi vì sao?

Theo đó, số liệu đưa ra tính đến 16h30 chiều 10/4, Thế Giới Di Động có 3.302 đơn đặt hàng Galaxy S8, trong khi FPT Shop lên đến 6.030, gần gấp đôi. Tuy nhiên, số lượng đặt cọc (chắc chắn mua) của FPT chỉ 48%, trong khi ở Thế Giới Di Động có 66% người đã "xuống tiền".

Samsung-Galaxy-S8-222-JPG-1757-149196741

Nói với Zing.vn, FPT Shop cho biết sở dĩ có nhiều đơn đặt hàng vì bộ quà tặng đi kèm Galaxy S8 của hệ thống này có loa Samsung, ốp lưng, FPT Dash giúp tìm đồ vật dễ thất lạc như móc khoá, ví tiền.

Trong khi đó, đại diện của Thế Giới Di Động cho rằng những con số đặt hàng của hệ thống này là chính xác, không bị bơm thổi. "Việc làm giả số có thể làm được trong giai đoạn đặt trước nhưng số bán thực tế không thể làm giả. Và số bán thực tế thì các nhà bán lẻ và hãng đều biết là ai bán nhiều hơn ai", vị đại diện này khẳng định.

Màn "khoe cơ bắp" của nhà bán lẻ thông qua những con số đặt hàng dường như vô nghĩa với giới quan sát. Đại diện một nhà bán lẻ giấu tên nói với Zing.vn rằng động thái so sánh này là "có mùi", và con số đặt trước "muốn bao nhiêu có bấy nhiêu".

Bỏ qua màn chạy khởi động ồn ào của Galaxy S8, cách đây một tháng, số lượng đặt hàng bộ đôi HTC U Ultra và U Play tại Việt Nam chỉ 65 khách. Đây là tín hiệu buồn cho HTC, dù sản phẩm vẫn có những yếu tố dẫn đầu, thậm chí khác biệt vì có tích hợp trí tuệ nhân tạo. Con số đặt hàng "quá thực tế" từ nhà bán lẻ khiến một thương hiệu cao cấp không có bất kỳ cơ hội nào để thanh minh.

Tuần trước, khi iPhone 7 màu đỏ đang trong giai đoạn đặt hàng, các nhà bán lẻ đã "giảm giá" 3 triệu đồng, còn 18,69 triệu đồng cho bản 32 GB trong thời gian ngắn nhằm "giết" những cửa hàng xách tay đang bán giá cao.

Màn giảm giá "trong bụng mẹ" hài hước này chưa từng được các nhà bán lẻ áp dụng trước đây. Nó trở thành một phần của bức tranh bi hài mang tên "đặt trước smartphone bom tấn ở Việt Nam". Lần đầu tiên có mẫu iPhone được giảm giá ngay từ khi chưa lên kệ, rồi trở về mức giá ban đầu khi đến ngày bán chính thức. Các hệ thống cố gắng đưa ra những hình ảnh sôi động nhất trong ngày bán, dù số lượng thực tế đến tay khách hàng có thể chẳng khá khẩm hơn HTC U Play là bao.

"Muốn biết chiếc điện thoại đó có hot hay không trước ngày lên kệ, hãy nhìn vào thị trường xách tay", Nguyễn Minh Phong, chủ một cửa hàng ở quận 5, TP HCM, nói với Zing.vn.

Thực tế đã chứng minh thị trường xách tay là "nhiệt kế" dự báo cho hàng chính hãng. Ví dụ, iPhone 7 màu đỏ ngay từ những ngày đầu về Việt Nam đã là "bom xịt". Những động thái phô trương của nhà bán lẻ chưa chắc đảm bảo doanh số đạt kỳ vọng.

Tháng này, Samsung Galaxy S8, iPhone 7 màu đỏ và Sony Xperia XZs đồng loạt tung quân khiến người tiêu dùng tại Việt Nam có nhiều lựa chọn, nhưng dù có bán được hàng nghìn di động cao cấp, các nhà bán lẻ vẫn không thể phủ nhận rằng họ kiếm tiền phần lớn nhờ vào những di động tầm trung ở Việt Nam. Theo số liệu từ GfK, nhóm điện thoại từ 3 triệu đến 10 triệu chiếm 76% doanh thu cho các nhà bán lẻ trong năm 2016.

Điều lạ lùng là chẳng nhà bán lẻ nào "khoe" số lượng đặt hàng hay con số bán ra của smartphone tầm trung - bầu sữa chính của họ tại Việt Nam, mà chỉ hả hê với những con số liên quan đến Apple iPhone và Samsung Galaxy S8.

>> iPhone 7 Plus đỏ chính hãng có tỷ lệ đặt hàng áp đảo iPhone 7

Zing

Ý kiến

()