Chúng ta

8 đội giành quyền thi chung kết 'Đua xe không người lái'

Thứ sáu, 20/1/2017 | 14:53 GMT+7

Dự kiến vào trung tuần tháng 4, 8 đội thi xuất sắc nhất đến 8 trường đại học, Học viện trong cả nước sẽ tranh tài tại vòng chung kết “Cuộc đua số”, cuộc thi lập trình điều khiển xe không người lái và đua xe trên sa hình mô phỏng đường phố Việt Nam.

Cuộc thi “Cuộc đua số”năm 2016 - 2017 có chủ đề “Xe không người lái” được FPT chính thức phát động chiều ngày 2/11/2016 nhằm mục đích giúp các sinh viên Việt Nam xây dựng một nền tảng vững chắc để đón nhận cơ hội và thành công trong cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới; đồng thời qua cuộc thi, FPT cũng mong muốn phát hiện những sinh viên tiềm năng cùng tập đoàn tiên phong trong cuộc cách mạng số.

DSC-0493-1484530253-660x0-4631-148482792

Vòng thi Tìm kiếm đại diện trường của “Cuộc đua số” năm 2016 - 2017 đã thu hút sự tham gia của 71 đội thi đến  từ 16 trường đại học trên cả nước.

Ban tổ chức cho biết, đã có 71 đội thi của 16 trường đại học trên cả nước đã đến tham dự Vòng thi Tìm kiếm đại diện trường của “Cuộc đua số” năm 2016 - 2017. Hàng nghìn sinh viên cùng với các thầy cô giáo đã đến cổ vũ sôi động cho chương trình.

Ở vòng thi Tìm kiếm đội đại diện trường, các thí sinh phải trải qua 2 phần thi: Xử lý ảnh và Lập trình nhanh. Trong đó ở phần Xử lý ảnh, Ban tổ chức cung  cấp 1 video. Trong vòng 30 phút, các thí sinh sử dụng thuật toán để xác định đường đi cho xe. Máy tính tự chấm điểm kết quả độ sai lệch tâm đường của từng đội và Ban giám khảo hỏi đáp thêm về giải thuật để từ đó tìm ra 4 đội xuất xắc nhất vào vòng thi lập trình nhanh.

Trong phần thi tiếp theo, 4 đội thi đối kháng trực tiếp trên sân khấu. Trong khoảng thời gian từ 5 đến 15 phút, các đội thi phải sử dụng kiến thức công nghệ về xử lý ảnh để thực hiện từng bài toán mà Ban tổ chức đưa ra, ví dụ như đọc và hiển thị ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trên màn hình…

ictnews-cuoc-dua-so-1-5357-1484827926.jp

Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt (ngoài cùng bên trái) trao xe và phần thưởng cho đội vô địch vòng thi trường của Đại học FPT.

Đa số các thí sinh đều cho rằng “Cuộc đua số” đã giúp nâng cao kỹ năng lập trình và xử lý ảnh. Đặc biệt, vòng thi trường đã giúp sinh viên được tiếp cận và thực hành các kiến thức về xử lý ảnh/video trong công nghệ xe tự hành ở mức sơ cấp. Sự xuất hiện của đội ngũ các chuyên gia công nghệ đến từ FPT, các trường đại học cũng đã giúp các thí sinh mở rộng hơn nữa kiến thức về lĩnh vực này.

Là thành viên của Ban giám khảo, TS.Nguyễn Thị Oanh, Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh giá cao các thí sinh tham gia cuộc thi năm nay:  “Các đội đều thể hiện một phong độ rất xuất sắc, dù bị các chuyên gia “xoáy” rất nhiều. Nhiều sinh viên có kiến thức và kỹ năng công nghệ tốt khiến giám khảo phải rất khó khăn trong việc lựa chọn đội xuất sắc nhất đi tiếp vào vòng trong”.

Tham dự trận thi đấu vòng trường của các thí sinh, PGS.TS. Trần Văn Lăng, Trưởng khoa CNTT Đại học Lạc Hồn,g cho biết dù đã thuộc thế hệ già nhưng nghe tin về "Cuộc đua số", ông rất háo hức. “Chúng ta khó có thể tạo dựng một ngành công nghiệp xe hơi đúng nghĩa. Nhưng phần mềm giờ mới là bộ não. Chỉ một ứng dụng thôi cũng có thể điều khiển cả chiếc xe tiền tỷ. Đó chính là ước mơ và nó không quá xa vời với sức trẻ, với kiến thức của các sinh viên Việt Nam hiện nay. Đó cũng chính là lý do ĐH Lạc Hồng cổ vũ hết mình cho các sinh viên tham dự cuộc thi này”, ông Lăng nhận định.

Sau 8 trận thi đấu vòng loại tại các trường đại học trên toàn quốc diễn ra từ ngày 9/1 đến 18/1, 8 đội thi xuất sắc nhất đến từ Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia  Hà Nội), Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học CNTT (Đại học Quốc gia TP.HCM), Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Bách khoa TP.HCM và Đại học Lạc Hồng đã lọt vào vòng chung kết “Cuộc đua số - Xe không người lái do Tập đoàn FPT tổ chức.

FPT sẽ cấp 8 mô hình xe đua không người lái tỷ lệ 1/10 so với kích thước thật cho các trường có đội lọt vào trận chung kết.

Ngoài ra, các đội thi cũng sẽ được FPT cung cấp các thuật toán cơ bản (mã nguồn thuật toán đọc dữ liệu từ cảm biến siêu âm; tính tốc độ động cơ; điều khiển động cơ PID cơ bản cho vòng tốc độ và vị trí); Một chương trình mã nguồn mở cho phép xe chạy được trên đường cong (địa hình đơn giản) và tránh được vật cản (thuật toán phát hiện biên của ảnh, từ đó làm cơ sở để xác định đường di chuyển của xe.

Ở vòng chung kết “Cuộc đua số”, đội ngũ huấn luyện viên gồm nhiều chuyên gia về công nghệ xử lý hình ảnh, tự động hóa… cũng sẽ trực tiếp hướng dẫn cho các thí sinh.

>> CDIO đại diện Bách khoa TP HCM vào chung kết Cuộc đua số

“Cuộc đua số” diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017. Đây là cuộc thi lập trình điều khiển xe không người lái và đua xe trên sa hình mô phỏng đường phố thật tại Việt Nam. Cuộc thi dành cho tất cả sinh viên đại học trên cả nước. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 700 triệu đồng với cơ cấu gồm 1 giải Nhất trị giá 450 triệu đồng (1 chuyến trải nghiệm 7 ngày tại Mỹ cho các thành viên đội thi và 3 laptop); 1 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 2 giải Ba mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; 8 giải thưởng cho đội giành giải nhất vòng sơ loại, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, trường có đội thi đạt giải Nhất sẽ nhận được 50 triệu đồng tiền mặt. Ở vòng sơ loại, đã có 145 đội thi đến từ 26 trường đại học đăng ký tham dự chương trình.

ICT News

Ý kiến

()