Chúng ta

2019: Âm nhạc livestream là xu thế tất yếu

Thứ bảy, 2/2/2019 | 16:07 GMT+7

Không chỉ là những buổi hòa nhạc, giới thiệu sản phẩm âm nhạc mới, các lễ trao giải thưởng âm nhạc 2018 tại Việt Nam đều được livestream đúng với trào lưu thế giới.

music-home-1548750371527616129-6600-2003

Các ca sĩ đã có trải nghiệm hòa nhạc livestream Music home trong cuối năm 2018 đầu năm 2019 (trên xuống, trái qua): Bùi Lan Hương, Trọng Hiếu, Uyên Linh và Phan Mạnh Quỳnh - Ảnh: C.T.

Nếu như xu hướng livestream chỉ mới rầm rộ tại Việt Nam trong thời gian qua thì từ tháng 6/2017, tạp chí Forbes đã đăng tải bài viết của tác giả Melissa Daniel về trào lưu này.

Trong đó, Melissa không chỉ tiên đoán hòa nhạc livestream sẽ trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp âm nhạc mà còn khẳng định: "Nếu các nghệ sĩ và thương hiệu biết sử dụng hình thức livestream một cách hiệu quả, họ có thể dễ dàng tiếp cận được với lượng công chúng và khách hàng khổng lồ".

Xu hướng toàn cầu

Festival âm nhạc và nghệ thuật thường niên California Roots 2018 thu hút được khoảng 30.000 người tham dự trong ba ngày, nhưng khi được livestream thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật của công ty công nghệ LiveList, nó đã đạt được lượng view "khủng" lên đến 9,5 triệu lượt.

Rất nhiều trong số "view" đó đã bình luận trực tiếp về những cảm xúc tức thời của mình và không quên hứa hẹn "sẽ tìm cách có mặt vào năm sau".

california-roots-1548750852152-1868-1359

Dù thu hút được hàng chục ngàn khán giả tham dự trực tiếp mỗi ngày nhưng ban tổ chức Lễ hội âm nhạc và nghệ thuật California Roots vẫn đầy mạnh lượng khán giả của mình bằng hình thức livestream với kết quả gặt hái vô cùng ấn tượng: 9,5 triệu lượt xem trong ba ngày liên hoan - Ảnh: FOH

Theo Chris Watkins, chuyên gia kỹ thuật của Audiotree TV, ngày nay, công chúng luôn có thái độ cởi mở và sẵn sàng nghiêm túc theo dõi hòa nhạc livestream nếu đó là một chương trình được sản xuất đàng hoàng với chất lượng âm thanh tốt, cho phép họ tương tác trực tiếp với nghệ sĩ hay chí ít là những khán giả khác.

"Trong khoảng 10 năm trở lại đây, âm nhạc trên truyền hình truyền thống mất hẳn sức hút. Cùng với sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, âm nhạc cũng dần trở thành một dạng trải nghiệm mang tính cộng đồng.

Giờ đây, nhờ Internet băng thông rộng, những buổi hòa nhạc livestream dễ dàng biến người xem từ thụ động thành chủ động, có thể thoải mái giao tiếp với nhau ngay trong show diễn, thậm chí những ý kiến của họ có thể đến tai nhà sản xuất hoặc nghệ sĩ để có những điều chỉnh kịp thời. Những điều này khiến họ cảm thấy thoải mái và hào hứng hơn" - Chris Watkins nói.

Vậy nên, không quá khó hiểu khi giờ đây, bất kể là sô lớn như lễ hội âm nhạc hay nhỏ như những buổi thu hình từ các studio cá nhân, tất tần tật đều livestream trên toàn thế giới.

Tiết kiệm, hiệu quả, lan tỏa

Một ưu thế khác của livestream đó là tiết kiệm chi phí rất nhiều so với truyền hình trực tiếp mà khán giả dù ở đâu cũng có thể xem trực tiếp hoặc xem lại bất cứ khi nào họ muốn.

Việc không phải "mua sóng" truyền hình, tranh giành "giờ vàng" vào các kênh truyền hình lớn đã tiết kiệm được một khoảng chi phí khổng lồ cho các nhà sản xuất âm nhạc.

Còn khán giả muốn thưởng thức chương trình hay giọng ca mình yêu thích, thì từ tivi đến các thiết bị di động như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh đều có thể đáp ứng được việc xem livestream.

Nắm được xu hướng này, cuối năm 2018, Truyền hình FPT đã giới thiệu format Music Home - show diễn với chất lượng âm thanh đạt chuẩn phòng thu được truyền tải đến khán thính giả dưới hình thức livestream.

Qua ba số (mỗi tháng một số vào tối thứ Sáu cuối cùng của tháng) với các giọng ca: Uyên Linh, Trọng Hiếu và Phan Mạnh Quỳnh, có thể thấy Music Home đang là một "sân chơi" độc đáo dành cho các nghệ sĩ giàu thực lực, một dạng "liveshow đại chúng" chưa từng xuất hiện trước đây.

Xem Music Home số 3 cùng Phan Mạnh Quỳnh:

Bên cạnh việc giới thiệu một diện mạo tương đối khác biệt của ca sĩ, Music Home còn "gánh" trách nhiệm giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với những dòng nhạc còn ít được quan tâm ở Việt Nam như: R&B contemporary, soul, funk, jazz, dream pop…

Tuy khá mới mẻ nhưng lượng xem trực tiếp ngay tại thời điểm chương trình "lên sóng" của mỗi chương trình đều tăng đáng kể. 100.000 lượt xem cho hòa nhạc đầu tiên của Uyên Linh. Sau đó là 150.000 lượt xem với Trọng Hiếu và nhảy vọt lên 300.000 lượt xem với Phan Mạnh Quỳnh.

Với thành công ban đầu này, danh sách các ca sĩ muốn vào hòa nhạc livestream đang tăng nhanh trong năm 2019 với Soobin Hoàng Sơn, Nguyên Thảo, Phương Linh, Bùi Lan Hương…

lsx-15487514042231329900948-6504-1549031

Gala Làn sóng xanh - Next step 2018 đạt đến hơn một triệu lượt xem ngay tại thời điểm livestream là một bất ngờ lớn khi chương trình vẫn được truyền hình trực tiếp lẫn truyền thanh trực tiếp - Ảnh: GIA TIẾN

Không chỉ là hòa nhạc, các lễ trao giải thưởng âm nhạc năm 2018 cũng tận dụng phương thức mới mẻ này để tăng độ lan tỏa, tương tác với công chúng. Các buổi trao giải của Keeng Young Awards, Mai Vàng… đều có thêm hình thức livestream.

Ngay cả Làn sóng xanh - Next step 2018 dù đã có truyền hình trực tiếp trên SCTV, truyền thanh trực tiếp trên VOH vẫn chọn thêm livestream để tạo độ lan tỏa. Và kết quả hơn một triệu lượt xem livestream ngay tại thời điểm diễn ra lễ trao giải Làn sóng xanh 2018 là một con số ngoài sức tưởng tượng của ban tổ chức, cho thấy livestream là một lựa chọn không sai trong môi trường giải trí hiện tại.

Biết đâu chừng, "Chương trình livestream của năm", "Chương trình livestream xuất sắc nhất" hay "Chương trình livestream được yêu thích nhất" sẽ là những hạng mục mới trong các lễ trao giải thưởng âm nhạc 2019.

Nhạc sĩ Huy Tuấn nhận xét, hòa nhạc livestream không chỉ giúp hình thành một thói quen thưởng thức mới dành cho công chúng mà còn phần nào san lấp được những thiếu hụt của thị trường biểu diễn kiểu truyền thống.

Bởi không phải lúc nào người ta cũng có thể thu xếp được thời gian hay tiền bạc để tham dự đúng show diễn của những nghệ sĩ mình yêu thích, mà không nhanh chân nhanh tay, không có quan hệ tốt cũng chưa chắc đã mua được vé. Chưa kể đến việc các đêm nhạc cũng chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP HCM, việc đi lại cũng đủ nhiêu khê để những người ở xa cảm thấy nản lòng.

>> Phan Mạnh Quỳnh muốn khán giả tạm quên Vợ người ta

Trước đó, ngày 30/11/2018, series âm nhạc Music Home đã chính thức diễn ra trên Truyền hình FPT, ứng dụng FPT Play và FPT Play Box, với sự tham dự của ca sĩ Uyên Linh, nhạc sĩ Huy Tuấn cùng band nhạc Anh Em. Số thứ 2 diễn ra ngày 28/12/2018 với khách mời là ca sĩ Trọng Hiếu.

Xuất phát từ ý tưởng của GĐ Sáng tạo Truyền hình FPT Đinh Tiến Dũng, Music Home là series âm nhạc được xây dựng theo format là một chương trình có tiêu chuẩn âm thanh và chất lượng nghệ thuật như ở nhà hát, được đầu tư chỉn chu bởi ê-kip sản xuất chuyên nghiệp. Đặc biệt, chương trình được ứng dụng công nghệ truyền hình tương tác với tính năng Tùy chọn góc nhìn (Multi-cam), khán giả có thể chủ động lựa chọn góc máy quay khi xem chương trình trực tiếp và trải nghiệm không gian âm nhạc chân thật, đẳng cấp như đang có mặt tại nhà hát.

Music Home sẽ lên sóng đều đặn vào thứ Sáu cuối cùng của mỗi tháng, giới thiệu một chân dung âm nhạc, nhóm nhạc nổi tiếng có tài năng và nội lực cùng khả năng hát live xuất sắc.

Tuổi Trẻ

Ý kiến

()