Chúng ta

Bất động sản miền Trung: Ba xu hướng thay đổi

Thứ sáu, 17/4/2015 | 16:53 GMT+7

Kết thúc năm 2014, bất động sản khu vực miền Trung không ghi nhận thêm chuyển biến tích cực nào, thậm chí theo một số nhà đầu tư, chỉ số phát triển các dự án chậm hơn hẳn những năm trước. Và để thị trường khởi sắc, bất động sản cần có những chuyển dịch cụ thể và hợp lý khi bước sang năm 2015.

Đất nền sinh hoa lợi

Với nhiều người miền Trung, vấn đề sở hữu nhà ở, xưa nay luôn gắn với quan niệm đất nền. Đây là lý do khiến nhiều dự án khai thác bất động sản ở đây gặp khó khăn. Nhiều người miền Trung sẵn sàng từ bỏ cơ hội sở hữu những căn hộ cao cấp để mua một mảnh đất nền giá rẻ hơn, vì họ cho rằng “không gian chung bất tiện và ngắn hạn”. Trong thời gian chưa đầy 20 năm, để thay đổi quan điểm ấy, thực sự rất khó cho các nhà đầu tư!

Những năm qua, đất nền tại Đà Nẵng, Huế… tiếp tục được khai thác, giao dịch thành công, trong khi quỹ nhà ở thương mại gần như đóng băng, chỉ một số phân khúc giá nhà rẻ là dịch chuyển.

1-Phoicanhtongthe-3327-1427869-8994-2720

Một hình của FPT City đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo xu thế, những cư dân miền Trung giờ đây cũng không ủng hộ tư duy “nhà ở chỉ để ở” đơn thuần nữa. Với họ, đất vẫn còn trống nhiều, các dự án cần quy hoạch hợp lý, tạo ra những không gian sống thoải mái và sinh hoa lợi hơn, mới có thể hấp dẫn họ.

Điển hình tại Đà Nẵng, ở khu đô thị Nam Quan - Thủy Tú, mấy năm qua gần như không giải phóng mặt bằng được và “kén” người mua, chỉ đơn giản vì nhà đầu tư phân lô 5x20 m2. Phản ánh của người dân cho thấy, nếu nhà đầu tư chấp nhận phân chia lại, diện tích đất rộng hơn, có thể 300 m2, trong đó sẽ có 100 m2 giá đất đô thị và 200 m2 đất nông nghiệp, người mua sẽ dùng canh tác vườn hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng nói rằng, cần đổi mới cách khai thác quỹ đất theo hướng tạo cơ hội “kiếm sống ở nhà” cho cư dân như vậy. Người miền Trung luôn gắn nhà ở với trách nhiệm gia đình, dòng tộc, theo mô hình gia đình ba thế hệ. Và khi đã có người già ở chung, họ cần không gian rộng hơn, nhất là mảnh vườn cạnh nhà, đây là một tập quán cố hữu.

Nhiều chủ dự án đất tại Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam… cho rằng, đã đến lúc cần hướng quy hoạch các dự án khai thác đất nền theo suy nghĩ này. Vấn đề là cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước có cập nhật hay không?!

Căn hộ nhỏ lên ngôi

Trái ngược quan điểm đất nền, một bộ phận không nhỏ người mua nhà ở miền Trung đã nhắm đến căn hộ thương mại, chung cư… Đó chính là giới trẻ, những người di chuyển từ các nơi khác đến Đà Nẵng, Huế… hoặc tách khỏi gia đình.

Những người này đa phần có thu nhập hạn chế, tích lũy chưa có và có nhu cầu mua nhà ở thực sự. “Vậy tại sao họ thờ ơ trước cơ hội sở hữu một căn hộ với số tiền hợp lý? Vấn đề là họ phải vay mượn gia đình, người thân để mua, và khi đó, người thân lại yêu cầu họ mua đất nền. Thật ra không cần như vậy. Họ nên sở hữu một căn hộ chung cư, tiếp tục tích lũy đến khi đủ tiền thì mua đất nền và… bán lại căn hộ”, một chủ đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng phân tích.

Ngoài ra, sở hữu đất nền sẽ khiến họ vay mượn nhiều, phải đầu tư xây dựng, chăm sóc nhà cửa, trong khi sinh hoạt của họ là “hướng ngoại”, nhiều người chỉ quay về nhà để ngủ… Thực trạng sinh hoạt đó gần gũi với mô hình căn hộ thương mại hơn. Do vậy, việc lựa chọn sở hữu một căn hộ đang dần được nhiều bạn trẻ quan tâm. Và khi nghĩ đến việc sở hữu một căn hộ cho tiện việc sinh hoạt như vậy, giới trẻ sẽ chỉ cần một không gian vừa đủ.

Ông Bùi Thiện Cảnh, Giám đốc CTCP Đô thị FPT (Đà Nẵng) bày tỏ, dựa trên nhu cầu thực tế đó, thời gian qua, doanh nghiệp này đã định dạng các mô hình nhà ở diện tích nhỏ, với những mẫu nhà thông minh của Nhật Bản. Đây là đơn vị tiên phong với các tiêu chí nhà ở tiết kiệm năng lượng, tiện ích thông minh ở Đà Nẵng và FPT City dự kiến bán hàng trăm căn hộ nhỏ dưới 32m2 trong thời gian tới.

Mô hình đô thị khép kín

Tổng quan cơ hội cho bất động sản miền Trung, một nhà đầu tư phân khúc nhà ở cao cấp cho rằng, nếu đổi tư duy khai thác nhà ở đơn thuần sang hướng tạo nhiều cơ hội sinh hoạt, các dự án đầu tư nơi đây sẽ có một tương lai khả quan hơn.

“Đất miền Trung còn rộng, các chủ dự án có thể thiết kế quy hoạch khu đô thị mới. Nếu đầu tư đồng bộ sinh hoạt cư dân trong khu đô thị, giúp trẻ em có thể học tập và trưởng thành đến 15 tuổi, thì giá trị các dự án tăng rất nhiều lần. Ước mơ về những khu đô thị khép kín này không quá cao xa, chỉ cần người dân được điều tra, tổ chức tốt nhu cầu sinh hoạt, tự cân đối nguồn nhu cầu bên trong, hạn chế ảnh hưởng bên ngoài. Mô hình này, các nước tiên tiến đã có, vấn đề là Việt Nam áp dụng không mà thôi” - đại diện Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng phân tích.

Được biết, những nhà đầu tư như Sun Group, VinaCapital, Vinaconex… cũng đang lưu tâm hình thành các “tiểu khu đô thị khép kín” như vậy ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Hy vọng từ năm 2015, thị trường bất động sản miền Trung sẽ triển khai được các ý tưởng này, thay đổi cơ hội và hiện trạng phát triển đô thị nơi đây.

Báo Đà Nẵng

Ý kiến

()