Chúng ta

Về hay ở?

Thứ tư, 9/12/2015 | 09:47 GMT+7

Ông cha đã đổ xương máu mở mang bờ cõi địa lý của mảnh đất hình chữ S này, đến lượt các bạn trẻ - chúng tôi mong muốn các bạn mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước, các bạn là những người lính xung kích trong trận chiến cam go này. Các bạn mang Trí tuệ Việt Nam đến đâu thì bờ cõi trí tuệ Việt Nam mở mang đến đấy.

Tôi nói luôn quan điểm của tôi: về hay ở là việc của từng cá nhân. Tôi tin rằng các bạn đủ trưởng thành như một công dân để quyết định - kể cả khi người thân có can thiệp thì quyền quyết cũng thuộc về các bạn. Về chưa chắc đã là tốt, và ở chưa chắc đã là không tốt. Có thể nêu ra đủ ví dụ chứng tỏ về là không tốt, nhưng cũng có thể có nhiều ví dụ chứng tỏ ở là không tốt.

Về hay ở là việc của từng cá nhân, kể cả khi các bạn nhận kinh phí du học nhà nước. Trong trường hợp này, các bạn cần tự nguyện "nộp phạt" theo quy định, và với nhà nước, chỉ cần vận động, để chẳng hạn 70% các bạn đi du học theo dự án phát triển nhân tài cho đất nước về làm việc - là hoàn thành kế hoạch. Chẳng ai cầu toàn 100% cả, cũng không nên biến thành kiện cáo như thời gian qua ở Đà Nẵng. Tôi phản đối việc Đà Nẵng cứng nhắc không gia hạn cho các bạn ấy đi học tiếp (bằng kinh phí tự túc) để có bằng cấp cao hơn. Tại ĐH FPT, khi cấp học bổng toàn phần kèm theo điều kiện làm việc theo sự phân công của FPT khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi sẵn sàng gia hạn nếu các bạn đi học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ. Học được là tốt.

Thanh Hóa quê tôi, nếu không tính Hà Nội và TP HCM thì là tỉnh đông dân nhất nước, được tính là đất học từ xưa đến nay, với kết quả thi tốt nghiệp, với số giải thi quốc gia hằng năm đứng nhất nhì toàn quốc. Hiện nay, có cả trăm ngàn sinh viên Thanh Hóa đang "du học" tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, mỗi năm mang đi hơn 5.000 tỷ đồng tương đương số tiền thu ngân sách của cả tỉnh. Và các bạn biết không: 90% con số này học xong không về lại Thanh Hóa. "Sao" thì cũng là "sao", mà "không sao" thì cũng là "không sao".

Trong các bạn, bao nhiêu người sau khi học xong trở lại làm việc tại tỉnh thành nơi sinh ra mình? 100 năm trước, cuộc đời của đa số người dân Việt giới hạn trong lũy tre làng - cán bộ có thoát ly đi làm cho nhà nước thì khi về hưu cũng về lại cố hương. 50 năm nay, lũy tre làng đã không còn giới hạn nữa, mà việc dịch chuyển dân cư từ nông thôn ra thành thị, từ tỉnh nhỏ vể tỉnh lớn đã là lẽ đương nhiên. 10 năm trở lại đây, dịch chuyển đã mang tính toàn cầu với khái niệm ngày càng phổ biến là công dân toàn cầu. Chẳng ai cản được toàn cầu hóa.

Với sinh viên FPT - chúng tôi cũng nói rằng phạm vi làm việc của các bạn là toàn cầu, cạnh tranh là cạnh tranh toàn cầu. Chúng tôi cũng chia sẻ định nghĩa của Diễn đàn Kinh tế Thế giới "chất lượng của hệ thống giáo dục sau phổ thông là việc đáp ứng nhân lực cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa". Ông cha đã đổ xương máu mở mang bờ cõi địa lý của mảnh đất hình chữ S này, đến lượt các bạn trẻ - chúng tôi mong muốn các bạn mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước, các bạn là những người lính xung kích trong trận chiến cam go này. Các bạn mang Trí tuệ Việt Nam đến đâu thì bờ cõi trí tuệ Việt Nam mở mang đến đấy.

Đất lành chim đậu. Chim đậu ở đâu nhiều thì ở đó đất chắc lành hơn. Muốn chim về nhiều, thì làm sao cho đất trở nên lành hơn - và đây không phải là trách nhiệm của chim.

Tại cơ sở đào tạo ĐH FPT tại Hòa Lạc, chúng tôi đang muốn cải tạo bán đảo nhô ra hồ nước thành một hòn đảo nhỏ, cho cây cối mọc theo kiểu nguyên sinh, và mơ ước vài năm sau có nhiều chim cò về làm tổ ở đây...

Lê Trường Tùng

Ý kiến

()