Chúng ta

PR hay truyền thông: Vẽ cái bán được và bán cái vẽ được

Thứ sáu, 6/2/2015 | 09:50 GMT+7

Người ta nói, có hai loại họa sĩ: loại vẽ cái bán được và loại bán cái vẽ được. Loại đầu chiếm đa số, tài năng có hạn, chạy theo thị hiếu để dễ kiếm chác. Loại sau rất ít, là những tài năng thực sự, đi theo tiếng gọi của cảm xúc. Tác phẩm của họ luôn được chào đón, thậm chí săn lùng.

Các nghệ sĩ khác cũng vậy. Có người PR (Public Relations - quan hệ công chúng) những thứ mình làm, có người phải làm những thứ có thể PR được. Tạo xì căng đan là một ví dụ. Khi chẳng có tác phẩm gì ra hồn thì phải gây sốc, phải “lộ hàng” hay gì đó tương tự.

Các tổ chức cũng rứa. Ở một số nơi, các hoạt động hay đến mức luôn là sự kiện có thể PR. Ở nơi khác, người ta phải nghĩ ra những sự kiện chỉ nhằm mục đích PR. Một ví dụ điển hình cho sự kiện kiểu này là các cuộc “ra quân” khua chiêng gõ mõ ầm ĩ của chính quyền, kết thúc bằng các loại “báo công” để rồi dăm bữa nửa tháng sau mọi việc đâu lại hoàn đấy. Chẳng tác dụng gì. Mọi người biết tỏng.

Ở thời đại Internet, khi ranh giới thông tin giữa bên trong và bên ngoài tổ chức rất mờ nhạt, các hoạt động chỉ nhằm mục đích PR ít tác dụng và tốn kém. Thứ nhất, những người tham gia hiểu được mục đích show-off (phô trương) của nó nên không mấy hào hứng. Thứ hai, vì không phải hoạt động truyền thống nên không tạo được mong đợi, có khi còn bị ép vào thời hạn gấp gáp nào đó nên thiếu chuẩn bị. Thứ ba, những đối tượng của cuộc PR bây giờ không còn thỏa mãn với thông tin một chiều. Họ quan tâm đến thông tin được người trong cuộc chia sẻ hơn là thông tin “chính thống” vốn đã bị định hướng, vì chẳng có ai muốn bị “định hướng”. Chính vì thế, càng ngày người ta càng thiên về truyền thông những hoạt động truyền thống, thường kỳ của mình và qua đó khéo léo đạt được mục đích PR.

Những tổ chức mới, còn tương đối “vô danh”, có thể làm các sự kiện PR để mọi người biết đến mình, nhằm đạt được mục tiêu Nhận biết trong thang ba bước marketing (nhận biết - thuyết phục - hành động). Những tổ chức đã được nhiều người biết đến thì ngược lại, nên xây dựng các hoạt động truyền thống có phong cách riêng để tự nó là một sự kiện truyền thông /PR, hướng đến mục tiêu Thuyết phục (câu chuyện bạn kể, chuyển tải thông tin và cảm xúc từ bạn đến với người tiêu dùng đã nhận biết bạn) vì thuyết phục khách hàng tốt nhất là qua trải nghiệm, hoặc qua câu chuyện kể bởi những người quen ở bên trong tổ chức, chứ không bởi bộ máy PR.

Nếu bạn thấy tổ chức của mình được truyền thông không đủ, hãy xem lại các hoạt động trước khi xem lại bộ máy PR.

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()