Chúng ta

Quyền lựa chọn ‘không trả phí’

Thứ tư, 30/3/2016 | 14:46 GMT+7

Mới đây, hàng chục người dân phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đã tập trung tại trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì để phản đối việc chủ đầu tư ngăn cầu cũ, buộc phải đi cầu mới.

Dân không chịu đi cầu mới vì với họ mức phí 35.000 đồng mỗi lượt xe dưới 12 chỗ là quá cao. Những cuộc phản đối như vậy không chỉ xảy ra ở Phú Thọ. Trước đó, xung đột giữa một bên là người dân, một bên là chính quyền và các chủ đầu tư đã diễn ra ở Hòa Bình, Quảng Bình...

Sự việc này khiến tôi nhớ đến câu chuyện hồi còn đi học. Năm 1998, chúng tôi tham dự khoá học "Quản trị kinh doanh cao cấp", dành cho các doanh nhân Việt Nam, tại Đại học Dartmouth - Mỹ. Lớp học được chia thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm phải xây dựng bản kế hoạch kinh doanh chi tiết cho một dự án kêu gọi đầu tư và phải bảo vệ nó trước một hội đồng đầu tư nghiêm túc, bao gồm những chuyên gia của các quỹ đầu tư Mỹ và các giáo sư ĐH Dartmouth.

Anh bạn tôi là lãnh đạo một công ty của Bộ Giao thông. Nhóm của anh chọn đề tài là một dự án BOT mà công ty anh đang chuẩn bị thực hiện. Vì đề tài của nhóm anh xuất phát từ một dự án thật, nên bản kế hoạch kinh doanh rất chỉn chu, vượt trội so với những nhóm còn lại. Tuy nhiên, nhóm của anh đã bất ngờ bị hội đồng đầu tư đánh rớt, trong khi các nhóm khác đều đạt điểm cao.

Nguyên nhân xuất phát từ đoạn đối thoại sau đây:

- Theo bản đồ, con đường từ A đến B, mà các anh dự kiến xây dựng theo hình thức BOT, là đường độc đạo?

- Vâng.

- Người dân địa phương có thể đi từ A đến B bằng đường khác không?

- Không. Họ sẽ đi trên đường chúng tôi xây dựng lại.

- Và họ phải trả phí?

- Vâng.

- Họ có được hỏi ý kiến và chấp thuận không?

- Chúng tôi nghĩ là con đường sẽ mang lại lợi ích cho mọi người, nên không hỏi.

Chỉ đơn giản thế thôi. Rồi bị đánh rớt.

Nhưng sau đó, phải mất khá nhiều thời gian, các giáo sư Mỹ mới giải thích cho các lãnh đạo ngành giao thông Việt Nam hiểu được rằng, "thu phí" không thể là sự hiển nhiên và bắt buộc. Người dân phải có quyền lựa chọn "không trả phí". Nếu họ muốn, không trả phí, như trước kia, thì phải có đường cho họ đi. Vì thế, bạn không thể biến một con đường độc đạo, từ không thu phí, thành đường có thu phí, mà không có sự đồng thuận của người dân địa phương.

Buổi học để lại cho tôi một ấn tượng mạnh: Một dự án, dù chỉ là giả lập trong nhà trường, cũng không có quyền vi phạm đến lợi ích của người dân.

>> Quyền lực mới

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()