Chúng ta

Thái độ của chúng ta

Thứ sáu, 9/12/2016 | 15:18 GMT+7

Thắng khen, chê thua là chuyện bình thường. Nhưng vừa thắng đã cho lên mây, vừa thua đã dìm xuống bùn, thì lại không bình thường. 

Khi Việt Nam thua Indonesia 1-2 trên sân khách, tôi đã lo lắng rằng chúng ta sẽ bị loại. Theo quan sát của tôi, sân nhà chưa bao giờ là lợi thế đối với đội tuyển của chúng ta.

Ở AFF Cup 2008, chúng ta từng thắng Thái Lan trên sân khách 2-1. Khi trở về nhà, tới phút cuối cùng, Công Vinh mới ghi được bàn thắng gỡ hoà 1-1, qua đó giúp Việt Nam lần đầu tiên đoạt Cup.

Ở AFF Cup 2014, chúng ta thắng Malaysia trên sân khách 2-1. Khi trở về nhà, chúng ta đã thua cay đắng với tỷ số 2-4.

Và năm nay, chúng ta cũng không thể thắng trên sân nhà, trước khán giả nhà!

Vấn đề của VFF, của Ban huấn luyện, của các cầu thủ... đã được nhiều nhà chuyên môn phân tích mổ xẻ, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ. Tôi chỉ phát biểu với tư cách khán giả và nhận thấy hình như khán giả chúng ta... cũng có vấn đề.

Đầu tiên, tôi muốn nói đến cách cổ vũ của khán giả chúng ta.

Tôi đã từng đến sân Stamford Bridge của Chelsea, sân Arena của Bayern Munich xem bóng đá. Tôi thấy khán giả họ cổ vũ rất chuyên nghiệp. Mỗi khi đội nhà có bóng, tất cả đứng dậy cổ vũ. Âm thanh vang dội của sự cuồng nhiệt, như tiếng trống trận, đã tạo ra hào khí cho các đường lên bóng, làm cho chúng nhanh hơn, nguy hiểm hơn, khiến đối phương hoảng sợ hơn. Khi đội khách vừa giành lại bóng, họ lập tức ngồi xuống nghỉ ngơi, dành sức cho đợt cổ vũ tiếp theo. Và các đợt lên bóng của đội khách, luôn diễn ra trong bình lặng, như tiến quân mà không kèn không trống, không có hào khí và thực sự ít nguy hiểm hơn. Mỗi khi cầu thủ đội nhà có pha bóng hay, khán giả lập tức vỗ tay. Mỗi khi cầu thủ đội khách chơi xấu, khán giả liền huýt sáo la ó.

Khán giả Việt Nam cuồng nhiệt không thua kém khán giả châu Âu. Âm thanh mà chúng ta tạo ra cũng không hề nhỏ hơn. Nhưng sự cổ vũ của chúng ta không có người giữ nhịp, không thực sự đồng bộ với diễn biến trên sân. Tôi từng thấy những sóng người trên khán đài của sân Mễ Đình kéo dài miên man bất tận, bất kể đội nhà đang tấn công hay đang bị vây hãm. Nếu là người trung lập, có thể họ sẽ rất khó phân biệt, khán giả đang cổ vũ đội nào. Hình như khán giả Việt Nam vô tư hơn, nên cổ vũ đều cho hai đội!

Ngoài ra, nếu sự cổ vũ của khán giả có thể tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ đang thi đấu trên sân, thì sự kỳ vọng quá cao của khán giả cũng có thể trở thành áp lực to lớn, khiến cho những đôi chân trở nên căng cứng nặng nề.

Và thái độ, tình cảm của người hâm mộ luôn đóng vai trò quan trọng nhất.

Trong Word Cup 2006, đội tuyển Đức thua đội tuyển Italy 0-2 sau 120 phút, trong một trận bán kết. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, tất cả khán giả Đức có mặt trên sân đã đứng dậy. Họ không bỏ về. Họ đã đứng lại, khoác tay nhau, cùng hát vang những lời hát hào hùng. Họ hát để cám ơn các cầu thủ, đã chơi như những chiến binh đến giây phút cuối cùng. Thất bại không làm họ chia rẽ, mà lại khiến họ đoàn kết hơn. Tuy các cầu thủ là những người buồn nhất, nhưng họ được an ủi vì khán giả vẫn yêu mến và biết ơn họ.

Trong trận chung kết Seagame 2003, đội tuyển Việt Nam thua đội tuyển Thailand 1-2, trong hiệp phụ thứ nhất bằng một bàn thắng vàng. Cả một biển người đang cuồng nhiệt đột nhiên biến mất. Tất cả rũ quần áo đứng dậy ra về. Họ bỏ lại các cầu thủ nằm vật vã trên sân, những người mà mấy phút trước đã mang đến cho họ những cảm xúc tuyệt vời, khi Văn Quyến ghi bàn thắng vào giây phút cuối cùng, đưa trận đấu vào hiệp phụ. Nhiều người còn dành cho các cầu thủ và huấn luyện viên những lời sỉ vả với những tính từ khó nghe nhất. Và đội khách, tất nhiên, phải nhận huy chương vàng từ ban tổ chức trong một sân vận động không còn khán giả. Thật xấu hổ!

Bóng đá Việt Nam như hôm nay, trách nhiệm thuộc về ai? Về chuyên môn, trách nhiệm hiển nhiên thuộc về VFF, Ban Huấn luyện và các cầu thủ.

Nhưng chẳng lẽ truyền thông không có trách nhiệm gì? Thắng khen, chê thua là chuyện bình thường, nhưng vừa thắng đã cho lên mây, vừa thua đã dìm xuống bùn, thì lại không bình thường. Truyền thông đã khiến cho, chẳng quan chức bóng đá nào, chẳng huấn luyện viên nào, dù tâm huyết đến đâu, có đủ thời gian để xây ngôi nhà bóng đá Việt Nam từ nền móng.

Nhưng truyền thông cũng chỉ phản ánh... thái độ của khán giả chúng ta mà thôi!

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()