Chúng ta

Tâm thư viết cho ai

Thứ hai, 22/8/2016 | 14:33 GMT+7

Từ câu chuyện tâm thư của nữ sinh muốn vào trường công an, nhìn rộng hơn, gần đây có những câu chuyện ngày càng bị đẩy xa bản chất vốn có. Dường như sức mạnh của đám đông đang muốn đứng cao hơn luật pháp và quy tắc!

Vài năm gần đây, cứ đến mùa tuyển sinh lại thấy ồn ào chuyện sĩ tử viết tâm thư gửi gắm lãnh đạo cao cấp để được vào các trường công an; năm nay cũng thế.

Chớt nhớ lại câu chuyện của cô bạn học. Tốt nghiệp loại giỏi, các thành tích phong trào đáng nể, cha là công an và bản thân là đảng viên, cô bạn tôi mơ ước trở thành giảng viên Đại học An ninh.

Qua các vòng, người phụ trách tuyển dụng nói một câu ngắn gọn nhưng đanh thép, ấm áp: "Nếu được nhận, em sẽ là người thuộc lực lượng an ninh. Ngành mình có những quy định riêng, em về tìm hiểu rồi suy nghĩ kĩ. Anh vẫn mong sẽ có em trong đội ngũ giảng viên của trường".

Khi đó, cô bạn tôi vẫn chưa suy nghĩ nhiều vì niềm hân hoan xấm chiếm tâm trí nên tiếp tục vòng phỏng vấn với lãnh đạo, bài giảng trên giấy và giảng thử. Hành trình tưởng như xong, chỉ còn buổi giảng mà theo lời thầy quản lý khoa là để đủ thủ tục, người phụ trách tuyển dụng lại gọi cô bạn tôi lên trường để hỏi thêm, trong đó có câu về người yêu... "Em suy nghĩ kỹ lần nữa rồi báo lại để anh chuẩn bị làm hồ sơ", người phụ trách tuyển dụng dặn.

Lần này cô bạn tôi không hân hoan được nữa! Lần thần đi từ trong trường ra, chàng người yêu đang nhẫn nại đợi ở cổng. Đó không phải là lần đầu tiên, mà bao nhiêu lần cô bạn từ Ký túc xá của trường ở tận quận 11 chạy ra Thủ Đức để trình diện, gặp gỡ, phỏng vấn là bấy nhiêu lần ảnh chở đi. Anh bảo, đường xa và xấu, trong khi cô bạn tôi bị say xe nên khó đi buýt. Khi ấy, cô bạn xác định sẽ lấy anh làm chồng, rồi không lẽ đến khi được nhận vào dạy, bạn phải nói lời chia tay với người yêu bởi xuất thân gia đình anh ấy sẽ vướng vào các nguyên tắc của ngành.

Cuối cùng, sau khi đã cân nhắc nhiều yếu tố, cô bạn tôi đành gọi điện cảm ơn đại diện nhà trường vì không thể tiếp tục.

Từ chối một nơi có thể cho mình ngay lập tức danh phận và sau đó là những đãi ngộ ổn định lâu dài để bước vào một cuộc hành trình chông chênh, nhất là với một sinh viên quê ở tỉnh, mới ra trường, không hề đơn giản về cảm xúc. Con đường mới của cô bạn phải trải qua bao gian nan mới có thể trở thành một giảng viên ở trường đại học khác.

Tổ chức nào cũng có quy tắc. Là người bình thường, bạn đi nước ngoài bất cứ lúc nào muốn. Nhưng nếu là cán bộ công chức trong biên chế, bạn phải xin phép đơn vị quản lý. Nhắc lại câu chuyện ngày xưa, cô bạn tôi chiêm nghiệm: “Mình không thể cứ vì hân hoan mà gia nhập ngành để rồi sau đó đớn đau vì tình lỡ hoặc tru tréo lên sao tổ chức lại can thiệp vào đời tư của tôi”.

Tôi chợt nhớ câu chuyện về Unit 8200 - đơn vị tuyệt mật trong quân đội Israel. Không chỉ thực hiện chiến dịch an ninh và gián điệp mạng kỳ bí, Unit 8200 còn là trường đào tạo doanh nhân khởi nghiệp tốt nhất thế giới, cho ra đời hàng trăm startup sáng giá về công nghệ, theo Forbes. Unit 8200 cũng không tuyển công dân Israel là người gốc Ả Rập - Arab! Lý do là người gốc Ả Rập, dù chiếm đến 20% dân số, không buộc phải phục vụ trong quân đội như những người Israel gốc Do Thái.

Khi sống trong tổ chức nào đó, bạn phải tôn trọng các nguyên tắc và biết giới hạn của mọi thứ là ở đâu; cho dù, bạn có trở thành quản lý cấp cao thì người biết làm sếp cũng phải tuân thủ quy định chung bởi nó được đặt ra vốn là để điều tiết chung. Còn nếu thấy bức bối, hãy cứ ra đi. Bạn chưa đi, có phải vì chính mình yếu thế?

Quay lại câu chuyện mới đây: sao cứ phải rần rần viết tâm thư để đánh động dư luận và làm sức ép để những điều vốn đã được cân nhắc mới được áp dụng và có đủ lý do để tồn tại nay phải vì mình mà đổi thay?! Nếu thực sự giỏi, sao phải ngại bão giông? Đã thực sự yêu chưa mà đòi sống chết? Nếu đã yêu mà không được chọn lẽ nào sự sống vì đó mà cũng úa tàn?!

Nhìn rộng hơn, gần đây có những câu chuyện ngày càng bị đẩy xa bản chất vốn có: nhà trường phạt những học sinh không tuân thủ nội quy về đồng phục; cảnh sát giao thông phạt lỗi vượt đèn vàng hoặc nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép hay trước đó nữa là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm... Dường như sức mạnh của đám đông đang muốn đứng cao hơn luật pháp và quy tắc!

Nguyên Văn



 

Ý kiến

()