Chúng ta

Quỹ của ai?

Thứ năm, 27/3/2014 | 10:50 GMT+7

Gần đây, vấn đề thu hút sự quan tâm của người FPT không phải giá cổ phiếu, mà là chuyện đóng góp một ngày lương cho Quỹ “Người FPT vì cộng đồng”.
> Ủng hộ một ngày lương làm thiện nguyện

Qua tìm hiểu, tôi thấy đây là một câu chuyện thú vị, nên xin được bàn. Sau đây, sẽ gọi tắt là Quỹ “Người FPT” cho gọn.

Tại sao lại phản đối?

Những đại diện của Quỹ có vẻ bất ngờ khi nhận được nhiều ý kiến phản đối đến vậy. Ý kiến khá đa dạng, nhưng tựu chung nguyên nhân chính là do mọi người cảm thấy bị ép buộc. Phía Quỹ thì liên tục nhấn mạnh đến mục đích của mình, với những cụm từ thường xuyên xuất hiện trong các bài phỏng vấn như: “Nhân ái”, “xuất phát từ tâm”, “nhân bản”, viện dẫn cả lời nhà tu hành. Ngay nội dung buổi giao lưu ngày 27/3 của Quỹ cũng xoay quanh chuyện này: Tầm quan trọng, sự cần thiết, mục đích... Dường như phía Quỹ cho rằng, những người phản đối chưa hiểu mục đích cao đẹp mà Quỹ nhắm tới.

Theo tôi, nguyên nhân khiến mọi người phản đối không liên quan đến mục tiêu của Quỹ. Họ phản đối vì họ cảm thấy Quỹ không là của họ.

Công ty khác cộng đồng

Để giải thích luận điểm trên, ta thử tìm hiểu khái niệm Xã hội dân sự (XHDS). Một đất nước phát triển bền vững, bên cạnh Nhà nước cần có thể chế XHDS. Nôm na, XHDS là tập hợp các tổ chức do người dân tự lập ra, nhằm một mục tiêu xã hội nào đó. Rất nhiều hoạt động XHDS làm tốt hơn Nhà nước, ví dụ duy trì các chuẩn mực đạo đức, hay ngay việc thiện nguyện (ta đều biết nhiều tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực này). Ở Việt Nam, nhà nước quản lý tập trung nên XHDS kém phát triển, không được đánh giá cao, và điều này có ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước nhà.

Một công ty cũng có XHDS của mình, có thể gọi là cộng đồng những người đang, đã, hay thậm chí sẽ làm ở công ty đó. Cộng đồng này có ranh giới mờ, thực chất là tập hợp rất nhiều nhóm khác nhau, luôn biến động và đủ kích thước: Hội thích đá bóng, Hội cựu nhân viên đơn vị X, Quỹ tình nguyện nhỏ Y... Họ đều có một gốc chung, chính là công ty.

Ở Mỹ, có những công ty phát triển cộng đồng của mình một cách có chủ đích, bởi “cộng đồng sống dai hơn công ty”. Ví dụ có những đơn vị đã bị xóa sổ, nhưng cộng đồng nhân viên cũ vẫn giao lưu thường xuyên. Có hai yếu tố quan trọng của cộng đồng là tự nguyện và bình đẳng, cho nên mọi thành viên đều cảm thấy nó là của mình, phải có trách nhiệm với nó.

FPT cũng đã chú trọng phát triển cộng đồng. Tổng hội, vốn là cộng đồng với những khái niệm của XHDS, đã được nhắc đến và sử dụng ở FPT. Tuy nhiên, những năm gần đây, lãnh đạo công ty (tương tự Nhà nước đối với XHDS) chủ quan đánh đồng công ty FPT với cộng đồng người FPT, và việc lập Quỹ "Người FPT" là một ví dụ. Một số lãnh đạo công ty hay nhắc đến “ý chí của lãnh đạo”, nhưng đó là một khái niệm xa lạ với cộng đồng, vốn hoạt động trên nguyên tắc bình đẳng.

Quỹ của công ty hay của cộng đồng?

Mặc dù những người đăng đàn ra sức giải thích Quỹ "Người FPT" là của chung, có thể dễ dàng tìm ra những bằng chứng ngược lại, dễ đến mức ta có thể kết luận rằng lãnh đạo rất chủ quan:

- Ban quản lý Quỹ do công ty lập ra. Lẽ ra Ban quản lý Quỹ nên được một đại hội bầu ra và được công ty phê chuẩn.

- Thành phần Ban quản lý Quỹ toàn lãnh đạo. Đây là điều gây ngạc nhiên nhất, thậm chí trong phỏng vấn nó còn được nhắc đến như một ưu điểm của Quỹ. Tôi tự hỏi, tại sao không mời vào Ban quản lý những người đang vận hành các quỹ thiện nguyện trong FPT, như Quỹ Tấm lòng của FPT Software, hay Quỹ Khoa và những người bạn? Sao không phải các cán bộ Công đoàn? Quỹ cần toàn lãnh đạo công ty hay những đại diện ưu tú nhất của cộng đồng trong thiện nguyện?

- Không tận dụng hệ thống Tổng hội và Công đoàn. Quỹ đã đẩy các cán bộ Tổng hội và Công đoàn vào tình thế khó xử khi họ không được tham gia vào các quyết định của Quỹ nhưng phải đứng ra bảo vệ chúng. Nếu họ được mời tham gia quyết định ngay từ đầu thì mọi thứ đã khác hẳn.

- E-mail quyên góp lương đến từ nhân sự. Nhân sự cần có thông tin ai góp để trích lương, nhưng chắc chắn không phải là người thông báo quyên góp (tất nhiên trừ phi đó là lệnh của công ty).

- Điều I.2 - Mục đích của quy chế Quỹ ghi: “Tổ chức các hoạt động thiện nguyện theo định hướng tập đoàn...”. Điều III.2 còn cho ta biết “định hướng tập đoàn” sẽ chiếm 30% quỹ, đúng bằng phần của các hoạt động thiện nguyện cho chính người FPT.

Một quỹ do công ty chỉ đạo toàn bộ như thế mà lại hoàn toàn “do người FPT tự nguyện đóng góp hằng năm” (Điều III.1, văn bản đã dẫn). Ngoài ra, Quỹ cũng tự đặt mình vào tình huống bất lợi khi cấp tập quyên góp ngay, hay trong Quy chế ẩn chứa mâu thuẫn tiềm tàng (“chỉ quyên góp một lần”, “dành 30% ủng hộ người FPT” và “quỹ phải tiêu hết trong năm”).

Cá nhân tôi cũng như đa số đều hiểu và ủng hộ việc gây quỹ sớm, tránh phải chạy theo vụ việc. Trong một bài phỏng vấn, đại diện Quỹ có nói: “Người FPT có thể làm nhiều hơn, kịp thời hơn nếu chủ động, chuyên nghiệp hơn và quan trọng là có nhiều người chung tay hơn”. Rất tiếc, ta không thấy sự chủ động, tính chuyên nghiệp trong việc lập quỹ và quyên góp, do đó làm giảm đi số người “chung tay”.

Phải làm gì?

Nếu không có công ty đứng ra, chắc chắn cộng đồng không thể lập và vận hành một quỹ to như vậy. Tuy nhiên, nên để cộng đồng thể hiện vai trò làm chủ của mình trong Quỹ. Nên có một đại hội để bầu ra Ban quản lý, sau đó công ty phê chuẩn. Nên có sự tham gia của Tổng hội và Công đoàn trong việc quyết định phân bổ Quỹ, hay cùng xác định chương trình trọng điểm của năm. Và nên để Tổng hội và Công đoàn các đơn vị sáng tạo trong việc quyên góp. Tất nhiên có rủi ro là bình quân không được một ngày lương, nhưng cũng có thể lớn hơn, và chắc chắn nhận được sự ủng hộ của mọi người nhiều hơn (là yếu tố quan trọng cho thành công của kỳ quyên góp năm sau).

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()