Chúng ta

Vì sao tôi không thích nước Mỹ

Thứ ba, 17/5/2016 | 09:18 GMT+7

Khi tới Mỹ, tôi chẳng gặp khó khăn gì trong công việc cả. Tôi chỉ không tìm thấy lý do gì để nên ở lại sống trên đất nước này mà thôi. Tôi đơn giản không trả lời được câu hỏi: "Cái gì ở đây là dành cho tôi?", nếu ở lại Mỹ.

10 năm trước, tôi là cậu học sinh lớp 10 rất mong muốn được thực hiện "giấc mơ Mỹ", để học đại học, rồi cao học và tiến sĩ. Lúc đó mẹ tôi đang được ba kế làm hồ sơ bảo lãnh. Tôi biết là thế nào mẹ cũng bảo lãnh mình đi. Nhưng để chắc chắn, tôi vẫn chuẩn bị cho mình kế hoạch B. Tôi bắt đầu lên kế hoạch săn học bổng.

Tôi nhận được học bổng 50% của NIIT và bắt đầu học thêm TOEFL iBT khi vừa vào năm nhất đại học. Nếu chẳng may phỏng vấn định cư rớt, tôi sẽ tự kiếm học bổng để đi Mỹ. Sau khi ra trường được 9 tháng thì tôi đậu phỏng vấn đi định cư. Tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng bỏ hết mọi thứ để làm lại từ đầu.

Nhưng trớ trêu thay, nước Mỹ hoàn toàn làm tôi thất vọng. 2012 là năm khủng hoảng kinh tế trầm trọng của đất nước này. Obama đắc cử và hứa đem lại 1 triệu công việc cho bang California nhưng đã không làm được. Trong thời gian chờ đợi kiếm được việc làm, tôi bắt đầu quan sát và nghiên cứu về các vấn đề xã hội ở Mỹ. Gần một năm ở Mỹ, đây là cái mà tôi nhận ra.

Hóa ra, xã hội hiện đại cũng chất chứa đầy rẫy những vấn đề hiện đại của nó. Hằng năm có vài chục ngàn người chết vì súng. Có năm tỷ lệ chết vì súng còn cao hơn cả tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông (trên 33.000 người chết). Về mặt xác suất mà nói thì bạn có bao nhiều phần trăm cơ hội chết vì tai nạn giao thông thì bạn cũng có bấy nhiêu phần trăm cơ hội chết vì bị bắn. Ở Mỹ người ta đấu tranh cho việc này với khẩu hiệu “Stop guns before they stop you", có nghĩa là hãy dừng súng trước khi nó giết chết bạn. 

Tiếp theo là tỷ lệ thất nghiệp cao, người vô gia cư nhiều, người chết vì đói cũng nhiều không kém. Tôi cảm thấy rất thương tâm khi đi ngang những người ăn mày, ăn xin. Tưởng qua Mỹ sẽ không gặp cảm giác ấy.  Ai ngờ gặp phải những cảnh này ở Mỹ còn thấy thương tâm hơn ở Việt Nam. Có lẽ vì thời tiết khắc nghiệt và cuộc sống khó khăn hơn. 

Đời sống của con người ở đây thì cô lập và thiếu tình cảm. Đa số mọi người quá bận rộn với vòng quay tiền bạc mà quên đi cả những người thân của mình. Có người chết ở trong nhà mà vài tháng sau người ta mới phát hiện. Hóa ra, anh ta chẳng có người thân, bạn bè, hàng xóm gì cả. Tôi cũng có một anh hàng xóm như thế. Đi ra, đi vào, nói chào một tiếng, đóng cửa lại. Thế là hết chuyện. Chẳng ai biết được tên anh ta.

Người già cũng là một vấn đề lớn của xã hội Mỹ. Người ta chẳng biết làm gì với người già cả. Người già sống ở đây cứ như cực hình . Họ sẽ được con cái cho vào viện dưỡng lão. Rồi nó sẽ mua cho một con chó để chơi. Sau đó vài tháng nó sẽ tới thăm một lần. Rất hiếm có gia đình hai hoặc ba thế hệ sống chung với nhau.

Ở Mỹ cũng đầy rẫy người lười vận động và béo phì. Loại hình giải trí phát triển nhất ở đây là tivi và các loại trò chơi trong nhà như Direct TV, Netflix, Nitendo, Xbox, Playstation,... Ngay cả giáo dục cũng có vấn đề. Những người học giỏi toàn dân nhập cư như Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ. Dân bản xứ thì chẳng chịu học. Cụ thể, 50% người học cao học hay tiến sĩ ở đây không phải người Mỹ.

Về mặt tôn giáo cũng có nhiều chuyện để nói. Ở đây chủ nhật chỉ có đi nhà thờ. Tôi đã thử tham gia một tôn giáo gọi là Jehovah Witnesses. Đây được coi là tôn giáo mới nổi gần đây, hiện có hơn 8 triệu tín đồ. Sau 6 tháng tham gia tôi biết được điều họ thật sự tin là thế giới đã quá tệ hại vì Satan cai quản và một ngày nào đó cơn hoạn nạn lớn sẽ đến và hủy diệt mọi thứ. Sau đó, Chúa sẽ lập lại thế giới mới và cứu những người là tín đồ trung thành của mình. Có gì đó rất sai ở đây. 8 triệu người tin vào điều đó. Và tôi cũng tin nhưng chỉ là nửa vế đầu, tức xã hội hiện tại đã quá tệ hại. Đây cũng là tư tưởng khá phổ biến trong các phim ảnh của Mỹ: cố gắng tiêu diệt hết mọi thứ và lập lại trật tự.

Luật pháp cũng có kẽ hở riêng của nó. Nhiều người đồng ý là luật pháp ở Mỹ đa số bảo vệ người giàu. Tôi cũng thấy vậy. Có nhiều tiền thuê luật sư giỏi là sẽ được giảm án hoặc không bị kết tội. Còn nghèo thì ... ráng mà chịu. Nhiều lần nhà nước cũng dùng danh nghĩa “National Security”, tức an ninh quốc gia ra để trốn tránh những vụ bê bối của mình.

Ít ai nghĩ ở một nước hiện đại như Mỹ mà tình trạng mại dâm và bạo hành gia đình cũng phổ biến. Lên Youtube và tìm các phim tư liệu về nội dung này là sẽ thấy ngay sự bất cập của luật pháp về vấn đề này..

Về năng lượng thì mỗi người ở Mỹ trung bình xài năng lượng gấp 7 tới 20 lần những người ở các nước thế giới thứ ba. Và tất nhiên là đa số trong đó là nhiên liệu hóa thạch. Tính ra thì trung bình một người ở Mỹ xài hơn 7 tấn dầu một năm. Mỹ là một trong những nước cuối cùng không ký hiệp định Kyoto để cắt giảm khí thải. Và tất nhiên đây là một quốc gia đóng góp tích cực cho việc thay đổi khí hậu. 

Nước Mỹ lợi dụng và đầu độc các nước thuộc thế giới thứ ba. Tất cả sản phẩm tốt nhất từ các nước đang phát triển xuất khẩu qua Mỹ với giá rẻ mạt. Và Mỹ xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao ngược lại cho các nước đó với giá cắt cổ. Trong khi đó, lòng tin giữa con người với con người ngày càng ít đi. Ở đây thì chồng không có nhưng chó thì nhất định phải có một con. Đơn giản là vì không có con gì trung thành bằng con chó. Con cái cũng có thể không có nhưng chó thì phải có. Ở Mỹ, người ta không đủ tự tin hoặc sợ phải đặt lòng tin vào một ai đó. Thế nên người ta tạo ra loài chó. Khoa học đã chứng minh chó là loài do con người tạo ra qua chọn lọc nhân tạo mà.

Tôi chưa từng có cái Tết nào mà thấy không có một tý không khí Tết nào như ở Mỹ. Có tiền cũng chẳng biết lì xì ai. Tết cũng đúng duy nhất một ngày mùng một. Nói chung là chán kinh khủng. Ai coi kịch “Người nhà quê” của chú Hoài Linh rồi sẽ hiểu được. Và tất nhiên là còn nhiều vấn đề khác nữa nếu sống đủ lâu sẽ nhận thấy.

Tất nhiên xã hội hiện đại cũng có những ưu điểm nhất định mà chúng ta không thể phủ nhận được. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là những công nghệ hiện đại có đem lại hạnh phúc cho con người không? Hay là điều ngược lại? Cá nhân tôi thì nghĩ là không. Mặc dù tôi cũng là một tín đồ công nghệ. Nhưng nó cũng giống như việc có tiền không mua được hạnh phúc vậy.

Tôi có ông chú làm bác sĩ. Tết năm ngoái tôi có về thăm, chú hỏi một câu làm tôi nhớ mãi. “Mấy thằng giỏi giang như tụi bay đi hết rồi thì ai ở lại cái đất nước này nữa?”. Ông chú nói tiếp: “Nếu như ai học bác sĩ rồi cũng ở lại Sài Gòn sống thì chắc dân tỉnh chết hết rồi, vì có ai đâu mà khám chữa bệnh?”.

Nhiều người bảo tôi nên ở lại vì tương lai con cái sau này. Sao lại phải hy sinh đời cha củng cố đời con? Sau này nếu con tôi thật sự muốn đi Mỹ, tôi sẽ chỉ cho nó cách để làm được chuyện đó. Tôi nghĩ đây cũng là tư tưởng khá sai lầm. Đó là tích góp mọi thứ tốt nhất cho thế hệ sau. Những thứ này không phải do tụi nó tạo ra được nên khá chắc chắn là tụi nó sẽ không trân trọng. Tư tưởng này ảnh hưởng rất xấu đến xã hội vì người ta sẽ cố gắng gom góp, tích góp và sẵn sàng làm những điều không tốt để có của cải dành cho thế hệ sau. Cái duy nhất nên để lại cho con cái là cái đầu, là cách tư duy. Chỉ vậy thôi là đủ. Nó sẽ tự biết phải sống sao.

Sau này lỡ con tôi lớn lên, nó hỏi: “Sao cuộc đời của ba mà ba không sống vì ba? Sống vì con làm gì? Sau này lớn lên con cũng tự đi trên con đường của mình thôi”. Biết trả lời nó sao bây giờ? À mà quên, nếu lỡ đẻ con ở Mỹ, khả năng cao là sau này nó sẽ không nói tiếng Việt với mình. Lúc đó nói chuyện với tụi nó cần phải đeo Google Glass để có thể dịch sang tiếng Việt.

Nếu ở Việt Nam mà hài lòng với tất cả mọi thứ mình đang có thì chẳng có lý do gì để ra đi cả. Bài viết hoàn toàn dựa vào quan điểm cá nhân và kinh nghiệm bản thân. Mỗi người mỗi cảnh. Có thể sẽ không đúng với bạn.

>> Chuyên gia dầu khí ở FPT Software

Đỗ Tấn Hưng

Ý kiến

()