Chúng ta

Tiểu tiết

Thứ sáu, 12/12/2014 | 11:57 GMT+7

Việc viết đúng từ, đúng chính tả khi lớn lên trẻ sẽ tự điều chỉnh được, còn tư duy mà không học được thì sau này sửa rất khó, lớn rồi vẫn suy nghĩ lặt vặt.

Con gái học lớp 1. Hết học kỳ, trường mời bố mẹ đến nói chuyện về kết quả học tập với thầy giáo. Bài tiếng Anh, con gái phải viết 3-5 câu kể chuyện theo một bức tranh cho trước. Bố thấy có nhiều lỗi chính tả, lỗi dùng từ sai mà vẫn được điểm cao. Thầy giải thích, chương trình học chú trọng vào việc đánh giá học sinh có tư duy và sắp xếp được ý hay không, còn việc có lỗi sai từ hay lỗi chính tả không quan trọng, có nhận xét nhưng không trừ điểm. Ví dụ, tranh có 4 con ngựa mà trẻ viết là "for horses" thì vẫn được chấp nhận, vì ý của trẻ đúng, chỉ chưa quen từ thôi.

Mình thấy thú vị và tự nhiên so sánh với cách dạy truyền thống trước nay. Ngay khi còn bé, trẻ con đã bị bắt những lỗi lặt vặt, khiến chúng lo sợ, chú ý vào những thứ đó mà quên đi phần quan trọng hơn là tư duy và thể hiện ý của mình. Các thầy cô cũng ít đánh giá khả năng tư duy độc lập của trẻ, có thể một phần vì nội dung phải theo khuôn mẫu định trước, cứ thế mà viết khỏi phải nghĩ.

Việc viết đúng từ, đúng chính tả khi lớn lên trẻ sẽ tự điều chỉnh được, còn tư duy mà không học được thì sau này sửa rất khó, lớn rồi vẫn suy nghĩ lặt vặt. Ví dụ trong công việc, khi trình bày một vấn đề, ta hay đề cập qua loa đại khái những ý chính như mục đích, hướng đi, mà hay nhảy vào những tiểu tiết. Các ý phản biện cũng vậy, cãi nhau rất lâu về dăm con số, mà việc nên là bao nhiêu tại thời điểm này là không quan trọng, vì điều chỉnh trong quá trình lúc nào cũng được. Đọc những bài viết của ta và họ cũng thấy ngay sự khác biệt về tư duy.

Việc bắt trẻ con luyện chữ viết ở lớp 1 cũng là tiểu tiết. Trong môn tiếng Anh, bọn trẻ viết ngược cũng được chấp nhận (ví dụ d thành b, dog thành bog). Quan trọng là thầy cô hiểu rằng khi viết, chúng đã nghĩ về dog. Tụi trẻ rất hay viết ngược, nhưng lỗi đó chúng tự sửa được, không cần ép. Tiếng Việt bắt viết đúng, viết đẹp nhưng ngoài xã hội lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả tràn lan, chứng tỏ phương pháp đó đã không phát huy tác dụng. Sau vài năm, khi không bị ép nữa, tụi trẻ sẽ viết xấu và thực tế đa số người lớn viết không những xấu mà còn không đọc nổi. Môn viết chữ đẹp rất hay nhưng nên là môn tự chọn, có lẽ ở cấp 3. Khi đó người học đã ý thức được điều mình muốn, theo học nghiêm túc vì động cơ nội tại, do đó sẽ duy trì được lâu. Thay vì xấu trước đẹp sau, ta lại chọn đẹp trước xấu sau - đẹp được 2-3 năm lúc bé tí rồi xấu cả đời.

Hy vọng con cái được giáo dục tốt hơn và vượt cha anh.

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()