Chúng ta

Tế bào gốc

Thứ năm, 1/6/2017 | 10:30 GMT+7

FPT cũng từng trải qua thời kỳ khó khăn tột độ và buộc phải sa thải hàng loạt. Nhóm nhân sự còn lại chính là những Tế bào gốc.

Đinh Viết Hùng, sáng lập Design Bold và loạt khởi nghiệp khác, vừa gây sốt với bài: “Đi tìm tế bào gốc cho Start-up”. Nhờ có chút danh tiếng của tác giả, lại đúng lúc, nên lượt thích (like) và chia sẻ (share) tăng ầm ầm. Theo Hùng, start-up nào cũng phải hiểu rõ mình là ai qua cái gọi là Tế bào gốc, để chuyên tâm tránh lan man. “Nếu mọi người quan sát kỹ các mô hình start-up thành công, họ đều tập trung phát triển mọi thứ xoay quanh Tế bào gốc của mình, không tham lam, không ôm đồm”.

Sau đó, anh lấy ví dụ Tế bào gốc của WhatApps là “message - tin nhắn”, của AirB&B là “bed - nơi ngủ”… Anh cũng không ngại đưa ra thất bại mà ai cũng biết là The KAfe, và gán cho là vì thiếu Tế bào gốc.

Bài viết rõ ràng là đúng hướng, rất cần thiết cho start-up. Những ý tưởng tìm “Lợi thế cạnh tranh cốt lõi” của doanh nghiệp này đã được đề cập từ lâu trong các sách dạy kinh doanh. Nhưng nói là một chuyện, làm cực khó. Chẳng khác gì trả lời câu hỏi: “Ý nghĩa cuộc đời của anh/chị là gì?”.

Bản thân Hùng là một người lăn lộn, từng trải nên lời văn đơn giản, ví dụ trực diện, rõ ràng nên có ảnh hưởng lớn. Nhưng chính vì vậy, mình thấy hơi lo lắng cho việc định nghĩa Tế bào gốc của Hùng.

Nếu chỉ có mấy từ khóa kiểu PR như “chúng tôi chỉ bán trải nghiệm”… mà đã bảo đảm được tăng tỷ lệ thành công, e rằng chưa ổn. Chưa kể nếu nói bàn về giá trị cốt lõi của việc thành bại, không thể lấy mấy ví dụ còn quá nóng hôi hổi để làm cơ sở. 10 năm nữa, có ai chắc là những cái tên mà Hùng kể còn tồn tại. Cộng đồng khởi nghiệp, vốn đang được thổi lên một cách phù du, rất có thể thay vì đi dự hội thảo, gặp mặt, lại ngồi tập trung sứ mệnh và đúc kết giá trị cốt lõi.

Tuy nhiên, Hùng đã đưa ra một thuật ngữ rất hay là Tế bào gốc. Tôi cũng thử đưa ra khái niệm Gene, hay bạn Huy đưa ra DNA, nhưng phải công nhận Tế bào gốc (Stem Cell) là chữ dùng chính xác hơn hẳn.

Tế bào gốc cần một môi trường đủ chất dinh dưỡng để lưu trữ. Nếu DNA về cơ bản là hóa chất, có thể vương vãi hàng triệu năm vẫn còn, thì Tế bào gốc cần phải có một môi trường sinh hóa để nuôi nó. Tức là doanh nghiệp phải bỏ nguồn lực để nuôi.

Tế bào gốc là một thực thể sống, có khả năng tự nhân bản. Bù lại, trong khi DNA chỉ là một tập hợp các chất hữu cơ, vô tác dụng chẳng khác gì các “từ ngữ” trong sứ mệnh (mission), thì Tế bào gốc có thể tự nhân bản từ duy nhất một tế bào trở thành một cơ thể hoàn thiện. Trong những lúc gian nguy, chỉ cần có tín hiệu kích hoạt là Tế bào gốc sẽ tự hành động.

Tế bào gốc có khái niệm tuổi, tức là càng trẻ càng tốt. Trong khi DNA thường được các ông chủ đúc kết khi đã thành công, khi doanh nghiệp đã già, rất khó áp dụng ngay cho cả bản thân doanh nghiệp đó, nói gì đến người ngoài. Tế bào gốc, ngược lại, cần phải được xác định từ ngày đầu tiên, và càng sớm thì năng lực nhân bản càng cao. Không chỉ hữu dụng lúc khó khăn gian nguy, mà ngay cả lúc cần tăng trưởng mạnh mẽ.

Tóm lại, doanh nghiệp ngay từ đầu đã phải xác định được mô hình kinh doanh căn bản của mình là gì, đầu tư con người, tài chính để giữ lấy một nhóm, đánh dấu, cất kỹ, nhất là khi bước vào giai đoạn chạy theo vòng xoáy tăng trưởng. Khi nào cần nhân ra, hoặc mở rộng, cứ lấy Tế bào gốc đó ra mà làm mẫu.

Hồi làm FPT Software, ban đầu tôi cũng đã trải nghiệm tương tự. Đại loại là quá khó khăn, phải sa thải, cắt giảm. Lúc đấy buộc phải đặt ra vấn đề, nếu chỉ được giữ lại một thứ thì giữ lại gì. Một nhóm được định danh rõ ràng. Sau này gặp môi trường thuận lợi nhân lên ầm ầm. Ai ngờ đó chính là Tế bào gốc.

Tôi cũng lập tức bàn ngay với Giám đốc Đào tạo Phan Phương Đạt, xác định và tách Tế bào gốc của FUNiX đem đi lưu trữ.

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()