Chúng ta

‘Tái cấu trúc’ bản thân

Thứ sáu, 24/8/2012 | 09:04 GMT+7

Cách đây 4 năm, lần đầu tiên tới dự buổi chia sẻ của lãnh đạo FPT, ghi dấu ấn trong đầu tôi là câu nói: “Dù công ty đang hoạt động bình thường nhưng khoảng hai năm cũng cần tái cấu trúc một lần”.

Tại thời điểm đó, tôi chẳng quan tâm tái cấu trúc là cái gì và nó ảnh hưởng đến mình thế nào. Tôi hồn nhiên mặc định, ừ thì các sếp đã đúc rút bao nhiêu năm, chắc là đúng.

Mỗi lần nhắc đến tái cấu trúc, lại có vài nhóm người hoang mang. Người lo mất chức, người lo mất việc, một số người khác thì so đo về quyền lợi mà họ nhận được từ cơ cấu mới thay vì mô hình cũ. Ấy là ở phía những người phải thừa hành. Còn người quyết định thì cũng “vật vã” như trải qua một cuộc phẫu thuật. Làm thế nào để tối ưu hóa lực lượng hiện có, đẩy mạnh kết quả kinh doanh mà lại ít rủi ro nhất cho những con người đang hằng ngày cống hiến cho công ty là bài toán họ phải giải. Trong bài toán ấy, họ khó có thể chọn phương án vẹn toàn mọi mặt. Vậy là họ mang tiếng ác, dù ở trong căn phòng kín bưng, họ đang vò đầu bứt tai để đấu tranh cho anh em.

Nhưng doanh nghiệp cũng có vòng đời như sản phẩm. Khi đã lên đến đỉnh dốc, nếu không “cải tiến” thì sẽ bắt đầu đi xuống. Bởi vậy, dù đau đớn thì cuộc “phẫu thuật” kia cũng vẫn phải diễn ra.

Trở lại với vạch xuất phát của tôi, các tân binh hiện nay có lẽ cũng chẳng mấy quan tâm đến tái cấu trúc công ty. Vậy thì ta sẽ bàn cái gì gần gũi hơn, gia đình chẳng hạn.

Nói ra thì xấu hổ, nhưng đúng là qua một buổi trò chuyện với TS. Lê Thẩm Dương, tôi mới tự bật cười soi lại gương. Ông nói về câu chuyện tái cấu trúc của nhà nước, nhưng lại hóm hỉnh ví von với chuyện gia đình. Vợ chồng lấy nhau khoảng 4 năm thì bắt đầu sang giai đoạn thoái trào. Về đến nhà, vợ mặc quần xoăn như lò xo, đầu tóc rối bù, lúc nào cũng “nhăm nhe” thông báo đã tiết kiệm mua được nửa chỉ vàng, trong khi chẳng đầu tư chút gì cho bản thân. Thế thì chồng cũng phát chán. Trong khi ra đường thì cô nào cũng chải chuốt, điệu đà, làm sao đàn ông không hư được. Vậy tới giai đoạn cảm xúc “tụt” xuống, gia đình lại phải “tái cấu trúc” bằng cách vợ chịu khó mua sắm thêm quần áo mới, chăm chút bản thân hơn. Vợ chồng cùng nhau đi du lịch, chia sẻ những hoạt động xã hội để có dịp thấy nhau “mới” hơn. Ấy thế là lại bắt đầu chu kỳ nâng cảm xúc tiếp theo. Và cứ vài năm thì lại phải “tái” một lần để xốc lại những tình cảm đang bị mai một.

Nói cho cùng, tái cấu trúc công ty hay gia đình vẫn là vấn đề con người. Vậy thì điểm thứ ba cần “tái” chính là bản thân mỗi người. Các cơ quan trong cơ thể ta hoạt động cũng chẳng khác gì một doanh nghiệp, một gia đình. Chúng cũng cần được bổ sung “dinh dưỡng” ngay khi có dấu hiệu “đau yếu”. Chúng ta có thể “tái” sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm và cả ngoại hình để mình không trở thành người luôn đi sau.

Không có gì là không thể, chỉ cần đón nhận cái sự “tái” ấy với thái độ tích cực, bạn sẽ thấy đó là cơ hội với mình. Hãy cứ “tái cấu trúc” bản thân ở đúng những thời điểm hợp lý, tự khắc gia đình hay công việc sẽ có những tiến triển tốt. Trước tiên, chỉ cần bắt đầu từ những cái nhỏ. Một chút thời gian đi bộ để giúp sức khỏe tốt hơn. Mỗi ngày đọc vài trang sách hay gặp gỡ bạn bè để chia sẻ sẽ giúp kiến thức, kinh nghiệm được cải thiện. Và bạn hãy thử “ngó” lại một chút cái tủ quần áo của mình, có cái nào sờn không nhỉ?

Thùy Linh

 

Ý kiến

()