Chúng ta

Yêu thương chữa lành mọi vết thương

Thứ hai, 20/1/2014 | 08:56 GMT+7

Chắc chắn thứ tốt nhất để nuôi dưỡng đứa trẻ lớn lên bình thường và khỏe mạnh là sự quan tâm, yêu thương, sẻ chia trong gia đình. Đó cũng chính là thần dược để chữa lành những vết thương, nỗi đau mà đứa trẻ có thể gặp phải trong chặng đường khôn lớn của mình.

Chắc chắn thứ tốt nhất để nuôi dưỡng đứa trẻ lớn lên bình thường và khỏe mạnh là sự quan tâm, yêu thương, sẻ chia trong gia đình. Đó cũng chính là thần dược để chữa lành những vết thương, nỗi đau mà đứa trẻ có thể gặp phải trong chặng đường khôn lớn của mình.

Có một câu hỏi mọi người đặt ra: Trẻ con bị dư chấn tâm lý thế nào từ những vụ bạo hành?

Dư chấn tâm lý chắc là có. Tuy nhiên, dư chấn đến đâu phụ thuộc rất lớn vào những ngày tháng tiếp theo trong quá trình trưởng thành. Trong thế giới đang mở rộng dần của trẻ, mỗi ngày chúng nạp hàng trăm, hàng nghìn thông tin mới, tràn ngập những giao tiếp, tương tác xã hội và quan trọng hơn là tình yêu thương. Thế giới đó sẽ không còn chỗ cho những ký ức buồn bã, sợ sệt.

Bản thân tôi hồi bé cũng không được các cô mẫu giáo chăm sóc tốt, đến mức bị suy dinh dưỡng nặng phải về quê nhờ ông bà nuôi suốt một năm trời. Trong ký ức của mấy chị em, các cô mẫu giáo được nhớ đến với những lời dọa: Nào là không ăn thì cho ra bể cho ong đốt sưng vù mặt, nào là không ngủ thì lấy kim đan chọc cho mù mắt...

Thật ra chuyện đó chẳng để lại nhiều ấn tượng với cả đám trẻ chúng tôi. Chúng tôi vẫn lớn lên và vui vẻ, nghịch ngợm như thường. Tôi nhớ, thỉnh thoảng có dịp vào phòng làm việc của bố, bọn tôi “trả thù” các cô bằng cách gọi điện nặc danh xuống nhà trẻ trêu cho bõ tức. Đến như tôi - đứa có vẻ bị “bạo hành” nhất, sau này vẫn hay mang chuyện mình ra kể cho vui và gặp lại các cô vẫn toét mồm chào đầy thân thiện.

Nhưng một người bạn sống ở nước ngoài bảo: “Chẳng qua là mình lớn lên trong đầy đủ sự quan tâm. Còn ở bên này, cuộc sống xa cách, anh chị em không có, ông bà một năm may ra gặp một hai lần thì những chuyện như vậy gây chấn thương lâu dài lắm”.

Ngẫm lại có vẻ đúng. Không phải vô lý khi ở trong xã hội hiện đại này, bệnh tự kỷ nói riêng và các căn bệnh tâm lý của trẻ em được quan tâm đến vậy. Đành rằng thời nào cha mẹ cũng bận rộn nhưng tôi vẫn có cảm giác ngày nay, trẻ em dễ cô đơn hơn xưa vì thiếu bè bạn và các mối quan hệ. Cuộc sống bận rộn và cách sinh hoạt càng ngày càng biệt lập tại rất nhiều gia đình thành thị Việt Nam bây giờ cũng có phần hơi giống với những mẫu gia đình nước ngoài mà bạn tôi đề cập.

Những tội phạm vị thành niên mà báo chí vẫn đưa, khi tìm hiểu ra hầu hết đều có một tuổi thơ thiếu sự quan tâm của gia đình. Sẽ ra sao nếu một đứa trẻ chịu tâm lý xấu, chỉ thu mình trong bốn bức tường, loanh quanh với thế giới đồ chơi riêng, thiếu bạn bè, thiếu sự quan tâm? Những ký ức xấu sẽ lưu giữ lại lâu, thậm chí sẽ được chúng diễn lại với bản thân, với đồ chơi và sau này là với bạn bè, những người khác khi chúng lớn lên.

Bạo hành thể xác chỉ là một vấn nạn trong rất nhiều nỗi đe dọa với các em như: hiếp dâm trẻ em, bạo hành tâm lý từ bạn bè… Một đứa trẻ với nhiều vết bầm sẽ dễ dàng được cha mẹ phát hiện ra và tìm hiểu rõ ngọn ngành. Nhưng đứa trẻ với sự bất an về tinh thần, nếu cha mẹ không được thực sự tinh ý để quan tâm, khơi gợi để chia sẻ, sẽ rất dễ mang những tổn thương đó trong lòng dài lâu, thậm chí đến suốt đời.

Trong một thế giới mới đầy đủ hơn, cha mẹ có điều kiện để kỹ lưỡng lựa chọn môi trường sống, sinh hoạt cho con để bé được phát triển tốt nhất. Nhưng chắc chắn thứ tốt nhất để nuôi dưỡng đứa trẻ lớn lên bình thường và khỏe mạnh vẫn phải là sự quan tâm, yêu thương, sự sẻ chia trong gia đình. Đó cũng chính là thần dược để chữa lành hết những vết thương, vết đau mà đứa trẻ có thể gặp phải trong chặng đường khôn lớn của mình.

Vân Bích

Ý kiến

()