Chúng ta

Thi đại học như đầu tư chứng khoán

Thứ ba, 25/8/2015 | 11:52 GMT+7

Qua cuộc thi đại học năm nay, dù đỗ hay trượt thì các em thí sinh và gia đình sẽ đều có kinh nghiệm xương máu về bài toán “đầu tư” đúng lúc, đúng chỗ. Bài toán mà các em đang phải đánh cược không phải bằng tiền mà bằng chính tương lai của mình.

Mấy ngày nay xôn xao chuyện nộp - rút hồ sơ của các thí sinh vào các trường đại học top nọ top kia. Không như mọi năm, đăng ký trường trước rồi thi và chờ đợi. Năm nay, các em được giao cho “quyền lực” lớn hơn khi thi trước rồi mới chọn trường phù hợp với điểm số. Nhưng để biết điểm số ấy thế nào là phù hợp thì cũng rất 5 ăn, 5 thua.

Hằng ngày, các em sẽ phải chờ đợi sự đăng ký của những thí sinh khác có cùng nguyện vọng và theo đó, điểm sàn dự kiến cũng tăng - giảm theo ngày. Việc của các em là phải cập nhật liên tục danh sách thí sinh đăng ký, nắm bắt điểm chuẩn tạm thời của các trường sau đó cân nhắc điểm thực tế của mình để đưa ra quyết định nộp hay rút, chẳng khác nào canh giá mã chứng khoán để mua hay bán.

Báo đài đưa tin, vào những ngày cuối cùng của giai đoạn đăng ký, hàng loạt thí sinh điểm cao mới bắt đầu nộp hồ sơ, đâu đó dẫn đến tình trạng điểm sàn có thể tăng đột biến, và vậy là các thí sinh thuộc top dưới sẽ phải lo lắng và phải quyết định ra đi hay ở lại. Chuyện không tránh khỏi và không thể đổ lỗi cho các thí sinh. Nhưng tình trạng hỗn loạn do nộp trước - nộp sau, rút ra - nộp lại sát giờ G bắt đầu. Công sức, tiền của ngỡ là tiết kiệm được lại đang tiêu tốn ở khúc này.

Không ai biết trước hôm nay sẽ có bao nhiêu thí sinh đăng ký vào trường A, trường B, điểm số cao hay thấp. Nên nói là trao quyền quyết định nhưng thực chất các em đang phải giao “số phận” cho số đông quyết định. Nếu sáng suốt và kịp thời một cách tương đối và có chút may rủi, các em sẽ lựa chọn được trường phù hợp, ngược lại, công sức 12 năm dễ phải xuống sông xuống bể.

Thiết nghĩ, quy trình xét tuyển mới vô hình tạo ra cho các em một áp lực không nhỏ có thể dẫn tới chuyện “chọn bừa”. Thay vì tiêu chí chọn trường mình mong muốn với ngành học mình yêu thích, các em sẽ phải chọn lại với tiêu chí trường có điểm đầu vào phù hợp. Chạy đua theo điểm số để tìm phương án an toàn. Chọn để đỗ đang được ưu tiên hàng đầu, nhất là với những kỳ vọng lớn lao của gia đình mà các em đang mang theo.

Chắc chắn sẽ vẫn có những trường hợp thí sinh điểm cao nhưng vì lo sợ nên phải chọn trường không như ý, và những trường hợp thí sinh đáng lẽ có thể đỗ nhưng vì không cập nhật kịp thời nên phải ngậm ngùi chia tay. Chuyện đã cũ ở các kỳ thi trước.

Những chuyện như đốt giấy chứng nhận, rút hồ sơ ồ ạt vào những ngày chót hay dù được phép nộp hồ sơ chuyển đổi tại địa phương nhưng vẫn lặn lội lên thành phố do tâm lý “chắc ăn” vẫn đang xảy ra. Chỉ thương các em phải đối mặt với nhiều thách thức, thi xong vẫn tiếp tục cân não trong cuộc đua vô hình với thời gian và cả vận may.

Mai Thanh Vân

Ý kiến

()