Chúng ta

Thiên nhiên và bệnh đổ thừa

Thứ năm, 12/7/2018 | 09:16 GMT+7

Chúng ta đang chứng kiến những ngày tháng khốc liệt nhất của thiên nhiên. Hà Nội cũng vừa trải qua những ngày nắng nóng gay gắt.

Quebec và Montreal Canada cũng vừa trải qua những ngày nắng nóng cao độ: nhiệt độ thông báo chỉ 35 độ C, thế nhưng nhiệt độ thực tế cảm nhận lên đến 45 độ C; số người chết vì nắng nóng lên đến con số 54, trong đó Montreal 28 người, Quebec 17 người.

Nhật Bản đang trải qua đợt mưa lớn dẫn đến lũ lụt, lở đất khủng khiếp. Hơn 2,2 triệu người phải đi sơ tán, hơn 160 người chết và mất tích. Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước, hàng nghìn ô tô bị nước cuốn trôi.

Montreal và Quebec cũng bê tông hoá, nhưng chắc chắn họ không chặt cây. Thế mà trời vẫn nóng, nhiều người chết vì nóng. Nhật Bản chắc chắn không phá rừng, không làm thuỷ điện. Thế mà vẫn lũ lụt, vẫn lở đất.

Người Canada và người Nhật Bản đang cắn răng chịu đựng, đoàn kết, thương yêu nhau, động viên nhau vượt qua thiên tai.

Còn người Việt Nam thì sao? Hà Nội nóng: "Tại vì chặt cây", "Tại vì lấp hồ", "Tại vì bê tông hoá". Lũ quét Sơn La: "Tại vì chặt cây, phá rừng", "Tại vì làm thuỷ điện", "đấy là sự giận giữ của ông trời", "phải trả giá cho tội lỗi chặt cây, phá rừng, tội lỗi làm thuỷ điện".

Sự khác nhau lớn nhất là thay vì cắn răng chịu đựng, đoàn kết, thương yêu nhau, động viên nhau vượt qua thiên tai như người Nhật Bản, người Canada thì người Việt Nam chúng ta lại chia rẽ, không đoàn kết, đổ thừa tại người này, tại người kia, tại chính quyền, thậm chí có nhiều người còn hả hê vì tôi đã đúng, ngày trước tôi đã đi biểu tình "phản đối chặt cây".

Đúng như TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch công ty MYLAN, người mang thung lũng Silicon về Trà Vinh: "Ở Việt Nam, bệnh đổ thừa quá nặng". Cá nhân chưa thành công là tại cha mẹ nghèo, tại không vốn, tại hoàn cảnh, tại cấp trên, tại thể chế... Xã hội gặp vấn đề là tại người này, tại người nọ (trừ mình ra), tại chính quyền, tại thể chế. Chúng ta không có thói quen trước tiên hãy soi lại chính mình, xem mình chịu trách nhiệm đến đâu, mình phải thay đổi cái gì, mình phải làm gì, sau đó mới đến trách nhiệm của người khác, trách nhiệm của tổ chức.

Muốn xã hội thay đổi, trước tiên mỗi người chúng ta phải vượt qua chính mình, không đồ thừa cho hoàn cảnh, không đổ thừa cho người khác.

>> Hãy nghe 'Nữ thương' lái nói

Đỗ Cao Bảo

Ý kiến

()