Chúng ta

Viết cho cha

Thứ bảy, 29/8/2015 | 11:48 GMT+7

Cha và con vẫn luôn đi bên nhau trong đời sống này, nhưng có lúc con thầm nghĩ đã bao giờ mình hiểu được những nỗi đời sâu kín trong lòng người đàn ông đó. Để con gái trở thành tri kỷ của cha mình có khó không?

7 năm trước ba đã dự lễ tốt nghiệp của con ở Đại học Khoa học. 4 năm sau vẫn là ba dự lễ tốt nghiệp cùng con nhưng là ở trường Đại học Sư phạm. Vậy là ba đã cùng với con gái đi qua hai lễ tốt nghiệp thật đáng nhớ.

Năm 13 tuổi ba đã "thả" con ra ngoài tự lập với cuộc sống đi học xa nhà. Những lúc phải đối mặt với khó khăn con cảm thấy thật cô độc và lòng thầm giận ba lắm. Nhưng đôi lúc con thấy hay hay, cảm giác giống mình là kẻ giang hồ phiêu phạt đầy bản lĩnh. Rồi cũng có những khi đêm về, giật mình thức giấc, gối ướt đẫm nước mắt vì nhớ nhà, vì tủi thân. Bất chợt thấy mình là chú sói hoang non dại lạc giữa rừng sâu.

Khi ở nhà người khác, bưng chén cơm hay ăn một cái bánh quy cũng phải để ý đến ánh mắt dò xét. Lúc ấy con biết trên thế gian này không có nơi đâu bằng nhà mình, không có ai thương yêu mình vô điều kiện như ba má, anh em mình. Nhưng nhờ những năm tháng ấy mà con đã trưởng thành hơn, biết cách chung sống hòa hợp với mọi người, mọi môi trường dù vẻ ngoài vẫn lanh chanh, ngố tàu như cũ.

Ba luôn kỳ vọng ở con và điều đó đôi khi làm con cảm thấy áp lực. Suốt thời niên thiếu, giống như suy nghĩ của Romain Gary trong "Lời hứa trước bình minh". Con luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ bản thân nhất định phải để lại dấu ấn, một thành công nào đó trong đời trước khi tuổi già của cha đến. Con nhìn thấy những tia sáng hân hoan trong mắt cha khi con đoạt các giải thưởng, khi con vào trường chuyên, khi con vào đại học... Nhưng đồng thời con cũng âm thầm hiểu được nỗi buồn cố nén trong đáy mắt ấy khi con hụt hẫng vì không nghe lời, nhất là cái phong cách học hành "lãng tử" và chủ quan của con.

Nhiều lúc con bực mình vì ba nói nhiều, nhưng ngẫm lại những lời nói đó không ngoài mục đích mong con tốt hơn. Con luôn nhớ lời dạy của ba, đó là một trong những cái tội lớn cuả người là "gia bần thân bất sĩ". Trên đoạn đường dài con sắp đi, đến một lúc nào đó sẽ không có ba bên cạnh nữa. Nhưng con sẽ cố gắng không buông xuôi vì con đã có một "lời hứa lúc bình minh".

Ngày xưa Chung Tử Kỳ lặng nghe tiếng đàn đã hiểu được nỗi niềm của Bá Nha. Đến khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha đã đập cây đàn của mình vì ông nghĩ rằng trên đời này chẳng còn ai hiểu được tiếng lòng mình như tri âm tri kỷ Tử Kỳ nữa.

Cha và con vẫn luôn đi bên nhau trong đời sống này, nhưng có lúc con thầm nghĩ đã bao giờ mình hiểu được những nỗi đời sâu kín trong lòng người đàn ông đó. Để con gái trở thành tri kỷ của cha mình có khó không?

Và cuối cùng, cám ơn ba mẹ đã sinh con ra trong cuộc đời này.
"Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui...".

Lê Nguyễn Hiền Vy

Ý kiến

()