Chúng ta

Từ một câu chuyện trên mạng xã hội

Thứ ba, 5/5/2015 | 10:48 GMT+7

Facebook và việc đọc sách, hai chuyện tưởng như chẳng có liên quan gì với nhau. Nhưng với thời đại bùng nổ thông tin và mạng xã hội như hiện nay, hai chuyện ấy lại có sự liên hệ không nhỏ, dù cũng rất tình cờ.

Tôi đọc được trên Facebook một câu chuyện xã giao của hai cô gái tại bãi giữ xe. Một cô mặc áo hoa váy đen rất sành điệu nói rằng: “Những người đi vào nhà sách, mua sách và về nhà đọc sách là những người dở hơi và rảnh rỗi. Thời nay báo mạng là nhất, vừa nhanh vừa rộng”. Vì câu nói đó, cô bị ném đá. Có lẽ điều cô nói làm tổn thương nhiều người. Nhưng nó cũng đang chứng tỏ một thực tế rằng trong thế giới hiện đại xoay chiều này, văn hóa đọc đang dần trở thành một khái niệm mơ hồ, đặc biệt là đối với những người trẻ.

Khi thời đại thông tin bùng nổ, báo mạng lên ngôi và thông tin lá cải xuất hiện tràn lan đến thừa mứa thì văn hóa đọc của công chúng dần có những sự thay đổi. Thay vì chọn báo in, mọi người đọc báo mạng. Thay vì đọc sách, mọi người chọn trang tin. Đây là một chuyện hết sức bình thường khi thế giới đã thay đổi, chúng ta có những lựa chọn khác nhau cho nhu cầu của mình. Tuy nhiên, điều này vô hình lại làm biến thể lựa chọn của không ít bạn trẻ. Nó dấy lên lo ngại về sự đi xuống trong nhận thức và nội tâm của người trẻ khi bủa vây họ là những thông tin vô bổ, nhảm nhí, nhăng nhít nhưng có sức công phá khủng khiếp.

Những thông tin lộ hàng, ăn mặc hở hang, những câu chuyện không đúng sự thật thể hiện tác nghiệp báo chí dễ dãi xuất hiện đầy rẫy chỉ cần một cú nhấp chuột. Thay vì đến nhà sách, thư viện, thì người trẻ chẳng còn buồn đi ra ngoài, vì mọi thứ họ có thể tìm thấy ở internet. Và vì có quá nhiều thứ hay ho (với họ) ở thế giới công nghệ bốn phương, nên họ lao vào chúng như con thiêu thân: nghiện mạng xã hội, nghiện những thông tin lá cải,... mất đi phương hướng trong chọn lọc.

Chẳng ai nói đọc những điều đó là sai. Mỗi người có sự lựa chọn của mình, nhưng sẽ là nguy hại nếu để chúng chi phối và dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ. Nhiều người trẻ nói rằng họ không biết đọc sách để làm gì trong khi họ có vô vàn sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí và học tập của mình.

Một cuộc điều tra của Trung tâm Văn hóa trẻ em trên qui mô cả nước cho thấy trong tổng chi phí của gia đình cho trẻ em/tháng, số tiền dành cho việc mua sách, báo chí chiếm 2%, có phụ huynh trả lời rằng “không có thói quen mua sách” và “không có tiền mua sách”. Một thực tế đáng buồn khi trẻ thơ là lứa tuổi dễ thẩm thấu và hình thành thói quen nhất. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ rằng niềm say mê đọc sách đến với ông từ những câu chuyện cổ tích do bà và cậu kể từ thuở nhỏ. Từ những câu chuyện sinh động và đầy màu sắc đó, ông đã tìm đến sách để thỏa sức với sự tò mò và ước muốn khám phá của trẻ thơ. Nhờ đó mà giờ đây chúng ta có một nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tài năng. 

Đừng vin vào lí do gì để biện hộ cho việc không thích đọc sách. Không một lĩnh vực nào bạn thành công mà không cần đọc sách. Giờ đây chúng ta cũng có thể đọc sách trực tuyến. Vì vậy, nếu không có tiền mua sách, thì có thể vào thư viện đọc. Nếu không thể mua sách và đến thư viện, thì lên mạng tìm đọc. Quá dễ dàng và những giá trị bền lâu là không thể phủ nhận được.

Quay trở về câu chuyện trên mạng xã hội. Cô gái viết dòng trạng thái trên Facebook, cũng là người trò chuyện cùng cô mặc áo hoa váy đen, chỉ mỉm cười và nói rằng: “Vậy à? Mình đang chuẩn bị đi nhà sách đấy!”. Câu trả lời là mặc dù có không ít những trường hợp lệch pha thì không phải người trẻ nào cũng quay lưng với sách!

Từ câu chuyện trên mạng xã hội, có thể thấy rõ những lợi ích trong thời đại công nghệ lên ngôi khi mọi người có thể chia sẻ ý kiến và quan điểm riêng của mình. Thời nào cũng vậy, thứ gì cũng có hai mặt, quan trọng là chúng ta phải biết chọn lựa để không lún sâu vào những vũng bùn thông tin mà quên mất những giá trị truyền thống không bao giờ cũ và lỗi thời, trong đó có việc đọc sách.

Yến Nhi

Ý kiến

()