Chúng ta

Sáng tạo, kỷ luật và GEN FPT

Thứ hai, 10/4/2017 | 14:54 GMT+7

Sáng tạo ở FPT vốn có từ lâu rồi. Đơn giản là tôi hy vọng Sáng tạo ở FPT sẽ được đẩy lên một tầm cao mới và không còn phải là việc làm cô đơn của một vài nhóm người.

Tôi viết bài về sáng tạo mặc dù tôi là người thích các quy trình. Sâu thẳm trong tiềm thức của mình, tôi tin rằng sáng tạo là một phần con người mỗi chúng ta.

Với tôi, sự sáng tạo đôi khi được thổi phồng quá mức. Bởi vậy, nó trở nên xa lạ với phần đông chúng ta. Tôi tin rằng sự sáng tạo lại không nằm ở việc chỉ số IQ cao bao nhiêu, mà nằm ở sự tò mò, cần mẫn và đôi khi ở tính hài hước, lãng mạn.

Vậy làm thế nào để sáng tạo ?

Động não thì sẽ sáng tạo. Sáng tạo có rất nhiều thủ thuật, nghe đâu có mười mấy thủ thuật sáng tạo như thủ thuật ý tưởng mồi, thủ thuật kết hợp ngẫu nhiên, thủ thuật ẩn dụ, thủ thuật liên tưởng… Mà động não cũng còn gọi là tư duy chính. Vì vậy, chúng ta hay thấy các thuật ngữ như tư duy chiến lược, tư duy đột phá, tư duy khác biệt… ngầm ám chỉ là các hoạt động này đòi hỏi sự sáng tạo.

Đơn giản thì cứ tìm ra cách giải quyết một vấn đề nào đó không theo cách cũ là sáng tạo rồi. Mình có thể tự nghĩ ra hoặc tìm được một giải pháp phù hợp đã áp dụng ở nơi khác về áp dụng cho nơi mình cũng là sáng tạo đấy chứ.

Để bản thân trở nên sáng tạo thì như tôi liệt kê ở trên có nhiều cách và phương pháp lắm. Nhưng quy tụ lại, theo tôi, các yếu tố sau sẽ quyết định sự sáng tạo:

Tự tin vào khả năng sáng tạo của chính mình là yếu tố hàng đầu, thậm chí, quyết định đến 50% khả năng sáng tạo của bạn. Đó chính là sức mạnh của trí não, chi phối khả năng của con người. Khi cô giáo đưa cho đứa trẻ cùng một số khuôn để chấm màu, đứa trẻ có thể chỉ đơn giản dùng khuôn đó đóng vào giấy là thành ngôi sao, bông hoa… nhưng nhiều đứa trẻ không chỉ đơn giản đóng khuôn hình ra giấy như vậy, chúng còn dùng tay chấm vào màu rồi tự vẽ lên các bức tranh nhiều màu sắc rất đẹp rồi diễn tả theo trí tưởng tưởng của chúng rất hay và vô cùng sinh động. Sự tự tin của đứa trẻ đã giúp chúng làm được như vậy.

Điểm thứ hai kích thích trí sáng tạo là chúng ta phải luôn vui vẻ. Duy trì một tâm trạng tích cực, vui tươi thì não mới có thể mở cánh cửa trí tuệ để kích hoạt cỗ máy sản sinh ra ý tưởng trong bạn. Với thái độ bực bội, buồn bã, "nghiêm trọng hoá", chắc hẳn dù bạn có giỏi nhường nào cũng chỉ sẵn sàng cho việc chỉnh sửa các "template" chứ không tài nào tư duy nổi theo cách mới.

Nghe nhạc thư giãn, vui vẻ hay đi dạo bộ, làm vài động tác thể dục, hay tổ chức team building với đồng nghiệp để tạm thời không nghĩ đến công việc khó khăn hiện tại rồi bất chợt giải pháp ùa đến với bạn. Nhiều lúc đi dạo ở khu vườn nơi tôi làm việc mà nghĩ được một vài trò hay ho giúp thúc đẩy năng suất công việc của các bạn đồng nghiệp cùng dự án.

Điểm thứ ba chính là môi trường mà ở đó, sự sáng tạo được nuôi dưỡng. Có được một môi trường làm việc hoành tráng kích thích sự sáng tạo thì tốt quá rồi. Nhưng nhiều khi chỉ cần những không gian bình dị thường ngày như quán cafe, trà đá ven đường, khu ăn uống pantry hay thậm chí là trong nhà vệ sinh... cũng nảy sinh những ý tưởng.

Vậy ai bắt chúng ta phải sáng tạo trong khi công việc của chúng ta vẫn đang suôn sẻ nhỉ?

Trong công việc thì chính khách hàng là những người thầy dạy chúng ta sáng tạo như là viết một chức năng không những là chạy được, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ mà còn phải chạy nhanh, đáp ứng hiệu năng mà khách hàng mong muốn. Thầy càng yêu cầu khắt khe, trò càng phải tìm giải pháp tốt, phải sáng tạo hơn để đáp ứng yêu cầu của thầy.

Trong đời sống thì nhu cầu giải quyết vấn đề đóng vài trò là “người” bắt chúng ta sáng tạo. Ví như cùng một loại nguyên liệu nhưng chúng ta có thể chế biến thành các món ăn hấp dẫn khác nhau.

Sáng tạo như thế nào mà vẫn đúng kỷ luật?

Một số người nghĩ những người sáng tạo thường vô kỷ luật. Nhưng vẫn có những người như Steve Jobs vừa sáng tạo vừa kỷ luật đấy thôi.

Có một thủ thuật giúp sáng tạo mà vẫn giữ được kỷ luật đó là sáng tạo theo tiêu chí. Ví như việc gom đủ các object của một chương trình vào các gói để chuyển sang môi trường sản xuất đáp ứng các tiêu chí như tuân thủ chuẩn lập trình của dự án, gán đúng nhãn cho gói theo quy định đã thống nhất, thứ tự của các gói trong một lần chuyển… Việc đáp ứng các tiêu chí là một chuyện (kỷ luật). Còn việc áp dụng “mẹo” nào để gom các object đó vào gói mà khi chuyển sang môi trường chạy thật đáp ứng tỷ lệ lỗi kỹ thuật thấp nhất thì cần đến sự sáng tạo của các lập trình viên. Lâu dần những sự sáng tạo này sẽ được lưu lại thành cơ sở tri thức của các lập trình viên dự án. Các lập trình viên khác cứ thế mà theo và thế là sáng tạo chuyển lên một tầm cao mới, đó là tính kỷ luật. Cứ làm đúng như vậy thì sẽ ít bị lỗi hoặc không bị lỗi.

Trên thế giới thì người Nhật không được coi là người sáng tạo. Chỉ lấy cải tạo (kaizen) làm kim chỉ nam. Thế mà ra cái khu phố điện tử Akihabara có khi phải đi một năm mới xem hết đống đồ. Người Nhật thật rảnh, nghĩ ra đủ thứ.

Với người Nhật, sáng tạo chả đâu xa, là cải tiến, đơn giản dễ hiểu. Cải tiến của người Nhật là văn hóa, nên không cần hỏi tại sao, nó là đương nhiên. Còn ai bắt ư? Nó là sứ mệnh sinh ra trên đời. Làm sao tuân thủ kỷ luật mà vẫn sáng tạo, lại Văn hóa. Khi nào lên đến trình cao của sáng tạo sẽ kỷ luật.

Còn với một người bạn của tôi thì sáng tạo trên sự thấu hiểu của vấn để và đầy đủ dữ liệu sẽ giúp ta sáng tạo trong kỷ luật.

Làm thế nào để Sáng tạo trở thành một tập lệnh trong bộ GEN của mỗi người FPT?

Không phải chờ đến khi Sáng tạo trở thành một tập lệnh trong bộ GEN của FPT chúng ta mới sáng tạo. Tôi đặt câu hỏi không phải có ý vậy. Sáng tạo ở FPT vốn có từ lâu rồi. Đơn giản là tôi hy vọng Sáng tạo ở FPT sẽ được đẩy lên một tầm cao mới và không còn phải là một việc làm cô đơn của một vài nhóm người.

Như một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn đã viết mà tôi thấy đúng nên xin phép tóm tắt lại ý của anh để trả lời cho câu hỏi trên. Đó là:

Chúng ta cần niềm tin rằng đề xuất của mình được lãnh đạo các cấp xem xét với sự sáng suốt, khách quan và trách nhiệm cao nhất, cam kết triển khai nếu nó khả thi để cho sáng tạo không chỉ còn là việc của vài lãnh đạo và cán bộ theo phong trào.

Chúng ta cần thấy sự cần thiết phải thay đổi; Chúng ta cần có sự minh bạch; Chúng ta cần hướng các hoạt động đổi mới, sáng tạo định hướng phục vụ khách hàng, phục vụ frontlines (bộ phận làm việc trực tiếp với khách hàng trong cung cấp sản phẩm dịch vụ); Quyền lực sáng tạo và đổi mới thuộc về mọi người nhà F; Điều kiện thứ sáu, tuy nhiên không phải cuối cùng, mới là sự khen thưởng, động viên đối với sáng kiến.

Những điều kiện trên là rất cần thiết để biến đổi mới, sáng tạo không phải chỉ là một phong trào, là việc của một nhóm người, một nhóm lãnh đạo mà là một giá trị văn hóa của tổ chức, nằm trong “gen” của mọi thành viên.

                                                                                                            Hoàng Phúc Thịnh

Ý kiến

()