Chúng ta

Ra đi là để trở về

Chủ nhật, 1/5/2016 | 14:18 GMT+7

Bước sang nửa cuối của tuổi U40, tôi bỗng thích về quê chơi. Trở về kiếm tìm cho mình vài thứ long lanh để làm vốn rồi lại ra đi và lại có cớ để trở về!

Hồi còn trẻ trâu, lúc nào cũng ước cho nhanh nhanh đến lúc thi đại học để tìm đường ra khỏi cái lũy tre làng quanh năm xao xác những âm thanh của gà, bò, chó, lợn và lúc nào đẫm mùi phân. Thứ mùi luôn nồng nàn cả trong gió sớm lẫn khói lam chiều bảng lảng khắp làng. Dạo ấy, cứ đi học trên tỉnh thì thôi, về đến nhà lại thái chuối băm bèo, nấu cám, tưới cây. Cả nhà luôn tay luôn chân mà rồi cũng vẫn thiếu trước hụt sau. Cái mảnh bằng tú tài lẫn bằng đại học, coi vậy chứ cũng chỉ trông cả vào lợn gà chó má cây cỏ trong vườn.

Đọc sách, thấy người ta tả làng quê rõ đẹp. Làng nào cũng nằm ven một khúc sông hiền hòa, có bến nước thanh bình. Đầu làng không cây vông thì cây gạo hoặc cây đa cao chót vót, đến mùa hoa nở đỏ một góc trời. Đường làng là những rặng tre pheo làm bờ rào xanh ngút ngát, trưa hè im ắng, chỉ nghe tiếng tre đón gió cọ vào nhau kẽo cà kẽo kẹt. Chưa kể, làng nào cũng có đình làng, chùa làng, giếng làng là những chỗ để dân làng giao lưu, trai gái trong làng rủ nhau hẹn hò những đêm trăng thanh gió mát.

Làng đẹp như thế ai chả nhớ!

Nhưng làng mình không giống thế. Đầu làng có cũng có cây vông nhưng cây vông đầu làng còn chả to bằng cây vông ở góc vườn nhà mình. Thân cây vông đầu làng chỉ to vừa bằng cái bắp chân. Mới cao lên chút đã toàn gai là gai. Cũng chả phải các cụ trồng mà chắc do chim chóc ăn hạt ở đâu đấy rồi "gieo" xuống đầu làng hoặc là gió cuốn rác bụi tấp vào góc quẹo mà nẩy mầm thành cây. Chả có tác dụng che nắng che mưa, chỉ có ích để đám trẻ trâu cột trâu bò mỗi khi tạt vào nhà ông già ở đầu làng để xin nước uống.

Đường làng cũng toàn là hàng rào bằng gạch cốm xây xiêu vẹo hoặc hàng rào bằng tre nứa rào rấp lại để phân chia ranh giới. Cũng có một khúc quanh có vài bụi tre nhưng chả ma nào mò ra ngồi chơi, sợ rắn cắn hoặc ma bắt nhét vào trong kẹt. Làng cũng chẳng có đình, chùa hay giếng làng. Những đêm trăng suông hoặc không suông thì cũng thế thôi, đám trai gái làng mới lớn rủ nhau đi đảo quanh làng, ghé nhà đứa này một tý, nhà đứa kia một tý, nói chuyện phiếm, trêu chọc nhau rồi về đi ngủ. 

Cả làng ngót vài trăm nóc nhà nhưng tối lại cứ âm âm u u, buồn tả tơi. Người già trong làng không nhiều, không ít nhưng cũng không thành nơi nương tựa về tinh thần cho người trẻ. Hai thế hệ cứ rời rạc như hai hột cơm nguội nằm cạnh nhau. Mọi kết nối đều mong manh cho đến khi có người nằm xuống. Tiếng trống, tiếng kèn vang lên là lúc người sống nhận ra sự mất mát và tiếc nuối khi người thuộc thế hệ trước ra đi. Nhưng sau bữa cỗ ba ngày, đâu lại vào đấy. Người làng ai cũng phải cày bục mặt kiếm cái ăn. Trẻ con trong làng một buổi đi học, một buổi làm việc nhà, cũng không thiếu trò chơi trẻ con nhưng lớn lên cũng như cây cỏ, đèn nhà ai nhà nấy rạng. Thiếu hẳn chất chung!

Làng như rứa đứa mô chả mong thoát ly!

Không có lũy tre làng ngăn với thế giới bên ngoài nhưng giữa thế giới trong làng và thế giới cách đó vài bước chân: phố chợ Lăng - đã là hai thế giới khác. Dân trên chợ nhanh nhẹn, tháo vát, giỏi xoay xở. Buôn bán làm ăn lớn hẳn. Dân trong làng mãi sau này mới bắt đầu tập tọe làm theo để ra phố mua cái này cái kia về bán chác kiếm đồng bạc lẻ. Gọi là nghề chạy chợ.

Xa hơn nữa, chỉ mươi cây số là thành phố tỉnh lỵ. Thành phố tỉnh lỵ không có nhà cao tầng, không hào nhoáng như những thành phố lớn nhưng dù sao cũng là trung tâm của tỉnh. Đường nhựa rộng rãi, tối đến đèn đường sáng choang, có quán xá, có bờ hồ mở nhạc xập xình. Ai đi qua cũng đi chầm chậm lại để nhìn ngó dáo dác đặng kiếm tìm một chút ít hình ảnh văn minh cho riêng mình. Có cả sự thèm thuồng lẫn trong sự tò mò cố hữu. Nhưng đó là một thế giới khác, thế giới mà những người lớn lên ở làng như mình khi ấy muốn tìm đến. Tìm đến để làm gì thì không biết nhưng biết rõ là để thoát khỏi cái buồn buồn, ủ rũ và ảm đạm quanh năm ở làng.

Rứa là đi!

Ngót nghét 10 năm trời, người đi chỉ trở về (cũng thật họa hoằn) trong những mùa lễ tết. Làng vẫn là thứ mơ hồ nhạt nhòa trong lòng và phố xá vẫn náo nức vẫy gọi chân ta đi. Thêm 5 năm nữa chập chờn đi đi về về cũng không định hình rõ có điều gì níu kéo tâm hồn hay thể xác mình ở lại Làng ngoài mồ mả ông cha và sợi dây máu mủ với những người thân ruột thịt. Những thứ nửa tình cảm, nửa trách nhiệm không thể định hình. Vài năm nữa trôi qua, những biến động của thời cuộc và sự xoay vần của con tạo giúp mình sống chậm lại để có cơ hội chiêm nghiệm cãi nhẽ "lá rụng về cội" ở đời.

Cứ mải miết náo nức tìm kiếm những thứ bên ngoài, để tâm hồn và tinh thần lạc lối trong chính mình và tự vấn mình về mục đích sống rồi bế tắc khi tự đặt mình vào thế cục của sự chọn lựa. Một bên là sự tiện nghi của cuộc sống vật chất và một bên là sự an lành của tâm hồn và ký ức ngày mới lớn. Đâu là lựa chọn đúng đắn?

Chắc chắn, không có lựa chọn nào là đúng đắn cả.

Mình đang sống trong một thế giới có nhiều thay đổi chóng mặt và hơn thế nữa, mình đang sống trong một xã hội mà các tiêu chuẩn đều điên đảo. Đời mình coi như xong vì đã học được cách chấp nhận thực tại, sống vì thực tại và hưởng thụ hạnh phúc thực tại. Nhưng con cái mình, chúng nó cần được nâng bước như cha mẹ mình đã nâng bước mình. Không có cách nào tốt hơn là phải để chúng tự bước đi giữa thực tại đầy hỗn loạn của xã hội. Để học cách sinh tồn trước khi học cách để bình an tâm hồn. Vậy lựa chọn nào là đúng đắn?

Chắc chắn không có lựa chọn nào cả, tiếp tục sống như những ngày đã sống và trân trọng nhiều hơn những khoảnh khắc nhàn tản khi quay trở về làng. Trở về kiếm tìm cho mình vài thứ long lanh để làm vốn rồi lại ra đi và lại có cớ để trở về!

>> Giữ gìn môi trường, nhìn từ Myanmar

Trịnh Ngọc Biên

Ý kiến

()