Chúng ta

'Trái ngọt' nảy mầm từ thất bại

Thứ hai, 29/8/2016 | 08:54 GMT+7

Khi học ở ĐH FPT, bạn có thể thấy mỗi sinh viên trong trường có điểm đặc biệt riêng. Điểm đặc biệt của tôi là sinh viên đầu tiên của trường, có mã số 00001. 

10 năm trước, sau khi thi đại học, vô tình đọc được trên mạng thông tin giới thiệu về ĐH FPT, tôi cảm thấy cực kỳ hấp dẫn: Giáo trình quốc tế, môi trường năng động, khoá học kỹ sư phần mềm do tập đoàn dẫn đầu đất nước về công nghệ thành lập.

Tính tôi cũng rất thích thử nghiệm điều mới nên đã gọi điện cho trường hỏi về phương thức đăng ký nhập học. Hạn nhập học “thực tế” là 30/11, thế nào mà tôi lại nhầm thành 30/10. Nhìn lịch thì đã là ngày 28. Không chần chừ, tôi chạy đi thuyết phục bố mẹ cho nhập học ngay. Sau đó, tôi mới biết mình đăng ký nhập học sớm đến cả tháng. Đổi lại cho 2 ngày tất bật làm hồ sơ chính là mã số sinh viên độc nhất vô nhị này. Ngoài ra, vì nhập học sớm, tôi còn được nhà trường tặng một cái laptop để dùng đi học.

Tôi nhận ra, nếu việc đã quyết rồi thì đừng chần chừ. Việc đằng nào mình cũng làm thì làm sớm bao giờ cũng tốt hơn làm muộn. Người dũng cảm đi đầu bao giờ cũng có phần thưởng lớn hơn người theo chân kẻ khác.

Tời gian ở ĐH FPT là quãng thời gian có nhiều kỷ niệm đẹp và cũng là “vốn sống” cho tôi sau khi ra trường: từ những ngày tháng đi tập quân sự ở Xuân Hoà, làm quen được một bạn nữ mà bây giờ đã trở thành vợ mình rồi những ngày tháng đi học ở trường, thức đêm ôn thi, làm dự án… Tuy nhiên, câu chuyện đáng nhớ nhất với tôi chính là việc thành lập CLB Cờ vây.

Tôi mê cờ vây từ những năm học cấp 2. Thời ấy ở Hà Nội muốn kiếm được người chơi cờ cùng thực sự là rất khó. Bao nhiêu năm chơi cờ trên mạng, lúc nào tôi cũng “ao ước” có được một CLB để mình đến chơi mà không tìm đâu thấy được. Mãi đến khi vào trường tôi mới nảy ra một ý nghĩ nếu cái gì mình muốn mà chưa có thì tự mình lập ra.

Ba là con số thành viên đầu tiên của CLB. Bốn tháng liền sau đó, cứ một tuần 3 buổi, chúng tôi hẹn nhau ở sảnh tầng 2 toà nhà Detech (là trụ sở trường bấy giờ) ngồi chơi cờ với nhau. Có những hôm đủ 3 người thì 2 người đánh một người xem, có 2 người thì tự chơi với nhau. Có những hôm chỉ có mình tôi tới, 2 bạn kia không tới được. Tôi vẫn phải ngồi đấy, tự chơi cờ một mình, để đảm bảo lịch CLB hoạt động nghiêm túc, đề phòng có thành viên tiềm năng tìm đến còn tiếp đón.

Bốn tháng rồi 5 tháng trôi qua, chẳng mấy chốc CLB đã có đến hàng chục thành viên. Sau 10 năm, trải qua 5 đời chủ nhiệm, CLB Cờ vây của tôi vẫn tiếp tục có các thế hệ đàn em nuôi dưỡng và phát triển, trở thành một trong những câu lạc bộ lâu đời nhất trường.

Quả thực khi ta xây dựng bất cứ thứ gì cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Chỉ có lòng kiên trì và nhiệt huyết đến cùng mới giúp ta làm được điều ta muốn. Ý tưởng “Nếu cái gì mình muốn có mà chưa có thì tự tạo ra nó" sau này tôi nhận ra cũng chính là bản chất của start-up. Start-up về cơ bản chỉ là mình nhận thấy thế giới xung quanh còn thiếu một cái gì đó, thay vì ngồi chờ đợi ai đó làm cho mình, thì tự bản thân xắn tay áo lên và tạo ra nó.

Vừa ra trường, tôi may mắn được nhận vào làm tại FPT Software. Làm việc ở đây một vài năm, tôi bắt tay làm start-up. Tôi bắt đầu quãng thời gian dài với rất nhiều thất bại nối tiếp nhau. Làm mạng xã hội không thành công, làm app mobile không có người dùng, làm game không thu được lợi nhuận. Mãi tới gần đây, tôi đã có một chút thành công nho nho với TechKids coding school - trường dạy lập trình cho người trẻ tuổi và cả các em học sinh cấp 2, cấp 3.

Câu chuyện thành lập TechKids lại bắt đầu ý tưởng sau nhiều lần tôi thất bại. Tôi cảm thấy giá mà mình được học lập trình sớm hơn thì tốt biết bao. Ngày còn làm việc ở FPT Software, có một lần đi công tác ở Đức tôi có làm việc cùng một cậu người Đức bằng tuổi nhưng kỹ năng lại tốt hơn tôi rất nhiều. Hỏi ra mới biết, cậu ấy đã học lập trình từ rất nhỏ và đi làm việc từ năm 12 tuổi. Rất nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành công nghệ như Mark Zuckerberg hay Bill Gates cũng như vậy, đều đã học lập trình từ khi còn nhỏ. Nhìn lại tôi đến lúc học đại học mới viết những dòng code đầu tiên, trong lúc học đôi khi lại “lười biếng”.

Nghĩ lại vậy, tuy tôi trót học muộn và “trót lười” nhưng vẫn có thể làm được một việc là giúp các em nhỏ học sớm hơn để phát triển tài năng. TechKids bắt đầu từ việc dạy lập trình bổ trợ cho các sinh viên, sau đó dần dần trẻ hoá học viên. Tôi mở thêm các lớp nhận học sinh cấp 3. Đến hiện tại, tôi đã có những lớp dạy lập trình cho các em nhỏ từ lớp 6 đến lớp 9. Đây có thể nói là thành công nho nhỏ đầu tiên của tôi và các cộng sự trên con đường lập nghiệp.

Từ câu chuyện của bản thân, tôi rút ra bài học, hãy cố gắng nhìn về phía trước, sớm nghĩ xem khi ra trường mình muốn làm việc gì, học tập nghiêm túc để có thể định hướng rõ ràng con đường tương lai. Có thể sẽ nhiều thất bại nhưng đừng nản chí. Cứ lạc quan bước tiếp nhất định sẽ có một tương lai tươi sáng đón chờ chúng ta.

Tôn Hồng Đức

Các tân sinh viên ĐH FPT khóa 12 tại Hà Nội và TP HCM đã tham dự lễ khai giảng vào sáng ngày 27/8. Điểm đặc biệt của lễ khai giảng đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của ĐH FPT tại Hà Nội là sự xuất hiện của sinh viên có mã số đầu tiên tại trường - anh Tôn Hồng Đức. Hiện, anh khá thành công với công ty start-up về dạy lập trình cho học sinh phổ thông.

Ý kiến

()