Chúng ta

Trước hết, hãy tử tế với chính mình

Thứ bảy, 25/4/2015 | 11:59 GMT+7

Có một câu đại loại là, nếu bạn không yêu chính mình thì người khác làm sao yêu bạn được. Chuyện tử tế, tôi nghĩ rằng có thể áp dụng theo luật câu nói trên.

Tôi có nghe người bạn kể câu chuyện thế này. Em họ của bạn tôi là một cô bé rất thích tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là những hoạt động giúp đỡ người khó khăn, neo đơn. Em tham gia các hoạt động thường xuyên và đều đặn mỗi tháng. Em thường chụp ảnh và chia sẻ lên Facebook với tấm lòng yêu thương con người rất đáng để trân trọng. Quả là một câu chuyện tử tế giữa người với người trong cuộc sống còn nhiều khó khăn và vất vả. Tiếc, là nó không tròn đầy. Tôi lặng đi khi nghe một câu chuyện khác, cũng liên quan đến em.

Em không bao giờ phụ giúp cha mẹ làm bất cứ chuyện gì. Những ngày rảnh rỗi, em thường rủ bạn đi giúp đỡ người khác. Em không ngại nắng, không ngại mưa, chẳng ngại dơ bẩn, nhiệt tình hết mình với các hoạt động bên ngoài. Nhưng, khi về đến nhà, khi không còn ai có thể thấy hành động đẹp đẽ của em, không còn những chiếc máy ảnh lia qua lia lại, em lại tháo chiếc áo ấy ra, như là nó quá chật chội trong căn nhà nhỏ bé chỉ có cha mẹ và em.

Mặc cho cha mẹ làm lụng cực khổ, em chưa bao giờ động một ngón tay vào công việc nhà, dù chỉ là nhặt một ít rau, rửa vài cái chén. Em bảo em bận học, bận đủ thứ chuyện trên đời mà liếc nhìn có thể thấy em đang mãn nguyện khi những cái ảnh em đi làm vệ sinh đường phố được mọi người tán dương, ca tụng và “like” liên tục trên mạng xã hội.

Một câu chuyện nghe qua giật mình nhưng rồi ngẫm lại mới thấy nó khá phổ biến hiện nay. Thế giới vừa ảo vừa thực ở mạng xã hội, và không chỉ riêng mạng xã hội, đã đẩy con người đi xa khỏi sự tử tế chuẩn mực mà họ hằng ao ước. Tử tế ảo, tôi gọi nó là thế. Sự giúp đỡ là có thực, nhưng giúp đỡ để mong nhận lại những lời ca ngợi thì đã xa rời cái sự tử tế ban đầu mất rồi. Có khi chúng ta làm một việc mà phải suy nghĩ đắn đo, không biết có lợi cho mình không, lòng tốt với một ai đó đôi khi là sự cân đo đong đếm kĩ lưỡng và chính xác đến từng hành vi. Sự tử tế lúc ấy không còn là chính nó nữa, biến đổi gen mất rồi.

Chẳng có gì khó khăn để tử tế. Và cũng dễ lắm, trở thành một người không tử tế. Bởi vì, chỉ cần một hành động, thì người ta có thể gọi bạn là tử tế. Và cũng chỉ một hành động, bạn biến thành không tử tế. Quan trọng là bên trong bạn, con người bạn có thật tử tế hay không.

Có một lần tôi và người bạn đi ăn tại một quán mì tự phục vụ của Nhật. Thấy những người phía trước cứ đứng tần ngần ngắm nghía mãi trước quầy tempo, bạn tôi bưng khay mì vượt lên trước mà không hay mọi người đang xếp hàng để tính tiền. Bạn tôi nhận ra điều đó khi đã ở sát quầy tính tiền. Mắc cỡ, ngại ngùng là cảm giác đầu tiên. Bạn tôi nhanh chóng nhường chỗ cho những người phía sau và lui xuống phía cuối xếp hàng lại.

Trong một khoảnh khắc, có thể mọi người đã nói bạn không tử tế. Nhưng với tôi, bạn thật sự tử tế. Việc bạn vô tình làm một việc khiến người khác thấy kì cục, thiếu tử tế nhưng bạn kịp thời nhận ra và sửa chữa nó đáng quý hơn vạn lần một việc tử tế được tính toán chi li. Chuyện người khác đánh giá bạn như thế nào không quan trọng bằng việc bạn đối xử với chính mình.

Và khi đã tử tế với bản thân, việc người khác tử tế với bạn cũng là một chuyện hiển nhiên, rất đỗi bình thường. Nếu bạn không tử tế và nhất quán với chính mình, làm sao bạn có thể bắt người ta phải tử tế với bạn chứ.

Trương Yến Nhi

Ý kiến

()