Chúng ta

Tự bơi

Thứ ba, 8/12/2015 | 09:56 GMT+7

Tôi may mắn là một trong những người chứng kiến chặng đường này. Thất bại là mẹ thành công, hay ngược lại, thành công đi kèm nhiều thất bại. Về mặt cá nhân, trong số hơn 500 thành viên hiện nay, và chắc một con số tương đương các bạn đã đến và đi (ra ngoài hay về FPT Software), bao nhiêu người thành công, bao nhiêu người còn trăn trở?

Lúc vào công ty, tôi ấn tượng bởi tâm sự của giám đốc FPT Japan đầu tiên - Bùi Thị Hồng Liên - về một giấc mơ xây một môi trường phát triển cho các kỹ sư trẻ thừa nhiệt huyết thiếu kinh nghiệm. Còn nhiều năm nay, giấc mơ ấy ít được nhắc lại mà thay vào là những con số về doanh thu về tăng trưởng về số lượng thành viên. Ừ rằng dù là giấc mơ hay là con số thì kết quả chắc vẫn thế, nhưng con số dẫu sao vẫn thực tế quá, trần trụi quá, mà giấc mơ thì lại dễ bị lãng quên. Phải chăng khi còn khó khăn thì thường mơ mộng hơn, lãng mạn hơn, nghĩ theo lý tưởng hơn? Tôi chắc ngày xưa những năm 1999 và sau đó khi mà các anh Nguyễn Thành Nam khởi nghiệp ra nước ngoài, thì cũng nhiều lý tưởng hơn là con số.

Bây giờ thì nhiều điều kiện rồi, FPT cũng đã lên sàn chứng khoán, giấc mơ lùi lại cho những mục tiêu thực tế hơn: Mang lại lợi ích vật chất cho các cổ đông, trở thành công ty hàng đầu thế giới, doanh thu 1 tỷ USD ở nước ngoài, 3 vạn nhân viên làm việc cho các khách hàng quốc tế. Mục tiêu vẫn rất đẹp, nhưng còn ai nói câu chuyện mục tiêu ấy đem lại gì cho Việt Nam nhỉ? Chắc chắn là tốt rồi, nhưng khi đó nền IT của Việt Nam phát triển như thế nào, các kỹ sư Việt Nam sẽ có cơ hội gì và quan trọng là họ cần gì? Hay là khi đó FPT không còn là đại diện của Việt Nam nữa nên không cần suy nghĩ về việc này?

Có lẽ câu trả lời sẽ cần do lớp trẻ chúng tôi tìm kiếm và giải đáp cho chính mình. Nói đến các đồng nghiệp, một trong những lý do tôi vẫn trụ lại là được làm việc với rất nhiều con người tài giỏi. Xông xáo đầy năng lượng ở tiền tuyến như Phó TGĐ FPT Software Trần Đăng Hoà, Phó GĐ FSU11 Nguyễn Đức Kính, Delivery Manager Lê Téc Nen, rồi Phó GĐ FPT Japan Nguyễn Việt Vương, Giám đốc phát triển kinh doanh FPT Japan Hồ Việt Hồng, Trưởng phòng Nhân sự - hành chính Phạm Quỳnh Như, hay vững chắc giữ hậu phương như Phó TGĐ FPT Software Đỗ Văn Khắc, chị Hương, chị Nguyễn Ngọc Bích; các bạn tiên phong mở rộng khách hàng đầy tài năng như Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Hoàng Linh, và không thể quên các anh chị nằm vùng ngày đêm làm cầu nối nơi khách hàng như chị Mai Đoan Phượng, anh Hoàng Xuân Thắng, anh Phạm Thanh Hà, anh Võ Kim Sơn, anh Nguyễn Duy Vinh... thật nhiều không kể hết.

10 năm đi qua, mở ra 10 năm mới. 10 năm nay, ai ở FPT Japan cũng đều thấm thía việc "phải tự bơi". Thực ra bản thân FPT Japan cũng đang phải cố tự bơi. Tất nhiên có người đi trước hướng dẫn, hay là có khách hàng chỉ bảo. Nhưng đó là 5%, còn lại 95% là nỗ lực từng người. Bác Ogawa cố vấn năm nay gần 80 vẫn hăng say làm việc, cũng dặn dò rằng: trung bình tuổi một công ty là 30 năm, FPT Japan được 10 năm, vẫn còn trẻ con, cần phải cố gắng tiếp nữa để thực sự trưởng thành.

Tôi chợt nhớ một câu chuyện trong bộ phim của Tom Hank - Catch me if you can: "Có hai con chuột rơi vào cốc sữa. Một con từ bỏ, rơi chìm chết đuối. Một con cố gắng dãy dụa, khiến sữa bị khuấy biến thành phô mai".

10 năm tới, FPT Japanlà con chuột nào, các bạn và tôi, sẽ là con chuột nào?

Nguyễn Hữu Long

Ý kiến

()